03/10/2012 07:03 GMT+7

Đẹp hơn với quán cà phê, siêu thị nội thất...?

KHƯƠNG XUÂN - HOÀNG HÀ
KHƯƠNG XUÂN - HOÀNG HÀ

TT - Về sự “biến dạng” của Mỹ Đình, ông Cấn Văn Nghĩa, GĐ khu liên hợp thể thao quốc gia (LHTTQG) Mỹ Đình, cho rằng việc xây dựng nhà hàng, quán cà phê, siêu thị nội thất... chỉ đẹp thêm cảnh quan nơi đây.

Mỹ Đình biến dạng vì... kiếm tiền

vYCrZX0Z.jpgPhóng to

Quán cà phê O2 mọc lên giữa khán đài B của sân vận động quốc gia Mỹ Đình - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Nghĩa nói: “Một trận bóng đá quốc tế, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) chỉ thanh toán 100-120 triệu đồng. Số tiền trên không đủ cho công tác chăm sóc cỏ, điện, nước, vệ sinh... Còn các môn điền kinh, bơi, lặn lợi nhuận thu về trong tổ chức thi đấu càng không có. Thế thì thu bằng cái gì trong khi các công trình sau 10 năm đi vào hoạt động đã bắt đầu xuống cấp, hằng năm cần hàng chục tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng?”.

* Hiện khu liên hợp có bao nhiêu dự án liên doanh, liên kết với các đơn vị, thưa ông?

- Cả liên doanh, liên kết lẫn cho thuê dịch vụ có trên dưới 30 đơn vị với các dự án khác nhau.

* Việc liên doanh, liên kết có được bộ phê duyệt không?

- Các dự án lớn đều phải báo cáo và phải được Bộ Tài chính chấp thuận về chủ trương, Bộ VH-TT&DL phê duyệt. Còn việc tận dụng cơ sở vật chất, quỹ đất xen kẹt, đất chờ dự án cho thuê ngắn sáu tháng đến một năm thì chúng tôi tự chủ.

* Nguồn thu của khu liên hợp hiện nay là bao nhiêu?

- Năm 2012 là năm đầu tiên khu LHTTQG tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Kế hoạch năm 2012, chúng tôi phấn đấu thu 35 tỉ đồng, sau sáu tháng đầu năm đã thu được 19 tỉ đồng. Trong số nguồn thu về trong năm 2012, 7 tỉ đồng dành ra cho duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình. Ngoài ra tập trung nguồn lực cho tái sản xuất. Năm 2011 bắt đầu thí điểm khoán thu, khu LHTTQG thu được 28 tỉ đồng giúp lương cán bộ, công nhân viên rất cao.

* Cơ chế chi tiêu thế nào? Kể từ năm 2012 trở đi khu LHTTQG có phải xin thêm tiền từ Bộ VH-TT&DL không?

- Chi phải theo sự hướng dẫn của các đơn vị cấp trên, quy định nhà nước, quy chế nội bộ đơn vị chứ không phải có tiền là được tiêu. Năm nay duy tu, bảo dưỡng tốn cả chục tỉ đồng, bộ không cấp. Chỉ các dự án sửa lớn từ 15-20 tỉ đồng trở lên thì phải làm dự án, xin Nhà nước cấp. Vừa rồi thay mặt cỏ sân Mỹ Đình, bộ cấp 2 tỉ đồng, chúng tôi phải bỏ ra 2 tỉ đồng lấy từ nguồn thu để chi.

* Ông nói sao khi nhiều ý kiến cho rằng quy hoạch, cảnh quan của khu liên hợp đang bị biến dạng bởi các hoạt động kinh doanh, dịch vụ?

- Các dự án liên doanh, liên kết mọc lên chỉ làm cảnh quan đẹp hơn chứ không bị biến dạng. Cơ sở vật chất công trình văn hóa thể thao phải gắn với tổ hợp dịch vụ phục vụ con người, sự kiện. Sân bóng đá không chỉ để đá bóng mà còn phải có công năng khác, có khách sạn, dịch vụ đi kèm. Thế mới phát triển được chứ.

Hiện khu LHTTQG đang điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh xong thì một loạt hạng mục công trình sẽ được tập trung kêu gọi đầu tư như: sân đua xe đạp lòng chảo, tổ hợp quần vợt, hệ thống khách sạn, học viện golf... theo hình thức liên doanh, liên kết hoặc cho thuê đất 50 năm. Có như vậy mới tạo được nguồn thu lớn để tập trung cho phát triển sự nghiệp TDTT. Còn thu từ dịch vụ như hiện nay chỉ tập trung một phần cho công tác duy tu, bảo dưỡng.

* Cho thuê thế này đơn giản hơn đầu tư lớn rất nhiều?

- Đúng.

* Quá trình xã hội hóa có vấp phải ý kiến phản đối nào không, thưa ông?

- Việc khu LHTTQG thực hiện xã hội hóa đã được Chính phủ cho làm thí điểm. Mà thí điểm thì có thể đúng, có thể chưa đúng. Sau ba năm sẽ tổng kết để rút kinh nghiệm. Nếu đúng thì nhân rộng, nếu chưa đúng thì sửa.

“Sân golf phục vụ nhu cầu tập luyện của người dân”

Đó là chia sẻ của ông Vương Bích Thắng, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, về câu chuyện xã hội hóa và điều chỉnh quy hoạch tại khu LHTTQG Mỹ Đình. Ông Thắng cho rằng việc liên doanh, liên kết không làm ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan tại đây mà tạo điều kiện để người dân đến đây đông hơn. Còn việc xây sân golf là để phục vụ nhu cầu chơi golf của người dân.

Chủ trương của Bộ VH-TT&DL đồng ý cho khu LHTTQG tự chủ tài chính và thí điểm kêu gọi đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, quỹ đất để thực hiện liên doanh, liên kết, mở rộng các hoạt động dịch vụ là nhằm đẩy mạnh các hoạt động VH-TT&DL, tạo thêm nguồn thu cho khu liên hợp, giảm chi cho ngân sách nhà nước. Do đã được giao tự chủ tài chính, từ năm 2012 Bộ VH-TT&DL không cấp ngân sách chi thường xuyên cho khu liên hợp. Tuy nhiên, đối với các dự án có tính chất đầu tư nhằm mở rộng, sửa chữa lớn thì Nhà nước vẫn có thể xem xét bố trí kinh phí để thực hiện.

Theo ông Thắng, việc triển khai ba dự án: dự án trung tâm thương mại và dịch vụ thể thao tổng hợp; quần thể giao lưu văn hóa Việt - Nhật; trung tâm thương mại Mỹ Đình không ảnh hưởng nhiều vì các dự án đều nằm ở các khu đất xen kẹt hoặc ở tương đối xa so với công trình đã xây dựng và không làm ảnh hưởng gì tới công năng, hoạt động của khu liên hợp.

Trước đây trong quy hoạch của khu liên hợp mới chỉ có các công trình thể thao, chưa có các tổ hợp dịch vụ kèm theo. Việc liên doanh, liên kết để mở ra thêm các dịch vụ phục vụ mọi người đến tập luyện, xem thi đấu tại sân vận động và cung thể thao dưới nước, theo tôi, sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Xã hội hóa không phải cho thuê loạn xạ để kiếm tiền

Hầu hết chuyên gia, lãnh đạo, cựu lãnh đạo thể thao... đều tỏ ra lo ngại trước cách làm xã hội hóa hiện nay của khu LHTTQG.

* Ông NGUYỄN HỮU THU (nguyên giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình): Trước đây các văn bản của Nhà nước không cho phép việc liên doanh, liên kết như vậy. Nếu theo đúng Luật đất đai, đối với đất sử dụng tiền của Nhà nước để giải phóng mặt bằng thì không được đem ra góp vốn, liên kết kiếm tiền. Đến nay tôi không biết có văn bản nào cho phép thực hiện các hoạt động trên hay không. Ở đây tôi chỉ cho rằng khi tiến hành cần thiết phải chú ý để tránh không ảnh hưởng đến quy hoạch cảnh quan của khu LHTTQG.

* Ông NGUYỄN TRỌNG HỶ (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT, chủ tịch VFF): Xã hội hóa là kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thể thao, phát triển thể thao quần chúng, hỗ trợ đào tạo VĐV đỉnh cao... nhằm mục đích phát triển sự nghiệp thể thao. Thế nhưng cách mà Mỹ Đình đang làm thì không có cái nào gọi là xã hội hóa ở đây cả. Xã hội hóa mà làm tùm lum, cho thuê tất cả mọi thứ trên đời từ nhà xe, chiếu phim, xiếc, chợ đêm, cà phê, quán cơm... Họ nhầm lẫn cứ làm thế nào ra tiền thì là xã hội hóa nhưng xã hội hóa không phải như vậy.

* Ông NGUYỄN HỒNG MINH (nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao): Xã hội hóa là huy động mọi nguồn lực xã hội nhằm phát triển một mục tiêu, lĩnh vực nào đó. Ví dụ các doanh nghiệp vào liên kết với khu LHTTQG làm lợi cho thể thao như: làm sân quần vợt, sân đua xe đạp lòng chảo, hồ bơi... theo đề án đã có thì quá tốt. Tuy nhiên việc sử dụng các công trình được đầu tư xây dựng từ tiền của Nhà nước để phục vụ mục đích thu tiền qua việc cho thuê loạn xạ quán cà phê, bãi đỗ xe, siêu thị nội thất... mà Mỹ Đình đang làm là cách tận dụng công trình nhà nước để kiếm tiền chứ không phải bản chất của xã hội hóa. Tôi nghĩ có sự nhầm lẫn về khái niệm xã hội hóa ngay trong các nhà quản lý thể thao nên mới để xảy ra tình trạng như ở Mỹ Đình.

* Ông HÀ QUANG DỰ (nguyên bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban TDTT): Nếu làm chặt chẽ, những dịch vụ kinh doanh kiểu như khu LHTTQG chỉ là phụ. Để phần lớn diện tích, đất đai, cơ sở vật chất làm những dịch vụ đó thì không nên. Có thể chúng ta kiếm được thêm tiền nhưng làm mất đi khung cảnh, cảnh quan, hình ảnh của công trình thể thao. Cách làm hiện nay của khu LHTTQG chỉ nên tạm thời thôi. Tôi nghĩ nhà quản lý thể thao không nhầm lẫn, nhưng trong bối cảnh này họ tranh thủ làm để có nguồn thu, cải thiện đời sống cán bộ, có tiền duy tu bảo dưỡng. Nhưng không nên khuyến khích và cho xây, liên doanh liên kết những loại tận dụng đất đai đã có trong quy hoạch để xây những dịch vụ phi thể thao được.

KHƯƠNG XUÂN - HOÀNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên