M.U đã chiến đấu đầy quả cảm - Ảnh: AFP
Và nổi bật trên chiến công của thầy trò HLV Ole Gunnar Solskjaer là sự trợ giúp của thần may mắn.
Trọng tài đã sai?
May mắn đến với M.U từ rất sớm khi Thilo Kehrer chuyền về bất cẩn, tạo điều kiện cho Romelu Lukaku ghi bàn mở tỉ số ngay phút thứ 2. Bàn thắng đó đã mở màn một đêm "thần rùa" hiển linh với "quỷ đỏ".
Rất nhanh chóng, PSG khôi phục được thế trận áp đảo bằng bàn gỡ ở phút 12. Nhưng rồi 18 phút sau, họ lại lâm vào tình thế đáng ngại bởi sai lầm của thủ môn dạn dày kinh nghiệm Gianluigi Buffon. Thủ thành 41 tuổi này để bóng ói ra sau cú sút xa không mấy nguy hiểm của Marcus Rashford, và Lukaku một lần nữa trừng phạt PSG.
60 phút sau 2 bàn thắng khó tin của M.U là những màn vây hãm liên tục của PSG. Nhưng sự xuất sắc của thủ môn De Gea cùng khung gỗ liên tục từ chối các cơ hội của PSG. Và cuối cùng, M.U được hưởng phạt đền ở phút 90+3 nhờ sự can thiệp của VAR khi Kimpembe để bóng chạm tay sau cú sút xa của Diogo Dalot.
Trọng tài Damir Skomina mất khá nhiều thời gian xem lại VAR trước khi ra quyết định cuối cùng. Đó chính là tâm điểm của mọi tranh cãi.
Bóng tuy đã chạm tay Kimpembe nhưng rất ít người (trừ CĐV M.U) cho rằng M.U xứng đáng được hưởng phạt đền, vì Kimpembe không cố ý dùng tay cản bóng.
Trọng tài nổi tiếng người Anh Mark Clattenburg bình luận trên tờ Daily Mail: "Đó không phải là một quả phạt đền. Kimpembe không đáng bị thổi phạt vì cậu ấy không cố tình dùng tay chơi bóng. Nếu ở Premier League thì đó không phải là một quả phạt đền. Không bao giờ là một quả phạt đền nếu cầu thủ đã cố gắng rút tay lại".
Trên BT Sport, cựu danh thủ người Anh Michael Owen cũng tuyên bố: "Trong một triệu năm tới, nó cũng không thể là phạt đền. Kimpembe đã quay lưng lại và cánh tay của anh ấy ở vào vị trí hoàn toàn tự nhiên". Ferdinand - cựu trung vệ lừng danh của M.U - cũng đồng ý với bình luận của Owen.
"Đó không phải là tình huống cố ý chơi bóng bằng tay. Bạn đang chạy hướng về tôi và nếu tôi đứng yên với đôi tay thõng xuống, như vậy mọi ưu thế đều thuộc về bạn. Điều đó không công bằng".
Chiến thắng của những đứa trẻ
Những tranh cãi về VAR sẽ còn mãi, nhưng có 2 điều không cần bàn cãi: đó là sự yếu bóng vía của PSG và tinh thần quả cảm của các cầu thủ M.U. Trước trận đấu này, lịch sử Champions League ghi nhận tổng cộng 11 màn lội ngược dòng trong thế thua 2 bàn cách biệt trở lên ở lượt đi. Nhưng trong 11 trận đấu đó, đội thắng chung cuộc đều được chơi trên sân nhà ở lượt về.
PSG vốn đã bị nhận định là đội kém bản lĩnh, khi bại trận đến 2 lần trong 11 cuộc đấu đó. Rạng sáng qua, họ lại tạo nên một câu chuyện đáng buồn khác - bị lội ngược dòng ngay trên sân nhà. Có thể Kimpembe bị oan nhưng Kehrer và Buffon lại không có gì để bào chữa, còn Kylian Mbappe bỏ lỡ quá nhiều cơ hội ghi bàn.
Còn M.U, một nửa đội ngũ chấn thương khiến HLV Solskjaer buộc lòng phải tung ra sân 2 cầu thủ trẻ vốn gần như không có khả năng đá chính trong một trận đấu bình thường ở Giải ngoại hạng Anh là Scott McTominay và Andreas Pereira.
Những cái tên ông tung vào sân thay người còn lạ lẫm hơn nữa gồm Diogo Dalot (19 tuổi), Tahith Chong (19 tuổi) và Mason Greenwood (17 tuổi).
Ở mùa này, Chong chỉ ra sân cho M.U đúng... 1 phút. Còn Greenwood đi vào lịch sử đội bóng với tư cách cầu thủ trẻ nhất của M.U từng ra sân ở Champions League ngay trong màn ra mắt CĐV "quỷ đỏ".
Trẻ trung, mạnh mẽ và không có gì để mất, những cầu thủ trẻ của M.U đền đáp niềm tin của ông thầy Solskjaer bằng những gì mà họ có. Dalot đi bóng và dứt điểm táo bạo, mang về quả phạt đền cho M.U. Chong cùng Greenwood cũng rất xông xáo để giúp M.U giữ được thế trận trong khoảng 10 phút cuối.
Và người lãnh nhiệm vụ quan trọng nhất - thực hiện quả phạt đền phút 90+3 - cũng là một cầu thủ 21 tuổi: Marcus Rashford.
Trong một đêm kỳ diệu, "những đứa trẻ của Solskjaer" đã biến giấc mơ thành hiện thực. Và từ vòng tứ kết, khi binh hùng tướng mạnh trở lại, giấc mơ của M.U có lẽ sẽ còn kéo dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận