31/03/2019 12:07 GMT+7

Đề thi của Sở Giáo dục-đào tạo Hà Nội ‘cắt thơ’ Xuân Quỳnh?

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Khổ thơ duy nhất trong bài 'Sóng' gồm 6 dòng với ý đồ nghệ thuật đặc biệt của nhà thơ Xuân Quỳnh đã bị 'biến hình' còn 4 dòng trong đề thi khảo sát lớp 12 toàn thành phố Hà Nội.

Đề thi của Sở Giáo dục-đào tạo Hà Nội ‘cắt thơ’ Xuân Quỳnh? - Ảnh 1.

Đề thi môn ngữ văn kỳ kiểm tra khảo sát lớp 12 THPT năm 2019 của Sở GD-ĐT TP Hà Nội

Trong đề thi môn ngữ văn kỳ kiểm tra khảo sát lớp 12 THPT năm 2019 của Sở Giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) TP Hà Nội diễn ra ngày 27-3, câu 2 phần II, đề ra yêu cầu:

"Về bài thơ "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh, có ý kiến nhận xét: Đó là những vần thơ thể hiện một tình yêu vừa rộng mở, lớn lao lại vừa thân thương, gần gũi.

Anh/chị hãy phân tích hai đoạn thơ sau để làm sáng tỏ nhận định trên:

… "Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ"

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức"

Ở đây, đoạn thơ thứ hai được trích dẫn đã được "rút gọn" khổ thơ gồm 6 dòng xuống còn 4 dòng. Trong khi đó, trong sách giáo khoa - được đề thi dẫn là nguồn tư liệu để ra đề - cũng giữ nguyên tác khổ thơ 6 dòng:

"Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức"

Đây là phần có điểm cao nhất trong đề thi (5 điểm).

Chỉ ra điểm bất thường này, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng việc tự ý cắt hai dòng đầu của khổ thơ duy nhất được viết 6 dòng trong bài thơ Sóng cho thấy người ra đề không hiểu trọn vẹn ý đồ nghệ thuật của nhà thơ.

Theo ông Nguyên, trong toàn bài thơ gồm 8 khổ 4 như nhịp sóng vỗ đều, khổ 6 ở chính giữa bài, tạo thành con sóng vỡ òa cảm xúc, dâng tràn ngọn sóng tình yêu, với dòng thơ hay nhất cả bài kết khổ: Cả trong mơ còn thức

Khổ 6 quan trọng với bài thơ, và hai dòng đầu cũng rất quan trọng đối với cả khổ và cả bài.

"Khi được chọn vào sách giáo khoa, Sóng được in trọn vẹn. Bản sách giáo khoa mà đề thi dẫn nguồn cũng vậy. Thế mà khi vào đề thi, lại là một đề thi của ngành giáo dục thủ đô, khổ thơ 6 dòng đã bị cắt mất 2 dòng đầu.

Không biết khi đưa bài này, người ra đề có hiểu được ý đồ nghệ thuật của khổ thơ đó không? Nhưng nhìn vào đề thi có thể thấy là người ra đề đã không hiểu.

Đề thi với khổ thơ 6 dòng bị cắt mất 2 dòng đã không trung thực với văn bản tác phẩm, cắt cụt cảm xúc của bài thơ, giảm sáng tạo của tác giả và tước mất sự cảm thụ đầy đủ của học sinh. 

Nếu có học sinh nào làm bài thi thuộc bài thơ trong sách giáo khoa dũng cảm chỉ ra sự cắt thơ này của đề thi thì sao?" - ông Nguyên trăn trở.

Ngày 31-3, Sở GD-ĐT TP Hà Nội xác nhận đây là nội dung trong đề thi khảo sát lớp 12 vừa qua. 

Riêng những thắc mắc liên quan đến việc đề thi "cắt thơ" của nhà thơ Xuân Quỳnh, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sẽ chuyển đến bộ phận ra đề để có giải đáp cụ thể.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - chủ biên chương trình môn Ngữ văn chương trình giáo dục phổ thông mới:

Đề thi có hai điểm thiếu chuẩn xác

Tôi cho rằng câu 2 (5 điểm) trong đề văn của Sở GD-ĐT Hà Nội có chỗ chưa chuẩn xác, không chỉ ở việc trích thiếu hai dòng trong khổ thứ 2 của Xuân Quỳnh.

Có thể nêu hai điểm thiếu chuẩn xác:

- Một là đề nêu ý kiến về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh chưa tiêu biểu và phù hợp với ngữ liệu trích dẫn. Nếu lấy hai đoạn thơ ấy để yêu cầu học sinh phân tích làm rõ: "Đó là những vần thơ thể hiện một tình yêu vừa rộng mở lớn lao lại vừa thân thương gần gũi" thì làm khó cho học sinh.

Vì nét đặc sắc của tình yêu được nói đến trong hai đoạn thơ này không phải là điều ấy, mà là vừa nói được cái chung, cái phổ quát, bản chất của tình yêu, xưa cũng như nay của tuổi trẻ, của mọi con người… nhưng lại rất riêng, rất Xuân Quỳnh, mang dấu ấn cá nhân rất rõ.

Với hai đoạn thơ nêu trong đề, học sinh sẽ rất khó chỉ ra đâu là biểu hiện của "một tình yêu vừa rộng mở, lớn lao" và đâu là "vừa thân thương gần gũi"? Nhưng chỉ ra cái chung và cái riêng như tôi nói thì rất thuận, rất hợp.

Như thế cũng có thể lấy ý kiến ấy nhưng khổ thơ dẫn ra phải đúng và phù hợp để đừng bắt học sinh phân tích, minh họa gượng ép; ý kiến một đằng, ý thơ một nẻo.

- Hai là dù đề yêu cầu phân tích để làm sáng tỏ một ý kiến (của ai đó) cho trước, người ra đề vẫn cần thận trọng dẫn ra đoạn trích cho đúng và đủ, nhất là cái thiếu (hai dòng bị cắt) ấy lại làm ảnh hưởng đến ý nghĩa của đoạn thơ, bài thơ và ý kiến cần làm sáng tỏ.

Với đề văn trên, nếu cắt đi hai dòng trong khổ thứ hai thì sẽ ảnh hưởng khá nhiều như mọi người đều biết, cả về nội dung lẫn hình thức, nhất là làm giảm sắc thái riêng trong tình yêu và cách thể hiện tình yêu rất độc đáo của Xuân Quỳnh.

Sự xuất hiện khổ thơ 6 dòng so với toàn bài (khổ 4 dòng) là hình thức "phá khổ" để diễn tả sự bùng nổ trong cao trào cảm xúc của chủ thể trữ tình.

Tóm lại, loại đề văn yêu cầu phân tích văn bản để làm sáng tỏ một ý kiến cho trước có thể không nhất thiết phải trích đầy đủ tất cả, nhưng cần chú ý sự phù hợp giữa ý kiến với ngữ liệu mà đề nêu lên và ngữ liệu cần trích trọn vẹn không làm ảnh hưởng đến việc làm sáng tỏ ý kiến và kĩ năng phân tích, cảm thụ văn học của học sinh.

Đó không chỉ là để bảo đảm nguyên vẹn ý của tác giả mà còn là nguyên tắc của đọc hiểu và phân tích văn học.

Hà Nội công bố đề thi minh họa môn Lịch sử, thi vào lớp 10 Hà Nội công bố đề thi minh họa môn Lịch sử, thi vào lớp 10

TTO - Sở GD-ĐT Hà Nội vừa công bố đề thi minh họa môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên