25/12/2024 11:07 GMT+7

Dệt may Việt Nam thoát hiểm thành công nhờ các đơn hàng bất ngờ

Việc nhận được các đơn hàng dịch chuyển từ Bangladesh giúp ngành dệt may Việt Nam thoát hiểm thành công, đạt được mục tiêu xuất khẩu trong một năm đầy khó khăn.

Dệt may thoát hiểm thành công nhờ diễn biến 'đảo chiều' có lợi - Ảnh 1.

Vinatex họp thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2024 - Ảnh: NGỌC AN

Ngày 25-12, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức họp thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai năm 2025.

Ông Cao Hữu Hiếu, tổng giám đốc Vinatex, cho hay vượt qua một năm sóng gió và khó khăn, tưởng chừng như không đạt được kết quả, nhưng tập đoàn và ngành dệt may vẫn giữ được đà tăng trưởng và không có đơn vị nào bị lỗ. 

Cán đích chỉ tiêu nhờ dịch chuyển đơn hàng

Theo đó, doanh thu hợp nhất ước đạt 18.100 tỉ đồng, bằng 102,8%; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỉ đồng, tăng 37,5% so với năm 2023; Thu nhập bình quân của người lao động đạt 10,3 triệu đồng/tháng, tăng 8,9%. 

Ông Hiếu chia sẻ năm 2023 ngành dệt may đã phải trải qua nhiều vất vả. Lần đầu tiên sau gần 30 năm kim ngạch xuất khẩu giảm trên 11%. Đà khó khăn tiếp tục trong 6 tháng đầu năm 2024, khi kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, lạm phát tăng, bất ổn chính trị diễn ra căng thẳng hơn. 

Theo đó, các đơn hàng mà doanh nghiệp nhận được chủ yếu là nhỏ lẻ, yêu cầu khắt khe về chất lượng và thời gian giao hàng nhanh, đơn giá vẫn ở mức rất thấp. 

Đặc biệt khi ngành sợi chưa có dấu hiệu tích cực, thị trường ảm đạm, bán dưới giá thành nên vẫn lỗ. Thực tế khiến cho lãnh đạo tập đoàn nhiều thời điểm phải họp, tính phương án ứng phó nếu không đạt chỉ tiêu.

Tuy vậy, tình hình 6 tháng cuối năm có đảo chiều bất ngờ, chủ yếu do một số "may mắn". Ông Hiếu cho hay tình hình bất ổn ở Bangladesh khiến nhiều cuộc đình công diễn ra, các nhà đặt hàng phải chuyển hướng, trong đó có Việt Nam. 

Đến nay, các doanh nghiệp dệt may tận dụng thị trường và có đơn hàng đến hết quý 1, thậm chí quý 2-2025. 

Ngành sợi với nhiều giải pháp tiết giảm chi phí, áp dụng cải tiến và linh hoạt chuyển đổi mặt hàng, tìm kiếm một số thị trường ngách. 

Vì vậy, mặc dù tổng thể của ngành sợi vẫn lỗ, nhưng chỉ còn bằng khoảng 10% của năm 2023, tức giảm lỗ tới 90%. 

Còn theo ông Hoàng Mạnh Cầm - phó chánh Văn phòng Vinatex, cho hay so với các đối thủ cạnh tranh, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất, với mức trên 10% và dự kiến đến cuối năm 2024 tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ cán đích gần 44 tỉ USD. 

Với kết quả này, Việt Nam vượt trên Ấn Độ về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may khi nước này đạt gần 7%. Trung Quốc có tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng là 273,4 tỉ USD, chỉ tăng 2%; đối thủ Bangladesh tăng trưởng xuất khẩu giảm và chỉ xuất được 27,7 tỉ USD.

Nhiều triển vọng tốt cho năm 2025

Nhận định về năm 2025, ông Cầm cho hay tín hiệu tăng trưởng tốt hơn khi thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và EU phục hồi kinh tế, nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện với triển vọng cho ngành dệt may tốt hơn. 

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về tính bền vững của việc dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh, ông Hiếu nhìn nhận đây là cơ hội và may mắn. Tuy nhiên, đơn hàng từ Bangladesh chủ yếu là những mặt hàng cơ bản, giá thấp với lợi thế cạnh tranh từ tiền lương, nên không phải đơn vị nào cũng tận dụng được. 

Theo ông Hiếu, chi phí lao động, tiền lương của Bangladesh ở mức thấp, chỉ bằng 30% của Việt Nam, dao động 100-120 USD/tháng, trong khi chúng ta là 400 USD/tháng. Vì vậy, các đơn hàng có giá trị gia tăng không nhiều, song những đơn hàng này mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp làm các mặt hàng cơ bản. 

"Năm 2025 các đơn hàng này chắc chắn giảm dần và Bangladesh sẽ lấy lại. Thực tế, có tháng xuất khẩu của họ giảm còn 1,6 - 1,7 tỉ USD, nhưng giờ đã tăng lên 3 tỉ USD/tháng, chứng tỏ họ đang thu hút lại đơn hàng.

Vì vậy năm tới sẽ không còn nhiều dư địa khai thác nguồn hàng dệt may từ nước này, song triển vọng thị trường chung đang tốt hơn" - ông Hiếu nhận định. 

Kim ngạch 44 tỉ USD chủ yếu từ doanh nghiệp nước ngoài

Kim ngạch 44 tỉ USD chủ yếu là FDI, doanh nghiệp Việt Nam chiếm thị phần không phải cao. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp Việt không đầu tư xuất xứ nguyên liệu, chắc chắn lợi thế hiệp định này sẽ mang lại cho doanh nghiệp FDI.

Thực tế chứng minh một loạt làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc đang dịch chuyển vào Việt Nam.

“Câu chuyện nhiều năm mà chúng ta bị nút thắt cổ chai là nguyên liệu xuất xứ từ vải. Không phải chúng tôi không quan tâm đầu tư, mà rất khó phát triển, đặc biệt khi quy định môi trường càng ngày càng khắt khe hơn, đầu tư lớn và nguồn nhân lực dệt nhuộm càng ngày càng khan hiếm” - ông Hiếu nói.

Dệt may thoát hiểm thành công nhờ diễn biến 'đảo chiều' có lợi - Ảnh 3.Đơn hàng dệt may tăng nhưng nỗi lo chưa giảm

Doanh nghiệp dệt may đối mặt nhiều nỗi lo, từ đơn giá, chi phí nhân công, vận chuyển đến câu chuyện 'xanh hóa'...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên