Hoạt động giới thiệu các sản phẩm công nghệ tại TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Ngày 20-5, Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM tổ chức hội nghị công bố "Chương trình nghiên cứu và định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025".
Theo đó, định hướng trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành khoa học và công nghệ của TP.HCM tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm xây dựng thành phố thông minh, phục vụ chương trình chuyển đổi số…
Từ nay đến năm 2025, TP.HCM cũng sẽ sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập của thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ đầu tư cho các tổ chức khoa học và công nghệ có ưu thế để hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh trong 4 ngành công nghiệp chủ lực theo mô hình tiên tiến của thế giới.
Hiện tại, 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố bao gồm cơ khí; chế biến lương thực - thực phẩm; hóa chất - nhựa - cao su và ngành điện tử - công nghệ thông tin.
Ông Nguyễn Việt Dũng - giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM - nhấn mạnh trong giai đoạn 2021 - 2025, các nhiệm vụ khoa học, công nghệ mà thành phố hỗ trợ đặt hàng hoặc hỗ trợ thực hiện sẽ giải quyết được những vấn đề TP.HCM đang quan tâm, trong đó có việc nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…
Các nhiệm vụ nghiên cứu cũng sẽ phải nâng cao được tiềm lực khoa học công nghệ của TP.HCM, góp phần xây dựng được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên địa bàn.
"Các nghiên cứu mà TP.HCM đặt hàng, hỗ trợ, tài trợ phải hướng tới giải quyết một vấn đề. Nghiên cứu sẽ đi theo hướng ứng dụng nhiều hơn. Ngoài ra, các nhiệm vụ khoa học, công nghệ sẽ cần kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp" - ông Dũng nói.
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Xu - trưởng phòng quản lý khoa học, Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM - thông tin trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí thành phố dành hỗ trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ là 816,6 tỉ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước là 728,6 tỉ đồng.
Trong đó, các nhiệm vụ tập trung vào các mảng chính như công nghệ - công nghiệp và tự động hóa; y tế; hóa - hóa dược và công nghệ sinh học. 55,5% nhiệm vụ khoa học, công nghệ được ứng dụng trực tiếp và 43,4% cho các ứng dụng gián tiếp.
Trong "Chương trình nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025" vừa được phê duyệt, UBND TP.HCM đặt ra mục tiêu tỉ lệ ứng dụng trực tiếp của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho doanh nghiệp đạt 60%, đồng thời tỉ lệ ứng dụng kết quả sau nghiệm thu đạt trên 70%.
Đến năm 2025, đầu tư ngân sách thành phố cho khoa học và công nghệ đạt trên 2% tổng chi ngân sách thành phố. Tỉ lệ dành cho hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo dự kiến cũng sẽ đạt 30% ngân sách.
Các chương trình trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ bao gồm chương trình nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ phục vụ đô thị thông minh - chuyển đổi số; phát triển công nghiệp; chăm sóc sức khỏe; nông nghiệp công nghệ cao…
Các hoạt động khoa học, công nghệ cũng được thành phố kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm chủ lực, góp phần nâng cao tỉ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45 - 50%.
Bên cạnh đó vào năm 2025, tỉ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt 50% so với cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận