28/05/2014 21:56 GMT+7

Đề xuất tăng phí bảo hiểm xã hội theo tổng thu nhập

LAN ANH ghi
LAN ANH ghi

TTO - Đây là ý kiến của TGĐ Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Thị Minh với báo chí, bên lề cuộc giao lưu trực tuyến về nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 28-5 tại Hà Nội.

12bjoaEy.jpgPhóng to
Nhiều người đồng tình thí điểm tăng tuổi hưu ở đối tượng quản lý, chuyên gia... Trong ảnh: bác sĩ Phan Thanh Hải (65 tuổi, giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic, TP.HCM) siêu âm cho bệnh nhân - Ảnh: N.C.T.

Bảo hiểm Xã hội VN vẫn đang đòi nợKhông cần tăng tuổi nghỉ hưu, nếu quản lý tốtBăn khoăn với phương án nâng tuổi hưu

Bảo hiểm xã hội đề xuất tăng phí bên cạnh đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, còn báo giới đánh giá nguy cơ vỡ quỹ một phần do quản lý quỹ kém cỏi.

Bà Minh nói: "Tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam là một trong tám đề xuất nhằm cân đối quỹ được ban soạn thảo đưa ra trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội vừa trình Quốc hội.

Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và của chúng tôi, tuy là hai cách tính nhưng khá “gặp” nhau là với mức thu - chi như hiện nay, đến năm 2021 quỹ bảo hiểm xã hội sẽ cân bằng thu và chi trong năm, kết dư của các năm trước sẽ sử dụng đến năm 2034 là hết quỹ bảo hiểm xã hội.

Vì vậy cần có tám giải pháp được đề xuất để bảo đảm cân đối quỹ như tăng mức đóng, mức hưởng, giảm nợ đọng hiện nay là trên 5%…".

* Thưa bà, người lao động rất quan tâm đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo này, họ cho rằng không nên kéo dài tuổi nghỉ hưu để dành chỗ làm cho lao động trẻ. Nhiều ý kiến ở diễn đàn Quốc hội đã không đồng tình với quan điểm này, còn ý kiến bà ra sao?

- Dự thảo này đề cập tăng tuổi nghỉ hưu nhưng thực hiện theo nhóm, không phải tất cả loại hình lao động, kể cả lao động nặng nhọc, đều đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, mà nhóm lao động nặng nhọc, có ảnh hưởng sức khỏe giữ nguyên như hiện hành, thậm chí đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu.

Còn những người còn sức khỏe, còn có khả năng cống hiến thì có thể kéo dài tuổi làm việc, như vậy không mâu thuẫn với Luật lao động đã ban hành mà chỉ cụ thể hơn thôi.

Hơn nữa, tuổi nghỉ hưu hiện hành thực hiện từ năm 1960 đến nay không điều chỉnh, trong khi các nước đã điều chỉnh nhiều, có nơi tuổi nghỉ hưu lên 65-67 tuổi, tuổi thọ bình quân người Việt cũng đã tăng nhiều so với năm 1960, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là ở góc độ đó.

Có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này nhưng chưa phải là bác đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu, mà là đang xem xét.

* Thưa bà, Bảo hiểm xã hội VN và Bộ Lao động, thương binh và xã hội muốn đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vì lo vỡ quỹ, nhưng thực tế người dân rất mù mờ về quản lý quỹ bảo hiểm xã hội mỗi năm nguồn thu lên tới trên 200.000 tỉ đồng. Có phải chi phí cho bộ máy quản lý tới hơn 20.000 người cồng kềnh và quản lý quỹ có vấn đề, thưa bà?

- Quỹ bảo hiểm xã hội được giao nhiệm vụ thu phí và chi trả cho người lao động, thực tế đội ngũ quản lý quỹ chỉ sử dụng phần lợi nhuận có được do đầu tư tiền từ quỹ, còn phần gốc do người lao động đóng góp vẫn đang được bảo toàn.

Bất kỳ tổ chức nào muốn hoạt động đều phải được đảm bảo tài chính, phần chi cho bộ máy của quỹ bảo hiểm xã hội VN thực tế vẫn tiết kiệm hơn so với nhiều nước, kể cả Nhật, Pháp…

Chúng tôi đang nỗ lực để áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý quỹ, như năm 2015 có thể triển khai thí điểm sổ lao động điện tử để người đóng biết được mình đã đóng bao nhiêu tiền, như vậy sẽ giảm được phần chi cho con người, giảm số lao động mà dành chi cho phát triển đối tượng tham gia quỹ.

* Tuy nhiên, gần đây Quốc hội đang cảnh báo quỹ bảo hiểm xã hội thiếu hiệu quả trong chi quỹ ốm đau, thai sản, quỹ hỗ trợ người bị tai nạn lao động để kết dư quỹ tới hàng ngàn tỉ đồng, trong khi phần chi cho người lao động đóng quỹ lại khó khăn. Vì sao vậy, thưa bà?

- Đúng là quỹ thai sản ốm đau nếu thực hiện đúng quy định thì không kết dư nhiều như vậy.

Thực tế có đơn vị không sử dụng quỹ này do ngại báo cáo, kê khai, ngại những phần chi phát sinh nên không báo cáo, cán bộ nhân viên ốm đau không sử dụng quỹ thai sản ốm đau mà dùng quỹ của đơn vị cho tiện.

Tới đây khi áp dụng quy định trong luật mới, vợ nghỉ sinh thì chồng cũng được nghỉ, phần chi sẽ nhiều hơn.

* Một vấn đề người dân quan tâm trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội mới là đề xuất tăng mức đóng bảo hiểm xã hội do lo nguy cơ vỡ quỹ, trong khi ngay quỹ bảo hiểm xã hội còn có những khoản cho vay đầu tư không thu hồi được, chứng tỏ quản lý có vấn đề. Bà có thể cho biết khả năng đòi được những khoản nợ này?

- Ở khoản nợ khó đòi hơn 700 tỉ đồng (chưa tính lãi, Công ty Cho thuê tài chính 2 đã vay từ năm 2008 - PV) mà Công ty Cho thuê tài chính 2 vay thì gần đây họ có trả nhưng rất nhỏ giọt. Cơ quan chức năng vẫn đang xem xét để xác định số tiền phải thu về, xác định thiệt hại, khi chính xác số tiền phải thu là bao nhiêu thì chúng tôi sẽ thực hiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Còn về đề xuất tăng mức đóng thì trong dự thảo luật có nội dung từ năm 2018 sẽ thực hiện mức đóng theo tổng thu nhập, hiện nay thu phí bảo hiểm xã hội theo lương cơ bản, nhưng thu nhập thực tế cao hơn.

Thực hiện thu theo thu nhập thì đóng nhiều, nghỉ hưu sẽ hưởng nhiều, người lao động sẽ được thụ hưởng cao hơn vì một phần phí bảo hiểm xã hội là do đơn vị sử dụng lao động chi.

LAN ANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên