08/05/2012 02:13 GMT+7

Để người tiêu dùng mở hầu bao

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TT - Một phần kết quả của cuộc khảo sát niềm tin người tiêu dùng trong quý 1-2012 vừa được Công ty nghiên cứu Nielsen công bố, cho thấy: 69% người tiêu dùng VN được hỏi đều có thái độ khá bi quan và cho rằng số tiền nhàn rỗi (nếu có) sau khi trang trải các sinh hoạt phí thiết yếu họ sẽ để dành tiết kiệm, tăng 4% so với quý trước.

Một số người tiêu dùng cũng không ngần ngại chia sẻ họ đã phải thay đổi thói quen mua sắm để tiết kiệm chi tiêu cho gia đình. Khảo sát cũng cho biết chỉ số niềm tin người tiêu dùng của người Việt đã giảm 5 điểm so với quý 4-2011.

Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng giảm đồng nghĩa người dân không còn mặn mà chi tiêu mua sắm, họ cảm thấy bất an trước các biến động sắp tới và có xu hướng giữ tiền để tích trữ. Điều này thể hiện rất rõ qua cảnh vắng vẻ tại các trung tâm mua sắm, thay đổi cơ cấu mua sắm tại các siêu thị và sự thờ ơ của người dân trước hàng loạt chương trình khuyến mãi của các cửa hàng thời trang, nội thất... từ đầu năm đến nay. Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng văn phòng phẩm than thở bán hàng thời buổi này rất khó, khó không chỉ bởi phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập nhiều hơn mà phải biết cách thuyết phục người tiêu dùng chịu móc túi tiền ra mua. Niềm tin tiêu dùng suy giảm thì tiết kiệm mới là sự lựa chọn hàng đầu của người dân.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 4-2012, chỉ số hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến đã tăng 32,1% so với cùng thời điểm năm trước do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cho sản xuất và tiêu dùng trong dân cư sụt giảm, thậm chí cả ngành rau quả, thực phẩm... cũng giảm. Khảo sát của Nielsen chỉ ra rằng những quan ngại lớn nhất của người tiêu dùng Việt là sự đảm bảo một công việc, nền kinh tế ổn định, giá lương thực, chi phí điện, gas và chất đốt khác. Rõ ràng một trong những nguyên nhân làm người tiêu dùng còn bận tâm chưa sẵn sàng chi tiêu là giá và các chính sách giá. Biến động giá cả liên tục trong thời gian qua đè nặng lên cuộc sống hằng ngày của người dân, đảo lộn thói quen sinh hoạt, mua sắm với không ít gia đình.

Nghiên cứu về các tác động của giá, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng cải thiện tâm lý người tiêu dùng cần được nhà quản lý quan tâm như một cách để giải cứu doanh nghiệp bên cạnh các chính sách hỗ trợ về thuế, vay vốn... giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất. Một chương trình kích thích tiêu dùng nội địa, đặc biệt là sự ổn định và minh bạch trong điều hành chính sách giá thời gian tới sẽ là cách để vực niềm tin của người tiêu dùng.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên