04/12/2016 08:01 GMT+7

Đêm châu Âu trôi giữa lòng phố

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Liên hoan âm nhạc châu Âu tại Việt Nam đến đúng lúc những tâm hồn cũ kỹ trong một thành phố mới cần được nương náu.

Những buổi hoà nhạc kín khán giả là hiện tượng phổ biến ở liên hoan âm nhạc châu Âu - Ảnh: K.LINH

Đây đó, chúng tôi dạt vào những nhà hát, lắng nghe những tâm hồn châu Âu phiêu dạt. Chúng tôi nghiến ngấu những âm thanh, nghiến ngấu những điều rồi sẽ thành hoài niệm, nghiến ngấu để tương lai còn có cái để nhìn về. Chúng tôi xúc động vì thấy những người nghệ sĩ trên sân khấu cũng như chúng tôi, nghiến ngấu một châu Âu hào hoa rồi sẽ cũ.

Một đêm nhạc, người nữ nghệ sĩ Hungary Katica Illényi chơi bản 80 ngày vòng quanh thế giới trên cây vĩ cầm nhỏ của cô. Một đêm khác, nghệ sĩ Ba Lan Maciej Grzybowski chơi dương cầm. Bốn bản Mazurka của Chopin vang lên.

Trái tim của Chopin vang lên, trái tim mà người Ba Lan đã từng đem giấu nó đi, không để Đức quốc xã làm vấy bẩn. Phần lớn người ta bảo Chopin viết Mazurka dựa trên một điệu nhảy truyền thống quê hương, một số người khác lại cho rằng không phải. Sao cũng được, dù gì thì Chopin cũng vì nỗi nhớ Ba Lan nên mới viết, dù gì thì ngay đến Chopin cũng không níu giữ được những ngày cũ dấu yêu.

Người nghệ sĩ dương cầm tiếp tục chơi những bản opus của Paderewski. Paderewski, kẻ đã nhìn tòa thành Lãng Mạn suy sụp, kẻ đã cố bám víu lấy sự Lãng Mạn trong suốt cuộc đời, kẻ đã chứng kiến tất cả những cuộc cải biến nghệ thuật quan trọng nhất của thời hiện đại, để rồi vẫn mãi trung thành với Frédéric Chopin.

Không cần biết sự cố chấp ấy đúng hay sai, nhưng làm sao có thể chia cách với quá khứ khi mà quá khứ xinh đẹp đến thế? Chúng tôi không trách ông, vì chúng tôi cũng vậy.

Rồi những đêm nhạc jazz và folk rock. Tôi nhớ anh nghệ sĩ piano người Bỉ chơi thứ jazz đặc sệt Ravel, cùng cô ca sĩ hát về một người tin rằng thời tiết sẽ đẹp hơn khi có trong tay thật nhiều quả trứng.

Đó là thứ âm nhạc khiến người ta muốn cất đi, cất thật kỹ, để mai này nhớ về nó - một giây hạnh phúc vĩnh cửu, như khi Vladimir Nabokov lang thang trong những đêm đơn côi ở Berlin, ngắm nhìn những đôi nam nữ khiêu vũ điên cuồng trong quán rượu, và bước vào nghĩa trang nơi một bà già tự sát bên người chồng mới chết.

Và một nghệ sĩ đến từ Gothenburg đã hát thế này: Chúng ta huy hoàng rồi chết đi, đó là ý nghĩa của sự sống, đó là ý nghĩa của sự sống/ Hãy cứ để cuộc đời kia dẫn lối...

Dạt vào những nhà hát rồi lại dạt ra. Cuộc đời luôn dẫn chúng ta mất hút vào những đám đông mà chúng ta không bao giờ hiểu được. Tương lai là thế giới đó, còn ký ức là những giây phút ngồi đây, tan giữa những thanh âm này.

Trong một lá thư gửi bạn, Paderewski viết: “Nếu một người có thể ngay lập tức bay đến nơi mà anh ta nghĩ tới, tôi sẽ bắt lấy một suy nghĩ trôi nổi trong mình, và ngay trước khi bút tôi viết ra những dòng trên, tôi đã thấy mình ở bên em.

Nhưng đấng thượng đế vô danh trên kia dường như đã khớp chúng ta thành kẻ nô lệ chậm chạp của những quy luật vật lý...”. Lẽ ra những lời này không nên đúng nữa, công nghệ đã cho phép con người đi nhanh hơn tốc độ âm thanh, và vòng quanh thế giới trong 80 ngày cũng không còn gì kỳ diệu.

Thế mà có những nơi vẫn ở rất xa, chẳng hạn như những nơi trong ký ức.

Liên hoan âm nhạc châu Âu 2016 diễn ra từ ngày 18-11 và vừa kết thúc vào đêm 3-12, mang đến cho khán giả Hà Nội và TP.HCM 16 đêm hòa nhạc đầy chất lượng nghệ thuật mà hoàn toàn miễn phí. Có lẽ “mưa dầm thấm lâu”, ở lần thứ 15 này, các đêm hòa nhạc đều đầy kín khán giả.

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên