|
Khu vực quan trọng nhất của đại lễ sông Hằng nằm tại các ghat. Ghat, theo tiếng Hindu có nghĩa là các bậc thang, nhưng ở Varanasi, ghat là một danh từ miêu tả chuỗi các bậc thang nối từ bờ sông xuống thẳng lòng sông Hằng, có những ghat lớn cao hàng chục mét. Đây là một địa điểm cực kỳ đặc thù và thiêng liêng, là nơi diễn ra các nghi lễ tắm rửa (để gột bỏ tội lỗi), tế lễ dâng ánh sáng sông Hằng và cả lễ hỏa thiêu xác người qua đời… của các tín đồ Ấn Độ giáo |
Đại lễ sông Hằng thường kéo dài 5 ngày, là 5 ngày quan trọng nhất của cả mùa lễ hội kéo dài từ suốt tháng 10 tới tháng 3 năm sau.
Trong những ngày này, được cầu nguyện tại những ngôi đền hàng ngàn năm tuổi, được tắm trên đoạn sông linh thiêng chảy qua Varanasi, “thành phố của các đền đài”, “thành phố thánh của Ấn Độ”, “thành phố ánh sáng”, “thành phố học vấn”… là ước nguyện của bất kỳ tín đồ nào.
Cách thủ đô New Delhi khoảng 1 giờ bay hoặc 10 giờ ngồi tàu, thành phố Varanasi (còn có tên Benares, Banaras hay Kashi) cũng là điểm phải đến của bất cứ du khách nào khi đặt chân đến Ấn Độ.
Được coi là một trong những thành phố cổ nhất thế giới vẫn có cư dân sinh sống liên tục đến tận ngày nay, thành phố của thần Shiva đã được đại văn hào Mark Twain ca tụng “Benares lâu đời hơn lịch sử, lâu đời hơn truyền thống, thậm chí lâu đời hơn cả huyền thoại, và dường như lâu đời gấp đôi tất cả những khái niệm trên cộng lại”.
Hằng ngày có khoảng 60.000 người thực hiện nghi lễ đắm mình trong dòng nước sông Hằng trên suốt 7km chiều dài. Riêng đoạn sông Hằng chảy qua Varanasi được coi như đoạn sông “chết”, không có khí oxy và lượng vi khuẩn trong mỗi 100ml nước lên tới 1,5 triệu con (tiêu chí an toàn để sinh vật tồn tại được là 500 con/100ml).
|
Những đứa trẻ đổ về các ghat bên bờ sông Hằng từ buổi chiều để bán hoa và nến được đặt trên những đế bằng giấy. Khi lễ dâng ánh sáng sông Hằng diễn ra, hoa và nến thắp sáng sẽ được thả xuống dòng sông thiêng |
|
Hàng ngàn tín đồ Ấn Độ giáo đã phủ đầy các ghat chính trong tổng số 84 ghat lớn nhỏ nằm bên bờ sông Hằng |
|
Các giáo sĩ Bà La Môn cử hành nghi lễ. Bên cạnh họ là những lư hương lớn hình thần rắn Naga được dùng cho điệu múa nghi lễ. Sau khi hoàn thành nghi lễ, những tín đồ Ấn Độ giáo sẽ xông mình trong làn khói hương này để lấy may mắn |
|
Những tín đồ Ấn Độ giáo thành tâm cầu nguyện... |
|
... và hiến hoa đăng xuống dòng sông Hằng |
|
Bất chấp cái lạnh 10oC, nhiều tín đồ Ấn Độ giáo vẫn thành tâm thực hiện nghi thức đắm mình trong dòng nước sông Hằng để gột rửa tội lỗi trong suốt cả năm qua. Chỉ những người đàn ông mới được thực hiện nghi thức này sau khi các giáo sĩ làm lễ. Phụ nữ và trẻ em thường chỉ được tắm vào lúc sáng sớm còn vắng người |
|
Một người chết được hỏa táng tại Harishchandra ghat. Sau khi hỏa táng, tro của người chết sẽ được rải xuống sông Hằng. Theo tín ngưỡng Ấn Độ giáo, được hỏa táng và rải tro xuống sông Hằng là một niềm hạnh phúc, vì linh hồn người chết sẽ được siêu thoát và đầu thai ở kiếp sau |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận