Mặc dù có biển cấm, nhưng rất khó phát hiện xe nào kinh doanh vận tải hay không. Ảnh: TTXVN
Khó nhận diện, khó quản lý
Theo các hiệp hội, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định hiện nay tất cả phương tiện thuộc sở hữu doanh nghiệp và cá nhân không phân biệt có kinh doanh vận tải hay không đều được cấp biển số nền màu trắng, chữ màu đen. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các loại xe kinh doanh vận tải khách, nhất là xe dưới 9 chỗ ngồi phát triển ồ ạt, với khoảng gần 100.000 xe.
Đáng quan tâm là các loại xe vận tải khách hoạt động ứng dụng công nghệ gọi xe, xe hợp đồng như: Grab, Limousine, Vcar, Dcar… do chưa có nhận diện rõ ràng, nên lực lượng chức năng trong quá trình tuần tra, kiểm soát khó phát hiện để xử lý vi phạm.
Trong khi thực tế, các loại xe này thường "lẫn lộn" khi tham gia giao thông và vi phạm nhiều các lỗi như: Đi vào các tuyến phố cấm taxi và xe hợp đồng, hoạt động trái phép tại các sân bay, kinh doanh khi chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh, xe ngoại tỉnh đổ về nội thành… Tình trạng này là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và thất thu thuế Nhà nước.
Vì vậy, theo đề xuất của các hiệp hội, để thuận lợi cho công tác quản lý phương tiện, giúp các lực lượng chức năng cũng như người dân dễ dàng nhận biết được phương tiện kinh doanh vận tải, tránh kinh doanh gian dối của các chủ xe, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch các loại xe này cần mang biển số riêng màu nền vàng, chữ đen, khi ngừng kinh doanh vận tải sẽ lại được đổi về biển kiểm soát cũ màu nền trắng, chữ đen.
Qua tìm hiểu, trên nhiều tuyến phố của Hà Nội hiện có cắm biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi, trong đó có xe Grab hoạt động tại các tuyến phố trung tâm trong khung giờ cao điểm. Tuy nhiên, do đều mang biển số nền trắng, chữ đen, nên lực lượng chức năng và người dân khó có thể phân biệt xe đang kinh doanh vận tải hay xe cá nhân, nên việc qua mặt CSGT của các xe nêu trên rất dễ dàng.
Thừa nhận thực tế trên, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết các loại xe kinh doanh vận tải đều phải dán phù hiệu, nhưng không ít xe lập lờ dán vào vị trí khó phát hiện.
Còn ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho hay nhiều quốc gia hiện nay đã quy định màu biển số riêng để dễ nhận diện xe kinh doanh vận tải, phân biệt với xe cá nhân hay xe kinh doanh vận tải được ưu tiên, nhằm phục vụ công tác tổ chức giao thông, hạn chế phương tiện cá nhân, xử lý vi phạm… của cơ quan chức năng. Do vậy, việc quy định xe kinh doanh vận tải mang biển kiểm soát màu riêng là cần thiết.
Ở góc độ doanh nghiệp taxi, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, taxi truyền thống có logo, màu, phù hiệu, số điện thoại, nhưng "taxi công nghệ" mặc dù có phù hiệu nhưng lại rất nhỏ, khó nhận diện và có xe dán, xe không. "Không dễ, nếu không muốn nói là khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm, vì xe hợp đồng dưới 9 chỗ, nếu bỏ tem thì không phân biệt được với xe cá nhân", ông Hùng nhận định.
Phân biệt rõ xe cá nhân và xe dịch vụ vận tải
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết việc quản lý phù hiệu, biển hiệu giữa các loại hình kinh doanh vận tải đang không có sự minh bạch. Xe kinh doanh vận tải được cấp phù hiệu lên đến 7 năm, nên rất khó kiểm soát đối với xe vận tải hàng hóa hay hợp đồng, khi phù hiệu bị mờ hoặc lái xe không dán phù hiệu sẽ làm khó lực lượng chức năng xử lý do không biết được xe đó có kinh doanh vận tải hay không.
Xe hợp đồng trà trộn trong nhiều tuyến phố cổ
Vì vậy, lần sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ lần này cần bổ sung quy định màu, biển số riêng đối với các loại xe kinh doanh vận tải để phân biệt với xe cá nhân.
"Hiện, xe của cơ quan quản lý nhà nước có biển màu xanh, xe quân đội có biển màu đỏ, còn lại xe kinh doanh vận tải và xe cá nhân đang có chung màu biển trắng, nên khi xe kinh doanh vận tải vi phạm rất khó cho lực lượng chức năng phát hiện để xử phạt, nhất là đối với xe hợp đồng và xe Grab. Khi quy định màu biển riêng, người dân và lực lượng chức năng sẽ biết ngay đó là xe kinh doanh vận tải, dễ dàng xử phạt phương tiện vi phạm, giúp cơ quan quản lý thuận lợi trong tổ chức, điều hành giao thông và kiểm tra, xử lý vi phạm. Đảm bảo công bằng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải", ông Nguyễn Văn Huyện cho hay.
Đại diện các doanh nghiệp vận tải cũng đồng tình cho rằng đây là giải pháp tốt để quản lý xe dù, xe trá hình, còn nếu chỉ quy định màu biển số riêng chỉ để thay phù hiệu, biển hiệu, cần tính toán kỹ, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp. Với số lượng lớn xe kinh doanh vận tải trong cả nước, khi thay đổi doanh nghiệp sẽ mất chi phí lớn do mất nhiều thời gian đăng ký lại biển số, các thủ tục tại ngân hàng và xe phải dừng kinh doanh.
Do đó, đại diện các doanh nghiệp vận tải đề xuất, ngoài việc giảm chi phí thay biển kiểm soát nền màu vàng, chữ đen, cần có giải pháp tổng thể giải quyết vấn đề bình đẳng trong kinh doanh giữa các loại hình vận tải, có sự bình đẳng về thuế và phải thay thế được nhiều thủ tục hành chính hiện nay như phù hiệu, biển hiệu, giấy phép kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Công Hùng, các doanh nghiệp có thể chi trả chi phí đổi biển ước tính khoảng 150.000 đồng cho mỗi xe. Tuy nhiên, nếu có thể, Bộ Công an miễn phí cho người dân và cắt giảm thủ tục khi thay đổi biển số, vẫn giữ nguyên số cũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận