Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) tại gian tư vấn của trường trong ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2016. - Ảnh: Trần Huỳnh |
Theo đó, trong năm học 2016-2017 nhà trường sẽ tuyển sinh chương trình kỹ sư (4 năm) ngành kỹ thuật không gian (mã ngành: 52900109) với tổng chỉ tiêu là 50 sinh viên. Tổ hợp môn xét tuyển: toán, lý, hóa hoặc toán, lý, tiếng Anh.
Chương trình kỹ sư kỹ thuật không gian (Space engineering) của bộ môn vật lý Trường ĐH Quốc tế sẽ giải quyết một phần nhu cầu nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ không gian, cụ thể là các ứng dụng của lĩnh vực này như xử lý tín hiệu, ảnh từ vệ tinh, công nghệ viễn thám, định vị vệ tinh từ các ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội cho đến quản lý tài nguyên môi trường, lãnh thổ, biển đảo, quốc phòng…
Theo khảo sát sơ bộ, nhu cầu nhân lực của Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ không gian và các ứng dụng liên quan như thông tin liên lạc, viễn thám, các lĩnh vực sử dụng và khai thác hình ảnh vệ tinh như dự báo thời tiết, quản lý tài nguyên... cần ít nhất 2.000 lao động trình độ cao cho giai đoạn 2015-2020.
PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng nhà trường, cho biết theo kế hoạch, vệ tinh cảm biến rađa quan sát Trái đất Lotusat-2 được sử dụng cho mục đích giám sát và phòng chống thiên tai, kể cả các nước trong khu vực, thì nhu cầu cần nhân lực khai thác, quản lý và kinh doanh dữ liệu vệ tinh sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Do đó với con số dự kiến sẽ đào tạo được (khoảng 200 chuyên gia) trên tổng số nhu cầu là 2.000 chuyên gia trong lĩnh vực này cho thấy VN sẽ thiếu trầm trọng chuyên gia để vận hành, khai thác các vệ tinh đang có và sẽ phóng trong tương lai một cách hiệu quả.
“Chương trình đào tạo này cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ chiến lược quốc gia về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ, các lĩnh vực liên quan và cũng là nguồn cung cấp các chuyên gia, các nhà khoa học, tiến tới làm chủ các công nghệ không gian, không quá phụ thuộc vào nước ngoài” - ông Phong chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có cơ hội: làm việc trong các cơ quan nhà nước, sử dụng quản lý dữ liệu vệ tinh để giám sát tài nguyên rừng, đất đai, lãnh thổ, biển đảo của đất nước; trong các tổ chức kinh doanh dữ liệu vệ tinh và các ứng dụng liên quan; làm việc và nghiên cứu tại các viện và trung tâm lớn của quốc gia như: Trung tâm Vệ tinh quốc gia (VNSC), Viện Công nghệ vũ trụ (STI), các cục, trung tâm viễn thám; trở thành giảng viên và chuyên gia trong các lĩnh vực kỹ thuật không gian; làm việc trong các lĩnh vực liên quan: viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử hoặc điện - điện tử.
Đặc biệt, khoảng 10% sinh viên xuất sắc sẽ có cơ hội được các đối tác của Trường ĐH Quốc tế tài trợ đi thực tập 1-3 tháng vào năm thứ 3 tại Hàn Quốc, Nhật Bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận