31/01/2009 18:38 GMT+7

Đèn dầu chong ấm tết quê

HOÀNG LAN NHI
HOÀNG LAN NHI

TTO - Cây đèn dầu không xa lạ gì với người dân ở những thôn nghèo quê tôi. Dù cho bây giờ, sau nhiều năm không còn cảnh “ăn đèn ngủ điện”, người quê vẫn cất giữ cây đèn dầu phòng khi mất điện, nhất là trong những ngày đông tháng gió, lũ lụt triền miên...

lQQQevnB.jpgPhóng to
Đèn dầu hoài niệm - ảnh: Internet
TTO - Cây đèn dầu không xa lạ gì với người dân ở những thôn nghèo quê tôi. Dù cho bây giờ, sau nhiều năm không còn cảnh “ăn đèn ngủ điện”, người quê vẫn cất giữ cây đèn dầu phòng khi mất điện, nhất là trong những ngày đông tháng gió, lũ lụt triền miên...

Nhưng đâu chỉ là thế! Cây đèn dầu, ngoài việc thắp sáng thông thường, trong những ngày đầu xuân nó vẫn “thức” để chong cả cái tết quê đơn sơ mà đầm ấm trong mỗi gia đình.

Trong bao bận rộn lo toan chuẩn bị tết những ngày cuối năm, các mẹ các chị vẫn không quên mang chai ra chợ quê mua dầu hỏa. Trên ban thờ gia tiên, bình nhang bát nước đã bài trí xong, hoa và mâm ngũ quả cũng tươm tất, mẹ lại bảo tôi bắc thang lên gác lấy đèn dầu xuống. Cây đèn đã cũ, bấc đã đen, bóng đèn không còn trong nhưng mẹ vẫn cẩn thận gói trong bao nilông treo lên mái nhà. Ngoài chợ quê, cây đèn dầu mới không quá 5.000 đồng.

Mỗi năm cứ vào 30 tháng chạp, mẹ làm mâm cỗ tất niên và lễ cúng rước ông bà. Kể từ hôm ấy, đèn dầu được thắp lên và chong suốt ba ngày tết. Qua mồng 4, sau lễ tiễn ông bà, cây đèn được gói cẩn và treo lại vào chỗ cũ. Năm này qua năm khác, cây đèn dầu vẫn chong suốt cái tết quê cùng với gia đình tôi.

Tục ở quê, trong ba ngày tết, những người họ hàng, bà con trong xóm đến thăm và chúc tết nhau, thắp nhang trên các ban thờ. Quẹt ga, bật lửa, diêm sinh, nến... không thiếu nhưng ai cũng đốt nhang trên đèn dầu một cách thành kính. Thứ ánh sáng dịu nhẹ từ đèn dầu lan tỏa cùng làn khói trầm hương bãng lãng, hòa quyện cùng hương hoa trái làm tết quê ấm cúng hơn...

Những đêm 30 tháng chạp, ngọn đèn dầu lại reo vui bên bếp lửa bập bùng khi mẹ nấu bánh tét. Dịp cuối năm ngẫm mà thương những ngọn đèn theo chân mẹ sang nhà hàng xóm trả những đồng tiền lẻ để sang năm mới gia đình ta không còn cảnh nợ nần. Cả những ngọn đèn theo chân chị ra giếng làng gánh nước đêm xuân mà tiếng gàu khuya còn vọng mãi đến giờ.

Tết quê chong đèn dầu, lại rưng rức nhớ những ngày xưa.

Những ngọn đèn soi vào trang vở nhoẹt nhòe màu mực tím vì mưa gió những ngày tôi mang tơi đội nón đến trường. Những ngọn đèn lẳng lặng sáng trong đêm khi mẹ đuổi muỗi, nhém chăn ấm cho từng đứa con suốt cả mùa đông giá rét. Trong những bài học, trang sách theo suốt cuộc đời tôi, ngọn đèn dầu vẫn lấp lánh chan chứa bao nhiêu ước vọng của ngày mai.

Lại nhớ những ngọn đèn leo lắt, thấp thỏm phập phồng khi đêm khuya nước gầm réo dâng ngập cả xóm thôn mà thương những người mẹ tay cầm đèn dầu, tay bồng tay bế, bì bõm dắt con thơ chạy lũ. Cũng thương lắm dáng mẹ vai gầy, bóng đổ chênh vênh trên vách phên tre từ ngày cha mất sớm, để lại một lũ con thơ.

Sau những ngày mệt nhoài vì đồng khô cỏ cháy, mưa dầm thúi đất, đêm đêm mẹ lại chong đèn dầu để chằm những chiếc nón lá gửi bán ở chợ quê. Áo mẹ bạc màu, sờn gấu vá vai lam lũ cả một đời. Tóc của chúng con xanh, còn tóc mẹ thì đã như sương trắng trên đầu...

Cây đèn dầu đã đi vào thơ ca, nhạc họa, theo nhọc nhằn đời mẹ, trở thành ký ức tuổi thơ, thành “những ngọn đèn không tắt” trong cuộc đời mỗi đứa con. Có lẽ vì thế nên dù không thiếu đèn điện, đèn lồng, đèn trang trí nhấp nháy lập lòe... nhưng mẹ vẫn chong đèn dầu suốt ba ngày tết.

Mùa xuân này tôi lại thầm cảm ơn mẹ đã “giữ lửa” cho tôi từ cây đèn dầu bình dị đơn sơ nhưng hữu ích và nhiều hoài niệm ấy...

HOÀNG LAN NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên