29/10/2010 08:06 GMT+7

Đẻ rớt trên taxi

LÊ THANH HÀ - THÙY DƯƠNG
LÊ THANH HÀ - THÙY DƯƠNG

TT - Chiếc taxi không thể vượt qua đoạn đường kẹt xe nên người mẹ đành đẻ con trên xe. Đứa bé được cứu sống. Đó là một trường hợp may mắn. Trong khi đã có nhiều trường hợp không may mắn như thế khi không kịp thoát khỏi những con đường kẹt cứng xe đến bệnh viện kịp thời!

r5zPsJmi.jpgPhóng to
Chị Nguyễn Thị Kim Phương và bé gái được sinh ra trên taxi - Ảnh: Minh Đức

Ngày 28-10, bác sĩ Ngô Dũng Cường - trưởng khoa cấp cứu hồi sức chống độc Bệnh viện Triều An (TP.HCM) - cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận một sản phụ đẻ rớt trên taxi do bị kẹt xe. Và đây không phải là trường hợp hiếm hoi...

Sản phụ là chị Nguyễn Thị Kim Phương (39 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM). Sáng 22-10, chị Phương đau bụng chuyển dạ. Chị vội đón taxi đến Bệnh viện Triều An nhưng do bị kẹt xe nên chị đã sinh rớt một bé gái đủ tháng ngay trên taxi.

Khi đến được Bệnh viện Triều An khoảng 11g, em bé đã ở trong tình trạng tím tái, ngưng tim ngưng thở, còn nguyên dây rốn. Do tình trạng của bé quá nguy kịch, các bác sĩ, điều dưỡng phải cấp cứu, bóp bóng, nhồi tim khẩn cấp cho bé ngay trên băng sau của taxi. Khoảng 7-8 phút sau, da bé hồng hào trở lại, tự thở được và nhịp tim trở về gần bình thường. Bé nặng 2,75kg.

Suýt chết vì kẹt xe!

Chiều 28-10, chúng tôi đã đến nhà chị Phương ở khu phố 13, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân. Anh Nguyễn Thanh Long, chồng chị Phương, bức xúc nói: “Kẹt xe đã suýt cướp đi tính mạng của con gái tôi khi cháu vừa chào đời”.

Khoảng 9g sáng hôm ấy, chị Phương bắt đầu thấy cơn chuyển dạ đầu tiên. Biết mình chuyển dạ nhanh nên chị gọi điện ngay cho chồng. Anh Long giao hàng ở gần đó đã vội vã chạy về và gọi taxi đưa vợ đi. Chỉ vài phút sau một anh tài xế của Hãng Vinasun đã đưa xe tới chở hai vợ chồng đến bệnh viện.

Dự định ban đầu là đến Bệnh viện Hùng Vương vì vợ anh đăng ký bảo hiểm y tế ở đó. Mới đi được một đoạn đường ngắn, chiếc taxi gần như đứng yên vì kẹt đường, trong khi chị Phương thấy cơn đau chuyển dạ mỗi lúc càng đến nhanh. Trong lúc cần đi nhanh nhất thì vợ chồng chị thấy xe luôn phải dừng lại. Chị Phương đau quá phải nằm ra băng ghế sau. Hơn một giờ trôi qua, cơn đau liên tục, dồn dập...

Chị Phương thấy con mình bắt đầu có xu hướng nhích dần ra ngoài. Chị cảm nhận được cái đầu bắt đầu nhô ra trước, rồi dần dần cả cơ thể bé nhỏ chòi ra theo. “Đẻ rồi” - chị Phương hét lên trong lo sợ khi thấy rõ một sinh linh bé nhỏ nóng hổi.

Gần 11g30, taxi mới đến Bệnh viện Triều An, lúc này cháu bé đã chào đời được gần nửa tiếng. Anh tài xế vội chạy vào bệnh viện gọi các bác sĩ cấp cứu ngay tại xe. Khi ấy người em bé đã tím ngắt.

“Một bác sĩ sờ vào tim con tôi và nói: “Em bé đã tắt thở”. Lúc đó chân tay tôi như rụng rời, mất hết hồn vía” - anh Long kể lại. Khi bác sĩ thông báo “tim đã đập rồi” là lúc vợ chồng anh Long thấy như mình vừa chết đi sống lại.

Chị Phương bảo những giây phút đó thật khủng khiếp. Giờ gia đình chị đặt tên cho cháu bé là Lọt!

Anh Long kể anh rất biết ơn người tài xế hôm đó đã chở vợ anh đi sinh mà anh chưa kịp hỏi tên. Người tài xế này đã rất trách nhiệm khi tìm mọi cách đưa vợ anh đến bệnh viện sớm. Hôm đó, vợ chồng anh đến bệnh viện gấp nên chỉ mang theo mấy chục ngàn đồng, không đủ trả tiền taxi. Vậy mà người tài xế này vẫn bảo “không sao đâu”.

Nhớ mãi lần kẹt xe kinh hoàng

Em bé đi cấp cứu trong lúc kẹt xe đã an toàn

Ba năm sau vụ bé Ngô Xuân Tiến (22 tháng tuổi) uống nhầm dầu hôi, chị Ngô Thị Xuân Hà (cô của bé Tiến) vẫn còn bàng hoàng nhớ mãi cảnh tắc đường khi xe cấp cứu chở cháu Tiến không thể nhúc nhích trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM). Lúc này, tất cả các con đường xung quanh đều kẹt cứng, các taxi chở khách ra sân bay phải cho khách xuống đi bộ. Chị Hà cùng y tá phải xuống xe chạy bộ với dụng cụ hô hấp nhân tạo và dịch truyền cho bé Tiến trên tay. May có một bạn sinh viên dùng xe máy chở ba người len lỏi giữa rừng xe nên mới đưa cháu Tiến đến bệnh viện cứu chữa kịp thời (vụ việc được đăng trên Tuổi Trẻ ngày 16-10-2007).

Syr4zdni.jpgPhóng to
Ảnh chụp lúc một bạn sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại chở bé Tiến, chị Hà và y tá ngồi sau đến bệnh viện Nhi đồng 2 tối 15-10-2007. (ảnh đăng trang 1 báo Tuổi Trẻ ra ngày 16-10-2007). Ảnh: T.T.D
evJHKGCy.jpgPhóng to
Hai cô cháu tại nhà ở đường Huỳnh Khương An, P5, Q GV, TP.HCM chiều 28-10-2010. Ảnh: T.T.D

Bây giờ, cháu Tiến bị chứng bệnh kém phát triển về thể chất và thần kinh do ảnh hưởng của tai nạn uống nhầm dầu hôi và cũng có thể do xe cấp cứu không thể đến bệnh viện sớm hơn. Hiện cháu sống với chị Hà, ba đi làm ăn xa.

T.T.D.

Đã có nhiều bệnh nhân tử vong vì kẹt xe

Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhân - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - cho biết trung bình mỗi năm có khoảng 10-30 bệnh nhi trên đường chuyển viện đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 bị kẹt xe trên đường đi. Trong đó có một số trường hợp khi đến được bệnh viện đã tử vong.

Theo bác sĩ Nhân, bệnh nhi phải chuyển viện là những trẻ bị bệnh nặng hoặc rất nặng, phải hỗ trợ thở ôxy, thời gian cấp cứu có khi phải tính từng phút. “Mỗi khi có một bệnh nhi không qua khỏi chỉ vì kẹt xe trên đường chuyển viện, chúng tôi lại cảm thấy thật xót xa” - bác sĩ Nhân nói.

RXF49OxF.jpgPhóng to
Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Long bên con gái tại nhà riêng ở quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Trước tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã phải tập huấn, hướng dẫn cho các bệnh viện tuyến dưới về việc xử trí khi gặp kẹt xe. Theo đó, trước khi chuyển viện, bệnh viện tuyến dưới phải dự tính quãng đường đi bao xa để chuẩn bị oxy và các phương tiện, thuốc men cấp cứu khác. Thường phải chuẩn bị lượng oxy mang theo gấp đôi nhu cầu sử dụng để dự phòng kẹt xe. Thậm chí phải nắm rõ trên đường chuyển viện có bao nhiêu bệnh viện khác ở gần. Nếu bị kẹt xe và bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch thì phải ghé vào bệnh viện gần nhất để nhờ hỗ trợ cấp cứu.

Bác sĩ Đỗ Quốc Huy - phó giám đốc Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương - nói kẹt xe hằng ngày gây ảnh hưởng đến việc cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Với những trường hợp ngưng tim, ngưng thở đòi hỏi phải cấp cứu trong vòng dưới bốn phút. Đó là “thời gian vàng” để cấp cứu bệnh nhân nhưng đã bị kẹt xe phá hỏng.

Ông khuyên người dân khi có vấn đề về sức khỏe thì nên gọi lực lượng cấp cứu chuyên nghiệp qua điện thoại 115 thay vì gọi taxi đưa đến bệnh viện. Mạng lưới cấp cứu 115 được trải rộng khắp các quận huyện, bác sĩ cấp cứu có đủ khả năng đỡ đẻ và đã nhiều lần đỡ đẻ ngay trên xe cấp cứu, cứu sống không ít trẻ sơ sinh ngưng tim, ngưng thở.

10km mất 90 phút

Tài xế taxi của Hãng Vinasun Phạm Giang Linh cho biết: “Tôi đã có gia đình, có hai con, thấy người phụ nữ ấy rất tội nghiệp nên không lấy tiền cước và thông báo về công ty trường hợp của mình”.

hu4KKtQr.jpgPhóng to
Tài xế taxi của Hãng Vinasun Phạm Giang Linh - người đã cố hết sức đưa sản phụ đến bệnh viện. Ảnh: Minh Đức

Khoảng 10g, anh Linh nhận được điện thoại đến khu vực đường Mã Lò để đón khách. Một phụ nữ mang thai (chị Phương) bảo chở tới trạm xá khu vực ngã tư Bốn Xã (Q.Bình Tân) gần nhà để sinh con. Tuy nhiên, đó không phải là điểm đỡ đẻ.

Vào thời điểm này khu vực ngã tư Bốn Xã kẹt xe trầm trọng, anh Linh thuyết phục hành khách đến Bệnh viện Triều An để sinh cho gần nhưng các tuyến đường đều nghẽn cứng, anh Linh phải dùng đèn ưu tiên (đèn chớp nháy).

Để tạo sự chú ý, anh Linh phải bẻ gập kính chiếu hậu và la to xin đường. Tuy thế, nỗ lực của anh cũng không giúp xe chạy nhanh hơn. Đến khu vực ngã tư Tân Hòa Đông - An Dương Vương, khoảng 11g, người phụ nữ thét lên kêu đau và bảo “ra rồi” nhưng anh không hề nghĩ rằng người phụ nữ đã sinh con.

Trên đường đến khu vực vòng xoay Phú Lâm, xe của anh Linh tiếp tục bị hút vào đám đông kẹt xe vì đường Bà Hom đã bị rào chắn đào đường hạn chế ôtô chạy. Khoảng 11g30, sau khi vượt qua hàng loạt khu vực kẹt xe, chiếc taxi Vinasun số tài 1906 của anh Linh cũng đến được Bệnh viện Triều An. Taxi của anh chỉ chạy khoảng 10km nhưng phải mất gần một giờ rưỡi mới đến được bệnh viện.

NGỌC HẬU

LÊ THANH HÀ - THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên