30/07/2018 14:40 GMT+7

Đêm kinh hoàng ở Sanamxay

DUY THANH -  HUỲNH CÔNG ĐÔNG (từ Sanamxay, Attapeu, Lào)
DUY THANH - HUỲNH CÔNG ĐÔNG (từ Sanamxay, Attapeu, Lào)

TTO - Nhiều người dân ở huyện Sanamxay (tỉnh Attapeu, Lào) mất người thân ngay trong tay, nhìn ngôi nhà chắt chiu đổ sập trước mắt, nhiều người nghĩ họ sống sót được qua vụ vỡ đập thủy điện là một phép mầu.

Đêm kinh hoàng ở Sanamxay - Ảnh 1.

Cấp cứu đưa một người dân từ vùng ngập lũ huyện Sanamxay lên trực thăng về Attapeu (Lào) để chữa trị - - Ảnh: DUY THANH

Ngày 25-7, trời ở Attapeu vẫn mưa rả rích. Đường tỉnh 18A nối trung tâm tỉnh với huyện Sanamxay vẫn còn nhiều đoạn chìm sâu trong nước. Phương tiện duy nhất có thể đưa chúng tôi và lực lượng cứu trợ vào trung tâm huyện Sanamxay là trực thăng. 

Hai chiếc trực thăng của quân đội Lào bay hầu như không nghỉ, liên tục đưa lực lượng cùng hàng hóa cứu trợ vào trung tâm huyện để tiếp tế cho người dân đang trú tạm tại 3 trường học cũng như đưa bằng canô vào vùng lũ cô lập.

"Nước giật mất con tôi"

Thời tiết xấu khiến các chuyến bay trực thăng khá vất vả để cất hạ cánh. May mắn là lúc 16h, ngay khi trời vừa hửng nắng, chiếc máy bay đã đáp xuống được để chở hàng cứu trợ vào vùng gặp nạn do vỡ đập.

Càng đến gần trung tâm huyện Sanamxay, hình ảnh dưới cánh máy bay càng cho thấy sự khủng khiếp của vụ vỡ đập. Anh Khamdit, cán bộ Tỉnh đoàn Attapeu đi cùng chúng tôi, cho biết nước đã rút dần nhưng theo thông tin của UBND tỉnh, nhiều nơi vẫn còn ngập sâu.

Tại Trường cấp III Sanamxay có hàng trăm người dân tá túc trong những phòng học. Chúng tôi gặp vợ chồng anh Noi ở bản Thahin đang ngồi rầu rĩ trên băng ghế bên hành lang trường học. 

Một người sơ tán ở đây nói: "Vợ chồng ảnh mất một đứa con, chưa tìm thấy được". Anh Noi cho biết tối 23-7, nước ở đâu ập về quá nhanh, vợ chồng anh cùng 4 đứa con vội vàng bỏ chạy đến một nhà cao tầng trong xóm lánh nạn.

"Thật đau đớn, đứa bé nhỏ 2 tuổi được vợ tôi bồng trên tay đã bị lũ giật mất. Cháu không kịp la một tiếng. Vợ chồng tôi cũng không kịp thấy cháu nữa vì trời tối om. Không thể quay lại tìm kiếm được, chúng tôi đành để nước mắt chảy dài, dắt díu 3 đứa con còn lại chạy lên một căn nhà cao trong xóm, đến trưa hôm sau thì canô của lực lượng cứu nạn đến chở về đây" - anh Noi buồn bã kể lại trong khi vợ anh nấc lên từng tiếng đau xót.

Đêm kinh hoàng ở Sanamxay - Ảnh 2.

Nhiều vùng ở huyện Sanamxay vẫn chìm trong nước lũ chiều 25-7 - Ảnh: DUY THANH

Nước lũ "liếm" mái nhà

Cạnh đó, anh Sukeo cũng không giấu được nỗi buồn khi mẹ vợ anh đang dọn đồ đạc phía sau nhà để chạy lũ thì bị dòng nước lớn cực nhanh cuốn mất tích trong đêm 23-7. 

Một người dân ở bản May kể gần nhà anh có một chị vừa sinh con, máu còn chảy dưới chân người mẹ, lũ ập vào cuốn luôn đứa trẻ sơ sinh trong sự hoảng loạn của đôi vợ chồng trẻ.

Gia đình chị Phonxmay ở bản Thahin may mắn hơn khi cả 5 người đều sống sót, nhưng ngôi nhà và toàn bộ tài sản của chị đều bị lũ cuốn trôi. 

"Nhà tôi chỉ kịp dắt nhau chạy lên đồi bởi nước lớn tức thì, không kịp mang theo gì cả. Cả nhà đội mưa lạnh đứng suốt đêm, đến 12h trưa 24-7 mới được lực lượng chức năng cứu vớt".

Ở bản May có 4 gia đình người Việt sinh sống, kinh doanh thì cả 4 nhà đều bị lũ cuốn trôi. Anh Trần Văn Biền (47 tuổi, quê Ninh Bình) cho biết nhà anh làm máy xay xát gạo, nhà kiên cố nhưng nước đổ ào xuống là nhà cửa, máy móc trôi sạch. 

"Gia đình tôi cùng 3 gia đình còn lại chạy sang nhà cao 2 tầng của hàng xóm người Lào để tránh lũ. Nhưng từ 9h-10h đêm 23-7, lũ lớn trong chớp mắt, ngôi nhà 2 tầng cũng chỉ còn ló chóp mái. 3 gia đình tá túc và gia đình chủ nhà phải trổ ngói lên bấu víu vào mái nhà giữa đêm mưa gió tơi bời như vậy" - anh Biền chưa hết bàng hoàng nhớ lại.

Anh nói lo lắng nhất là phụ nữ và trẻ em, có lúc sợ không chịu nổi vì nước lũ "liếm" đến mái nhà. "Tôi nghĩ gia đình chúng tôi còn sống nguyên vẹn như một phép mầu!" - anh nói.

Đến 12h trưa 24-7, một chiếc xuồng của người thân chủ nhà đến cứu vớt luôn cả 4 gia đình người Việt.

Đêm kinh hoàng ở Sanamxay - Ảnh 3.

Các chiến sĩ tình nguyện hè tại Lào hỗ trợ đưa người dân tại vùng lũ ở Attapeu đến nơi trú ẩn an toàn - Ảnh: BÌNH MINH

Hi vọng nước sẽ rút nhanh

Chiều muộn, chúng tôi đến trụ sở UBND huyện Sanamxay. Ông Boanhôme Phommasane - chủ tịch UBND huyện - dù rất bận rộn giải quyết hàng loạt công việc, nhưng bày tỏ với chúng tôi: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Attapeu hơn 50 năm nay, chưa bao giờ thấy một thảm họa kinh hoàng như trận vỡ đập này. 

Thú thực bây giờ chúng tôi chỉ biết tập trung lo cho hàng ngàn người dân đang được sơ tán đến trung tâm huyện, chưa biết kế hoạch sắp tới để ổn định cuộc sống của người dân như thế nào vì nhà cửa, làng mạc đều bị cuốn sạch hết rồi".

Theo lãnh đạo UBND huyện Sanamxay, hiện địa phương rất cần được hỗ trợ nước uống, quần áo và giày dép, chăn - chiếu - màn và thực phẩm cho người dân đang sơ tán ở tạm tại huyện cũng như những người còn kẹt lũ. 

Được hỏi về kế hoạch sắp tới để ổn định cuộc sống người dân, ông Phommasane thật lòng: "Tôi chưa biết. Có thể là phải tính chuyện dời dân đi những vùng cao ráo, tìm nơi cho người dân sản xuất an toàn, chứ bây giờ những bản làng đã bị san bằng cả rồi, chẳng còn gì nữa. Nếu dân trở về xây dựng lại rồi nay mai đập vỡ nữa thì...", vị chủ tịch bỏ lửng câu nói.

Đêm đến, trung tâm huyện Sanamxay vẫn nhộn nhịp với việc chuẩn bị hàng hóa cứu trợ để sáng nay 26-7 tiếp tục được đưa vào vùng tâm lũ... 

"Chúng tôi hi vọng nước sẽ rút nhanh để những người còn kẹt lũ và những người được cho là mất tích được an toàn" - trung tá Sengsouly, phó phòng tham mưu Tỉnh đội Attapeu, bày tỏ.

Thành đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ cứu trợ 500 triệu đồng

laos1

Đại diện báo Tuổi Trẻ trao nhu yếu phẩm hỗ trợ cho người dân tại nơi trú nạn - Ảnh: BÌNH MINH

11h trưa 25-7, đoàn cứu trợ gồm các thành viên của Thành đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ lên đường đến tỉnh Attapeu mang theo nhiều nhu yếu phẩm như thức ăn, nước uống và số tiền hỗ trợ 500 triệu đồng.

Trong đó, báo Tuổi Trẻ hỗ trợ 400 triệu đồng tiền mặt, Công ty Yeah1 Vision đóng góp 100 triệu đồng để mua nhu yếu phẩm.

Sau hành trình dài khoảng 50km từ trung tâm thành phố Pakse đến huyện Paksong, chúng tôi đến được nhà kho chứa cà phê của doanh nhân người Lào gốc Việt Đào Hương.

Tại đây, tình nguyện viên từ rất nhiều tổ chức đang tập trung để phân chia thức ăn, quần áo thành từng bọc nhỏ phân phát cho người dân.

Đây cũng là nơi trú nạn của những người sống ở khu vực biên giới giữa tỉnh Champasak và tỉnh Attapeu. Toàn bộ người dân ở khu vực này được sơ tán khẩn cấp để đề phòng nước tiếp tục tràn xuống nhấn chìm mọi thứ.

Lúc chúng tôi đến, đã có khoảng 600 người tập trung tại nhà kho này để trú ẩn.

Chúng tôi chia nhau bánh, sữa và nước uống để phát cho những trẻ em, phụ nữ và người già đang ngồi trong căn phòng ướt và đầy mùi hơi người.

Dường như nhiều đứa trẻ đã nhịn đói trong thời gian dài trước khi chúng tôi đến. Những người già ngồi gục trong góc tường, thậm chí không còn đủ sức để ngẩng đầu lên khi chúng tôi trao cho họ sữa và thức ăn.

8h tối, cơn mưa vẫn tiếp tục giội từng đợt không dứt. Trong đêm 25-7, toàn bộ thuyền và số hàng hóa này được chuyển thẳng lên tỉnh Attapeu để cứu trợ.

Ông Hatsanay Sibounluong - bí thư Đoàn thanh niên cách mạng Lào tỉnh Attapeu - gửi lời cảm ơn chân thành đến sự hỗ trợ kịp thời của Thành đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ. Ông Hatsanay khẳng định đây là nguồn động lực to lớn để người dân Attapeu hồi phục sau sự cố.

Tối 25-7, sau khi biết thông tin hỗ trợ 400 triệu đồng khắc phục thảm họa ở Lào, Công ty CP phân bón Bình Điền đã liên lạc tòa soạn ủng hộ 100 triệu đồng.

BÌNH MINH


Quân khu 5 sang Lào giúp khắc phục sự cố

bs qk5

Các bác sĩ của Đoàn 206 Quân khu 5 khám bệnh cho người dân vùng gặp nạn ở huyện Sanamxay - Ảnh: D.THANH

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đại tá Lê Hồng Quang, phó trưởng phòng phòng chống thiên tai Cục Cứu hộ - cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết ngay khi nắm được thông tin công trình thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy của Lào bị vỡ, đơn vị đã chỉ đạo Quân khu 5 cử ngay lực lượng và phương tiện cứu hộ sang Lào giúp đỡ.

"Trong sáng 25-7, chúng tôi đã phối hợp với Quân khu 5 đưa lực lượng cứu hộ cứu nạn, trang thiết bị sang Lào để hỗ trợ.

Khi lực lượng Quân khu 5 hỗ trợ xong sẽ bàn giao lại nước bạn Lào những phương tiện cứu hộ cứu nạn của mình mang sang" - ông Quang nói thêm.

Tối 24-7, đoàn y bác sĩ của Đoàn 206 thuộc Quân khu 5 đang đóng ở bản Kon Tun (huyện Champasak, Lào) đã hành quân đến Attapeu và trưa 25-7 họ được trực thăng đưa vào trung tâm huyện Sanamxay để khám chữa bệnh giúp dân vùng lũ đang sơ tán ở huyện.

Bác sĩ Vương Văn Thu, bệnh xá trưởng Đoàn 206, cho biết trong ngày đoàn đã khám, phát thuốc miễn phí cho hàng trăm lượt người dân vùng lũ.

C.TUỆ - H.C.ĐÔNG

Cứu 26 công nhân HAGL bị mắc kẹt

Trực thăng của Hãng Lao Skyway xuất phát từ thủ đô Vientiane đến hiện trường chiều 25-7. Việc cứu hộ công nhân bị mắc kẹt đã được tiến hành hết sức khẩn trương và hoàn tất trong vòng 1 tiếng.

Các công nhân được đưa về 2 địa điểm là trụ sở Công ty TNHH MTV PTNN Đại Thắng (tỉnh Pakse) và trụ sở Công ty CP Hoàng Anh Attapeu (tỉnh Attapeu). Toàn bộ 26 người bao gồm 16 nam, 8 nữ và 2 trẻ em đã được giải cứu an toàn trong tình trạng sức khỏe tốt.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Trường Sơn - tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - cho biết đoàn bác sĩ Bệnh viện ĐHYD HAGL đã đến Attapeu vào chiều tối cùng ngày và tham gia cùng các lực lượng khác giúp đỡ người hoạn nạn tại huyện Sanamxay, vùng ảnh hưởng nặng nhất của lũ.

H.C.ĐÔNG

15 gia đình người Việt sơ tán trước khi đập vỡ

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 25-7, ông Nguyễn Duy Quận - tham tán, trưởng phòng lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Lào - cho biết theo thông tin từ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Pakse, có 15 hộ gia đình người Việt sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ vỡ đập thủy điện ở tỉnh Attapeu.

Tuy nhiên, 15 hộ gia đình này hiện đang ở vùng an toàn do họ đã được sơ tán trước khi đập vỡ.

Cũng theo ông Quận, hiện các cán bộ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Pakse đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Lào tìm kiếm 15 hộ gia đình này để tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết nhằm giúp họ sớm ổn định cuộc sống.

"Tuy chưa biết rõ người Việt có trong số những nạn nhân hiện còn mất tích trong vụ vỡ đập hay không, nhưng cho đến giờ chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin thương vong nào của công dân Việt Nam", ông Quận khẳng định.

Q.TRUNG


DUY THANH - HUỲNH CÔNG ĐÔNG (từ Sanamxay, Attapeu, Lào)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên