06/04/2018 15:29 GMT+7

Đề xuất 7.000 lao động đường sắt Sài Gòn, Hà Nội về chung 'nhà'

ĐỨC PHÚ
ĐỨC PHÚ

TTO - Hai công ty vận tải đường sắt chủ lực về hành khách, hàng hóa dự kiến nhập thành một và thêm một công ty chuyên lo lĩnh vực vận tải hàng hóa. Nếu phương án này được chấp thuận, hơn 7.000 lao động đường sắt sẽ về chung “một nhà”.

Đề xuất 7.000 lao động đường sắt Sài Gòn, Hà Nội về chung nhà - Ảnh 1.

Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội có lực lượng khá đông khoảng 4.678 lao động - Ảnh: TTO

Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa ban hành nghị quyết thống nhất phương án hoàn thiện đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017 - 2020.

Theo đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thống nhất lựa chọn phương án hợp nhất hai Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn và Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn và Hà Nội thành một công ty chuyên về hành khách.

Công ty sau hợp nhất sẽ cho ra đời một công ty con chuyên lo về hàng hóa. Sau này, thị trường hàng hóa sẽ do công ty con đảm nhận và theo lộ trình ngành đường sắt sẽ thoái vốn để tạo điều kiện cho việc thu hút xã hội hóa.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trên cho rằng đây là phương án tối ưu nhất cho mô hình tái cơ cấu theo hướng chuyên môn hóa tổ chức vận tải hàng hóa, hành khách đường sắt.

Đề xuất 7.000 lao động đường sắt Sài Gòn, Hà Nội về chung nhà - Ảnh 2.

Thị phần vận tải đường sắt qua các năm - Đồ họa: TL

Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã được họp phân tích, điều chỉnh nhiều lần. Đề án sắp xếp lại và thoái vốn các doanh nghiệp đường sắt nhằm đảm bảo mô hình sản xuất kinh doanh hợp lý hơn.

Hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hoàn thiện lại đề án và trình Bộ Giao thông vận tải xem xét.

Trong cơ cấu kinh doanh vận tải đường sắt, hai công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội đảm nhận vai trò nòng cốt về lĩnh vực hàng hóa, hành khách.

Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội có lực lượng khá đông khoảng 4.678 lao động, còn Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn có khoảng 2.400 lao động.

Sau giai đoạn cổ phần hóa năm 2016, có thời điểm do hai công ty cùng kinh doanh trên một tuyến đường sắt dẫn tới việc dù chung "một mẹ" nhưng lại xảy ra cạnh tranh không lành mạnh.

Những năm qua thị phần vận tải đường sắt vốn chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng sản lượng toàn ngành và đang có xu thế giảm dần do sự cạnh tranh gay gắt từ hàng không, đường bộ, đường thủy.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự báo sau tái cơ cấu, đến năm 2020 vận tải hàng hóa đường sắt sẽ chiếm 1 - 3%, vận tải hành khách chiếm 1 - 2% so toàn ngành.


ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên