Khói hương nghi ngút tại đền Trần Nam Định - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Cảnh dâng hương tùy tiện, mịt mù, ngột ngạt và nguy hiểm đang rất phổ biến tại các đền, chùa, nhất là trong mùa lễ, tết.
Thậm chí ở nhiều nơi, người dâng lễ chen lấn thắp cả bó hương đỏ rực nghi ngút lên án thờ, ngay tức thì người của đền, chùa nhổ bó hương vừa thắp ấy dụi vào xô nước hoặc sọt rác...
Trong từng chùa, đền và từng ngôi nhà đều có bát hương, nhưng chỉ cần thắp một cây trên đó đã đủ để chuyển tải sự thành kính rồi. Khi đi lễ, ở chùa, đền đã thắp sẵn rồi thì tín đồ nếu đem hương đến nên để đó để các cơ sở này thắp dần
Nhà nghiên cứu văn hóa TRẦN ĐÌNH SƠN (phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam)
Đầu năm mới Kỷ Hợi, Tuổi Trẻ trao đổi quanh vấn đề chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hương khói với nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn - phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam.
* Ông nhận xét thế nào về tình trạng hương khói khi đi lễ đền, chùa hiện nay?
- Trước đây hương thường được làm bằng các loại thảo mộc như trầm, tùng, bách hoặc các loại cỏ thơm... Hiện nay, hương bằng chất liệu tốt từ thiên nhiên như vậy có giá không rẻ chút nào. Cho nên, rất nhiều loại hương giá rẻ thường được làm bằng các loại hóa chất, và người đi lễ đền, chùa thường mua những loại này cho được nhiều. Tình trạng người người hành lễ đem đến từng bó hương lớn rồi đốt hết, cắm lên mù mịt như thế rất độc hại, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn.
* Theo ông, làm thế nào để hạn chế tối đa sự độc hại và tệ thắp hương tùy tiện, tràn lan ấy?
- Hương đã là văn hóa, không thể đặt vấn đề dẹp bỏ, nhưng cần có biện pháp để hạn chế, chấn chỉnh cho đúng lễ nghi, phong tục. Trước tiên làm sao phải kiểm soát được việc sản xuất hương, hạn chế các loại hương hóa chất độc hại, trả về bằng các loại cây cỏ có hương thơm tự nhiên.
Muốn vậy, chính quyền phải vào cuộc, giống như việc kiểm soát an toàn thực phẩm. Tiếp theo, những giáo hội tôn giáo chính thống như Phật giáo phải hướng dẫn cách thức hạn chế đốt hương.
Cả cơ quan chức năng nhà nước lẫn giáo hội tôn giáo cần có kế hoạch hướng dẫn người dân, tín đồ hình thành thói quen hạn chế đốt hương tràn lan ngay từ gia đình cho đến khi đi lễ ở đền, chùa.
Chuyện không đốt pháo trước đây từng bị phản ứng rằng pháo có truyền thống lâu đời, có pháo mới trọn lễ tết. Kết quả qua quá trình vận động thuyết phục, người dân cảm thấy không đốt pháo là đúng nên đã hưởng ứng rất tốt. Tình trạng hương khói cũng cần thực hiện tương tự như vậy.
* Thậm chí từng có người đặt vấn đề dùng lễ vật tương ứng thay cho hương khói, ý kiến ông như thế nào?
- Khi sang Sri Lanka viếng các chùa tháp, tôi ngạc nhiên khi họ đã thay hương bằng hoa dâng lễ. Những mâm chứa đầy hoa được nhà chùa đặt ở lối vào chính điện, tín đồ lần lượt lấy hoa, có thể để lại một số tiền nào đó, rồi dâng cúng hoa lên bàn trước Đức Phật. Tín đồ hoàn toàn không đốt hương.
Tất nhiên ở xứ đó, Phật giáo Nam tông đơn giản hơn, không như Bắc tông có cả Phật, Thánh phức tạp, nặng nề chuyện cúng bái như ở mình. Song dùng hoa thay hương làm lễ cũng là nét đẹp, thể hiện sự văn minh nhất định, cần thiết nên tham khảo, nghiên cứu để vận dụng phù hợp.
Điều cần nhớ, hương chỉ là một trong sáu món cúng dường (lục cúng) gồm hương, đèn, hoa, quả, trà, bánh được ghi rõ trong giáo thuyết nhà Phật. Khi hành lễ, hương vật chất (dùng để đốt) cũng được hạn chế vì không quan trọng bằng hương tinh thần.
Trong Phật giáo, khi đứng trước Đức Phật, thứ dâng cúng cao hơn cả là ngũ phần hương (giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương). Kinh Pháp cú có nói đến hương của các loài hoa là không thể bay được ngược chiều gió, trong khi hương của người đức hạnh có thể ngược gió bay muôn phương. Điều này do hun đúc từ công phu tu tập làm cho tỏa hương, và lấy hương đó để cúng dường tam bảo...
Mỗi người một nén nhang
Tết năm nay, chùa Ngọc Hoàng (Q.1, TP.HCM) không còn cảnh nhang khói nghi ngút, không khí ngột ngạt với hình ảnh người người chen lấn, trên tay cầm một hai nắm nhang cháy rực, tàn nhang đổ vào người xung quanh. Ở mỗi bàn thờ đều có dán tờ thông báo ghi rõ "Không đốt nhang lớn và nhiều nhang. Mỗi người một nén nhang" và có người canh đền nhắc nhở, hướng dẫn người dân.
Vì vậy, ai nấy đều chấp hành nghiêm quy định, mỗi người nếu thắp nhang thì chỉ thắp một nén ở lư hương lớn đặt trước chùa. Dăm ba phút là có người đến dập nhang trên lư hương nên không khí được thông thoáng hẳn.
Bà Trần Thị Thùy Dương (47 tuổi, Q.Bình Thạnh) chia sẻ: "Trước khi đi chùa, hai mẹ con tôi đi chợ sắm đồ cúng như nhang, trái cây, giấy đỏ nhưng đành phải mang về. Chùa không cho thắp nhiều nhang, tôi thấy cũng hợp lý, tránh tình trạng mất trật tự, hỏa hoạn, kiểm soát được lượng nhang, giữ được không gian thoáng hơn".
ĐỖ TRƯỜNG
* Đại đức THÍCH KHÔNG NHIÊN (Huế):
Cần kiểm soát chất liệu làm hương
Xưa nay trong các cơ sở thờ tự, người Việt thường sử dụng hương trầm và hương quế. Người xưa quan niệm đốt hai loại hương này vừa để trừ tà, đồng thời tác động làm tĩnh tâm con người. Trải qua quá trình phát triển, hương, hoa, quả, phẩm đã trở thành lễ vật căn bản trong các nghi thức tín ngưỡng tôn giáo của người Việt: "phi hương bất thành lễ". Do vậy, khó đặt vấn đề từ bỏ hoặc thay thế được việc thắp hương.
Hiện có hai điều đáng phân vân. Thứ nhất là chất liệu làm hương chưa được kiểm soát, xác định có hóa chất độc hại hay không, ở mức nào. Thứ hai là cách ứng xử tại các cơ sở thờ tự, nhất là những nơi có sinh hoạt cộng đồng tập trung nhiều người với tình trạng dâng hương tùy tiện và bát nháo, tạo nên không khí thiếu trang nghiêm và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo tôi, cơ quan hữu quan của Nhà nước cần phải kiểm soát chất liệu làm hương để bảo vệ sức khỏe người dân. Đồng thời cũng cần có biện pháp vận động, chấn chỉnh tình trạng tùy tiện và bát nháo ở những nơi sinh hoạt tín ngưỡng tập trung.
Đã có tín hiệu đáng mừng khi một số chùa ở miền Bắc chủ động dựng bảng yêu cầu không trực tiếp dâng hương trong điện Phật. Họ đặt những lư hương lớn ở sân trước nhằm dần điều chỉnh thói quen này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận