22/05/2008 04:04 GMT+7

Đi biển né cá đuối

ĐÀO VIỆT HÀ(Viện Hải dương học)
ĐÀO VIỆT HÀ(Viện Hải dương học)

TT - Rất ít khi cá đuối tấn công người. Tuy nhiên, vừa qua tại TP Nha Trang đã có một ca tử vong do bị cá đuối biển chích.

AOkPHxs3.jpgPhóng to
Một loại cá đuối độc - Ảnh: V.Hà
TT - Rất ít khi cá đuối tấn công người. Tuy nhiên, vừa qua tại TP Nha Trang đã có một ca tử vong do bị cá đuối biển chích.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Trên thế giới có ít nhất hơn 20 loài cá đuối biển độc, trong đó 15-17 loài phân bố tại vùng biển nhiệt đới. Ở hầu hết vụ cá đuối đâm chích, cơ chế gây nguy hiểm cho con người là do độc tố của chúng.

Các trường hợp bị cá đuối đâm chích do hai khả năng. Một là, nạn nhân vô tình giẫm lên vùng đáy cát hoặc đáy bùn nơi cá đuối đang nằm ẩn náu. Hai là, khi bị ngư dân đánh bắt bằng lao, súng bắn cá, chĩa hay lưới, cá đuối thường giãy giụa và nếu như cố bắt cá trong lúc này sẽ bị gai đuôi chúng đâm vào da thịt. Một số du khách lặn biển cố gắng tiếp cận cá đuối để chụp ảnh cũng có khả năng bị chúng tấn công.

Cá đuối độc được xếp vào nhóm cá sụn có gai độc, thường các gai nhọn này phân bố trước hai vây lưng và ở trên đuôi của chúng. Nguy hiểm nhất là các gai phân bố ở vùng gần cuối đuôi dài 30cm, có khả năng gây các vết thương sâu và rộng trên cơ thể nạn nhân.

Không đi chân trần

Để tránh mối nguy hiểm từ cá đuối, chúng ta không đi chân trần trên bãi biển hoặc bãi tắm ở vùng nước nông. Khi cá đuối xuất hiện thì nhẹ nhàng tránh xa, không đánh động chúng vì đuôi cá đuối sẽ quất nhanh hơn bước chân chúng ta. Trong trường hợp cá đuối mắc lưới, giữ khoảng cách an toàn và phóng thích chúng bằng cách cắt dây lưới.

Lưu ý quần áo lặn chuyên nghiệp bằng cao su cũng dễ dàng bị gai cá đuối xé rách. Thợ lặn không bơi sát đáy cát vì có thể sẽ bị cá đuối đâm chích vào đùi hoặc bụng.

Nọc độc của cá đuối chủ yếu tác động trực tiếp đến hệ cơ tim và quá trình tuần hoàn máu. Khi chúng cảm thấy nguy hiểm đến tính mạng (bị thương do đánh bắt), hàm lượng độc tố tiết ra cao hơn nhiều lần so với điều kiện bình thường.

Hầu hết vụ tai nạn đều bị thương ở bàn chân hoặc vùng cổ chân do giẫm phải cá đuối. Thông thường nạn nhân bị vết thương khá sâu ở vùng mô mềm, có cảm giác đau nhức dữ dội hàng giờ liền, vùng bị thương chảy máu có màu xám, sau đó chuyển sang bầm tím. Đôi khi nạn nhân có cảm giác tê ngứa ở xung quanh vùng bị thương. Hiện tượng lở loét, bội nhiễm và hoại tử vết thương cũng có thể xảy ra trong trường hợp nặng.

Biểu hiện nhiễm độc lâm sàng khi bị cá đuối chích bao gồm toát mồ hôi, bồn chồn, buồn nôn, nôn mửa, co thắt cơ tim, hạ huyết áp, ngất xỉu và sốc. Lưu ý các triệu chứng trên cũng có thể do nạn nhân quá đau đớn, chứ không phải do tác động trực tiếp từ nọc độc. Trường hợp nạn nhân bị cá đuối chích vào vùng bụng hoặc vùng ngực thường nghiêm trọng nhất vì sẽ gây ra hàng loạt tổn thương nội tạng, có thể dẫn tới tử vong. Đã có trường hợp trẻ em bị cá đuối chích vào cổ họng gây tổn thương hệ cơ tim làm tim ngừng đập trong nhiều ngày.

Nọc độc cá đuối được lưu giữ trong các túi độc. Các túi độc được che đậy bởi bao vỏ keo dính. Khi cá đuối đâm chích, lớp vỏ này bị giật tung ra, nọc độc sẽ phóng thích vào cơ thể nạn nhân. Khi bị cá đuối đâm chích, các gai thường gãy và các mảnh gãy nằm lại trong vết thương nên một số túi độc sẽ lưu lại trong cơ thể nạn nhân. Nọc độc ngấm vào cơ thể nạn nhân do sự khuếch tán qua các mô tổn thương.

Biện pháp sơ cứu ban đầu là nhẹ nhàng gắp bỏ các gai độc. Nếu gai đâm quá sâu thì giữ chúng ở nguyên vị trí ban đầu, tránh làm gãy vì sẽ phóng thích nọc độc vào cơ thể nạn nhân. Rửa nhẹ nhàng vết thương bằng dung dịch nước muối loãng nhằm loại bớt nọc độc, nhưng không được sử dụng bất kỳ hóa chất nào trên vết thương. Sau đó đưa nạn nhân đến bệnh viện.

ĐÀO VIỆT HÀ(Viện Hải dương học)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên