06/10/2018 19:08 GMT+7

Dẹp nạn chăn dắt trẻ: không khó!

TUỔI TRẺ
TUỔI TRẺ

TTO - Xã hội không thể có những người trục lợi từ sự tử tế, bóc lột trẻ em. Dẹp nạn chăn dắt trẻ không khó nếu mọi người quyết làm. Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến bạn đọc phản hồi về vấn đề này.

Dẹp nạn chăn dắt trẻ: không khó! - Ảnh 1.

Người phụ nữ chăn hai đứa trẻ bán vé số và đôi khi nhận tiền của người đi đường. Ảnh chụp trên đường Nguyễn Hữu Thọ,quận 7, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Cộng đồng cùng hành động

Đã nhiều lần báo chí phanh phui thực trạng trẻ em bị lợi dụng, bị chăn dắt để xin ăn, trộm cắp hoặc giao nhận ma túy... Những kẻ bất lương đã lợi dụng trẻ em để trục lợi.

Thật đau xót hơn khi chứng kiến trẻ em bị cho uống thuốc ngủ li bì trên tay người khác (thậm chí là đứa trẻ khác) để xin tiền. Họ biến trẻ và tình trạng đáng thương của các em thành phương tiện kiếm chác dựa vào lòng thương hại của cộng đồng. Có những trẻ, bằng cách này cách khác, bị ép buộc vào tình cảnh hoàn toàn phụ thuộc vào sự sai khiến của bọn bất lương.

Đáng lên án hơn khi chính những người lớn, người thân của trẻ lại là người tổ chức, huấn luyện bài bản, tinh vi cho trẻ phạm pháp. Cũng chẳng xa xôi gì, trẻ hôm nay rất dễ dàng trở thành những loại tội phạm nguy hiểm cho xã hội. Đó là nỗi lo lớn cho xã hội.

Lợi dụng trẻ em là tội ác, nhưng chưa có nhiều những phát hiện, bắt quả tang hành vi tội ác này. Dư luận đang mong chờ sự vào cuộc quyết liệt hơn từ nhiều phía, nhiều ngành, đi đôi với những bản án nghiêm khắc hơn, đủ sức răn đe tội ác. Và nếu như cả cộng đồng đồng lòng vào cuộc, với sự quyết tâm lên tiếng trước tội ác này, sẽ giảm thiểu chuyện trục lợi từ việc hành hạ trẻ em.

Bạn đọc SONG ANH (Cần Thơ)

Không cho nạn chăn dắt tồn tại

Nhiều đô thị đang gặp vấn nạn chăn dắt trẻ dưới lớp vỏ bọc người ăn xin. Ý kiến của tôi: không khó để dẹp vấn nạn này. 

Thực tế các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp xử lý tình trạng này, đã thực hiện những lúc cao điểm. Nhưng sau một thời gian thì đâu cũng vào đó. Chúng ta không thể thỏa hiệp với thực tế này. Khi đã kiên quyết dẹp tệ nạn này phải làm triệt để. 

Trong đó cần có sự phối hợp thường xuyên, liên tục các cơ quan chức năng, ban ngành, từ sở tới chính quyền phường, xã. Cần có điều tra, thống kê, phân loại các nhóm người hành nghề ăn xin. Họ hoạt động như thế nào, có dấu hiệu chăn dắt hay không? Họ là người địa phương hay từ đâu đến?...

Làm những việc này có quá khó không? Phần lớn những người ăn xin từ nơi khác đến. Họ thường hay quy tụ sinh sống ở một khu, một dãy nhà trọ riêng biệt. Nếu làm hết chức trách, chính quyền phường, xã không thể không biết về các nhóm người này. 

Khi xác định được rồi, tùy đối tượng sẽ có giải pháp thuyết phục, vận động, hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần, hay vận động đưa họ vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Nếu là người ở địa phương khác đến thì có sự hợp tác của địa phương đối tượng để có hướng giải quyết.

Thứ đến, chấn chỉnh tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động các trung tâm bảo trợ xã hội. Tập trung, ưu tiên mọi nguồn lực từ Nhà nước đến các doanh nghiệp, tổ chức xã hội... để cải thiện sinh hoạt vật chất, tinh thần từ cán bộ, công nhân, viên chức tới đối tượng đưa vào ở các trung tâm này. Làm sao để những người cơ nhỡ thật sự cảm thấy đây là ngôi nhà của họ, hơn hẳn đời sống hằng ngày phải lang thang ăn xin đầu đường xó chợ.

Sau cùng, việc dẹp nạn ăn xin, chăn dắt trẻ em không là trách nhiệm riêng của cơ quan, tổ chức, cá nhân hảo tâm nào. Điều này cần phải có sự chung tay, góp sức của cộng đồng, toàn xã hội. Tuy nhiên, trách nhiệm đi đầu, tích cực, chủ động phải là bộ, sở, ngành lao động - thương binh & xã hội và chính quyền phường, xã. 

Phải làm sao vận động toàn xã hội nhìn thấy được vấn nạn ăn xin, chăn dắt không thể tồn tại trong một xã hội văn minh, tiến bộ. Những người lao động cật lực, thu nhập vừa phải đang san sẻ tiền công lao động của mình cho những kẻ chuyên giở những chiêu trò lừa dối, chăn dắt bóc lột sức lao động người khác, họ lại có thu nhập cao hơn người lao động vất vả. 

Đó không phải là nghĩa tình hay văn minh khi lòng tốt của con người bị lợi dụng, trẻ em bị bóc lột sức lao động tàn nhẫn, vô lương tâm.

Xã hội không thể có người ăn bám cũng như lợi dụng sự tử tế, lòng thương của con người mà trục lợi bất chính, những con người làm xấu đi bộ mặt xã hội, xói mòn truyền thống nhân đạo.

Bạn đọc TÚ NGUYÊN (Long An)

TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên