![]() |
Giám đốc Thái Đình Dũng: “Mình thực tâm thì công nhân sẽ quý mến” - Ảnh: T.An |
“Người giàu cho con đi Đức, mình bức (bức bối việc làm) con mới đi Nam” - đó là tâm sự của những bậc cha mẹ có con đi làm thuê ở các tỉnh phía Nam. Nhưng rồi nhiều thanh niên phải khăn gói trở về làng, mang theo một số tệ nạn như ma túy, trộm cắp...
Ông Phan Văn Tuyên - phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành - đánh giá rất tốt về Công ty Dũng Thủy. Ông nói: “Nếu không có Công ty Dũng Thủy thì hàng trăm lao động có tay nghề bị bỏ phí, đó là chưa kể những hệ lụy khác khi thanh niên không có việc làm. Thứ hai, Dũng Thủy là mô hình mới, “ly nông không ly hương”, rất cần được nhân rộng”. |
Vậy nên, khi vợ chồng anh Thái Đình Dũng và chị Ông Thị Thủy (ở xóm 2, xã Sơn Thành, Yên Thành, Nghệ An) mở công ty, dựng xưởng may ngay trong vườn nhà mình tuyển công nhân, ai cũng mừng. Các em lại có việc làm ngay trên chính quê hương mình.
Ông Nguyễn Trí Trung - chủ tịch UBND xã Sơn Thành - phấn khởi nói: “Công ty Dũng Thủy ra đời đã giải quyết gần 100 lao động, tới đây thêm 100 lao động nữa. 100 công nhân là bằng lao động của ba đơn vị thôn của xã chúng tôi”.
Thành thật thì không một ai dám nói mức lương 2,5-4 triệu đồng/tháng mà họ được nhận từ Công ty Dũng Thủy là cao, nhưng anh chị em công nhân lại rất hài lòng.
Cô Trần Thị Hằng, thuộc bộ phận kiểm đếm hàng hóa, nói: “Lương không cao nhưng em rất hài lòng. Thứ nhất là mình không phải xa nhà mà vẫn có việc làm, thu nhập ổn định. Bây giờ, em vừa làm việc nhà máy vừa đỡ đần được bố mẹ già, lại không phải lo ngay ngáy tiền thuê nhà hằng tháng, tiền ăn đắt đỏ như những ngày còn ở trong Nam”.
Chị Trần Thị Bình cho biết: “Chúng em được bố trí một bữa ăn trưa có đủ bốn món, tươm tất, sạch sẽ. Anh chị Dũng Thủy sống hòa đồng với mọi người, ai cũng mến. Riêng em có mức lương bình quân là 3,5 triệu đồng/tháng, trừ chi phí thì vẫn còn dư được chút đỉnh. Vừa làm việc nhà máy em vừa tranh thủ nuôi hơn 100 con gà, làm thêm hai sào ruộng, cho nên cuộc sống cũng tạm ổn so với miền quê này.
Chúng em làm cho anh chị Dũng Thủy đến 17g30 là được nghỉ, không có chuyện ép công nhân tăng ca đến 9, 10 giờ đêm như một số công ty ở phía Nam. Ai vào làm việc cũng được công ty đào tạo lại, ai chưa giỏi được học tiếp nữa, không gắn bó sao được”.
Giám đốc Thái Đình Dũng cho biết thêm: “Vợ chồng tôi thà thiếu ăn, thà chấp nhận vay nợ nóng, chứ tuyệt đối không chậm lương công nhân một ngày nào. Họ chỉ có một nguồn thu từ lương, cả nhà trông chờ vào đó, mình chậm lương của họ là gây khó cho cả nhà người ta. Anh chị em ở đây phần lớn là con nhà nông, dù đi làm công nhân nhưng ở nhà vẫn có ruộng, do vậy cứ mỗi vụ gặt, vụ cấy, chúng tôi lại phải cho họ nghỉ để phụ giúp gia đình, ai cũng thấy ấm lòng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận