14/06/2018 14:01 GMT+7

Đề xuất dùng quỹ doanh nghiệp sửa đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề xuất dùng quỹ của doanh nghiệp để sửa chữa 2 đường băng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Đề xuất dùng quỹ doanh nghiệp sửa đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất - Ảnh 1.

Đường băng 1B Nội Bài thiết kế cho 10.500 lượt hạ, cất cánh trong 20 năm nhưng đến hết tháng 4-2018, tổng số lần cất hạ cánh trên đường 1B Nội Bài đã đạt 284.200 lần - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Theo ACV, đường băng 25R/07L của cảng hàng không Tân Sơn Nhất được sửa chữa và đưa vào sử dụng tháng 6-2013, đảm bảo tiêu chuẩn khai thác máy bay B777 - 300 ER hoặc tương đương với tần suất hoạt động 55.100 lần cất, hạ cánh trong 10 năm.

Tuy nhiên, đến hết tháng 4-2018, tần suất khai thác của đường băng này vượt nhiều lần thiết kế khi đã khai thác 126.000 lần cất, hạ cánh.

Còn đường băng 1B của cảng hàng không Nội Bài được đưa vào khai thác năm 2003 với thiết kế đảm bảo khai thác máy bay B747-400 với khoảng 10.500 lượt hạ, cất cánh trong 20 năm. Nhưng đến hết tháng 4-2018, tổng số lần cất hạ cánh trên đường 1B Nội Bài đã đạt 284.200 lần.

Với tần suất khai thác vượt thiết kế nên đường băng 25R/07L của Tân Sơn Nhất và 1B của Nội Bài đều hư hỏng, mặt đường băng thường xuyên bị bong bật, nứt vỡ.

Riêng đường băng 1B của Nội Bài có một số vị trí bị phụt bùn vào mùa mưa. Nếu không sớm cải tạo, hai đường băng trên sẽ tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay.

Trường hợp xấu nhất có thể phải đóng cửa, không khai thác 2 đường băng trên làm tăng têm áp lực khai thác cho đường băng còn lại của hai sân bay.

Trước đó, trên cơ sở đề xuất của ACV, Bộ Giao thông vận tải cũng đã báo cáo Chính phủ cho phép ACV được bố trí vốn hơn 4.210 tỉ đồng để cải tạo đường băng, đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Trường hợp không bố trí được vốn ngân sách, Bộ Giao thông vận tải đề xuất cho phép ACV sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay và tiếp tục hạch toán, theo dõi thu, chi ngân sách riêng.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận tải chỉ còn khoản vốn dự phòng 10% (gần 3.700 tỉ đồng) chưa phân bổ, phải dùng giải quyết các tồn đọng về vốn của Bộ Giao thông vận tải nên không có cơ sở để bố trí cho các dự án nâng cấp năng lực khu bay.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho rằng, ACV đã cổ phần hóa và có sự tham gia góp vốn của cổ đông tư nhân nên Nhà nước không thể giao cho ACV làm chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Vì vậy Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị Bộ Giao thông vận tải căn cứ theo quy định của Chính phủ lựa chọn đơn vị phù hợp làm chủ đầu tư.

Được biết, hiện nay Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu ACV tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án vốn sửa chữa đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Đồng thời ACV có trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng những hư hỏng tại đường băng đảm bảo khai thác an toàn tuyệt đối.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết việc bố trí nguồn vốn để sửa chữa đường băng Tân Sơn Nhất, Nội Bài sẽ được xác định sau khi lựa chọn được đơn vị khai thác theo quy trình của nghị định 44/2018/NĐ- CP về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không có hiệu lực từ 13-3-2018.

Bởi vì, nghị định này quy định việc lựa chọn doanh nghiệp khai thác kết cấu hạ tầng hàng không phải thực hiện thông qua tổ chức đấu giá căn cứ theo Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được Thủ tướng phê duyệt.

Hiện nay Cục Hàng không đang xây dựng đề án trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt.

Vì vậy, trong thời gian chờ ban hành đề án, Bộ Giao thông vận tải giao AVC tiếp tục quản lý, khai thác đường băng theo đúng quy định và tiêu chuẩn quốc tế.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên