"Bản đồ kho báu" của bộ não nhìn qua như một bức tranh trừu tượng - Ảnh: Will Menegas
Thông qua những công nghệ tiên tiến nhất giúp mô tả những mô sinh vật trong suốt, các nhà khoa học "vẽ" nên một thế giới hiển vi vừa độc lạ vừa đẹp mắt.
Bạn có thể thấy được cả một thế giới trong màn sinh học cực nhỏ, hay cả một vũ trụ trong một mô thần kinh. Với sự sáng tạo của các nhà khoa học, những bức ảnh trông thật thần kỳ.
"Bản đồ kho báu" của bộ não
Đây là một bức ảnh phức tạp mô tả con đường thông tin truyền đến não. Nhờ vào những công cụ hiện đại, các nhà khoa học đã thực hiện một cuộc cách mạng trong ngành thần kinh, qua đó có thể ghi lại những thông tin truyền qua xinap hoặc từ nơron sang nơron.
Bức ảnh như một bản đồ kho báu trong chính bộ não chúng ta.
Rùa phát sáng
Rùa đồi mồi phát sáng - Video: David Gruber
Một bằng chứng cho sự phát quang sinh học chính là loài rùa đồi mồi. Cụ thể, rùa hấp thụ ánh sáng, chuyển đổi và sau đó trả lại môi trường biển với một màu sắc khác.
Các nhà khoa học đang tìm hiểu vì sao loài rùa cực hiếm này có thể phát sáng.
"Cánh cửa" trái tim
Có rất nhiều cách thức để mô tả quả tim. Trong bức tranh đầu, phần màu xanh lá là hình ảnh một van tim ở loài cá ngựa vằn trưởng thành. Van tim giúp máu chuyển từ tâm thất sang tâm nhĩ.
không giống như tim những loài động vật có vú có 4 ngăn, tim của loài cá ngựa chỉ có 2 ngăn: 1 tâm thất bên trái và 1 tâm nhĩ bên phải.
Bức ảnh sau mô tả những cơ tim giúp tim co bóp.
Cá phát quang
Ảnh cận cảnh chụp cá phát quang - Ảnh: David Gruber
Đây là bức ảnh cận cảnh cá blenny 3 vây ở quần đảo Solomon sử dụng kính hiển vi phát quang.
Những con cá blenny khó có thể nhìn thấy dưới đáy đại dương trong điều kiện ánh sáng thông thường nhưng chúng thường phát sáng mạnh mẽ dưới kính hiển vi phát quang.
Đây là một trong những bức ảnh trong cuộc nghiên cứu phát hiện 180 loài cá mới có khả năng phát quang và cho thấy môi trường biển là một trong những môi trường có nhiều loài phát quang nhất.
Nơron xanh đỏ
Hình ảnh 2 loại nơron trong cơ thể cá ngựa vằn - Nguồn: Abhinav Grama
Màu xanh và màu đỏ trong hình là 2 loại nơron điển hình trong cơ thể của ấu trùng cá ngựa vằn. Phối màu cho những loại nơron giúp các nhà khoa học có thể quan sát hoạt động cũng như hiểu thêm vai trò của chúng trong mạng thần kinh.
"Mạng" thần kinh
Bức ảnh như đang mô tả những chiếc rễ cây chằng chịt - Ảnh: Douglas Richardson
Chất chỉ thị canxi cho các nhà khoa học thấy hoạt động của nơron trong phần vỏ não liên quan đến hoạt động thị giác, qua đó xác định tình trạng của mạng lưới thần kinh khi phản xạ những kích thích thị giác bên ngoài.
Phải sử dụng rất nhiều phương pháp hóa học chuyên biệt, các nhà khoa học mới có thể giữ được cấu trúc protein của mô sinh vật trong khi làm chúng trong suốt. Sau đó, họ đặt chúng dưới kính hiển vi chuyên dụng và ghi lại những nơron đang hoạt động sâu hàng… milimet dưới những tế bào đang hoạt động.
Giun tròn
Bức ảnh được chụp trong phòng thí nghiệm Mair của ĐH Harvard để nghiên cứu di truyền của loài giun tròn.
Caenorhabditis elegans là một loại giun tròn sống tự do, trong suốt, dài khoảng 1 milimet trong môi trường đất và phân bón trên khắp thế giới. Dù chỉ sống trong khoảng vài tuần, chúng vẫn cho thấy những dấu hiệu rõ ràng của sự phát triển.
Việc ghi lại hình ảnh phát quang của chúng giúp dễ dàng tìm hiểu về quá trình phát triển của ngành sinh học phân tử.
Tế bào thận
Tế bào Podocytes đóng vai trò quan trọng trong quá trình lọc nước tiểu - Ảnh: Viện Wyss
Đây là hình ảnh của tế bào Podocytes. Tế bào Podocytes nhìn giống như những chú bạch tuộc thu nhỏ xếp thành nhiều tầng bên trên các mao quản thận với vai trò giữ lại các protein có ích trong máu, trong khi vẫn để cho nước và các chất thải trôi qua và trở thành nước tiểu.
Tuy nhiên, tế bào này dễ bị ảnh hưởng bởi các bệnh về thận và tác dụng của những loại thuốc chữa bệnh. Do đó, càng hiểu biết về tế bào này, các nhà khoa học càng có thể đưa ra những phương thức tốt nhất giúp nâng cao sức khỏe hai quả thận trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận