25/05/2012 08:26 GMT+7

Đề nghị tăng giá nước tới 35%

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TT - Tổng công ty Nước sạch Hà Nội vừa kiến nghị UBND TP tăng giá nước sạch lên tới 35%. Đây là lần thứ ba kể từ năm 2010, giá nước sạch được kiến nghị tăng khiến người dân, doanh nghiệp... băn khoăn, phản ứng.

QfblQgUw.jpgPhóng to
Trong lúc người dân thiếu nước sạch để sử dụng thì Nhà máy nước Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) “trùm chăn” nhiều năm nay - Ảnh: Lâm Hoài

Ông Nguyễn Như Hải, tổng giám đốc Tổng công ty Nước sạch Hà Nội, cho biết liên tiếp mấy năm qua công ty kinh doanh thua lỗ, không thu hút được nguồn vốn đầu tư, gặp khó khăn về vốn trong việc xây dựng nhà máy mới.

Tăng giá vì thua lỗ

Nước sạch thất thoát tới 30%

Theo thống kê của Tổng công ty Nước sạch Hà Nội, tỉ lệ thất thoát nước sạch hiện nay lên tới 30%. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của công ty.

Nước sạch bị hao hụt bắt nguồn từ những đường ống cũ có tuổi thọ hàng chục năm, thường xuyên rò rỉ, các vụ vỡ đường ống và cả việc bị câu trộm nước, xài nước “chùa”.

Thực tế nếu công ty khắc phục được những khiếm khuyết này, chắc chắn tỉ lệ tăng giá nước theo phương án xây dựng sẽ không cao đến mức 35%. Tuy nhiên theo thông tin của Tuổi Trẻ, mạng lưới cấp nước nhằm chống thất thu trên địa bàn các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm hiện nay vẫn chưa hoàn thành, nguy cơ thất thoát nước vẫn tiếp diễn.

Trong bốn tháng đầu năm nay, tổng công ty đã lỗ 32 tỉ đồng nên phải giảm lương công nhân từ 5 triệu đồng còn 4,2 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân dẫn đến thua lỗ, theo ông Hải, do chi phí đầu vào sản xuất nước sạch (như hóa chất, phụ kiện, đồng hồ, đường ống, chi phí lắp đặt...) tăng mạnh trong khi giá nước bán ra thấp.

Ông Phan Đăng Tuấn, giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa, cho biết thực tế các xí nghiệp thành viên thuộc tổng công ty cũng rơi vào tình trạng khó khăn tương tự. Năm nay, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa phải giảm quỹ lương của 280 nhân viên. Theo ông Tuấn, nếu tình trạng này kéo dài, quỹ lương năm sau dự kiến còn thấp hơn.

Anh Nguyễn Duy Hùng, tổ trưởng dân phố tại P.Thanh Xuân Nam (Q.Thanh Xuân), cho rằng việc tăng giá nước phải có lộ trình phù hợp. “Trong bối cảnh giá nguyên liệu, nhiên liệu, thực phẩm, dịch vụ đang ồ ạt tăng như hiện nay, việc giá nước tiếp tục tăng sẽ khiến người dân quá sức, đặc biệt là người nghèo, công nhân lao động, sinh viên thuê trọ” - anh Hùng nói.

Ngoài ra, theo nhiều người ở trọ, tăng giá nước sẽ là cơ hội cho các chủ nhà trọ “té nước theo mưa”. Mới đây khi giá điện tăng, nhiều chủ nhà trọ ở các quận huyện Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Từ Liêm... thừa cơ tăng theo. Chị Bình, công nhân Khu công nghiệp Nam Thăng Long đang ở trọ tại khu Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm), cho hay bình thường chủ nhà trọ đã thu tiền nước gấp rưỡi so với giá nước theo quy định, giờ nếu ngành nước tăng giá chắc chắn chủ nhà trọ sẽ tăng theo khiến tiền nước đội lên rất nhiều. Phạm Hồng Nhung, sinh viên đang trọ học tại P.Nhân Chính (Q.Thanh Xuân), lo ngại: “Hằng tháng tôi phải đóng 80.000 đồng tiền nước cho chủ nhà trọ, nếu ngành nước tăng giá nước, chắc chắn tôi phải trả tiền nhiều hơn”.

Chất lượng chưa tương xứng

Trong thời gian dài suốt từ năm 2010, hàng nghìn hộ dân ở các khu tập thể văn công Mai Dịch (Q.Cầu Giấy), khu tập thể Bộ GD-ĐT, tập thể Cơ Khí (Q.Thanh Xuân) phải hứng chịu cảnh thiếu nước, cúp nước liên tục. Mới đây, hàng chục hộ dân khu tập thể Thành Công (Q.Đống Đa) đã bức xúc tập trung trước trạm bơm nước Thành Công yêu cầu cấp lại nước sinh hoạt.

Trước đó hơn nửa tháng, tình trạng mất nước kéo dài khiến gần 100 hộ dân tại đây khốn khổ. Theo giải thích của Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa, hệ thống đường ống tại khu tập thể Thành Công được xây dựng cách đây khoảng 15 năm hiện đã xuống cấp khiến việc cấp nước gặp khó khăn. Đến nay trên địa bàn Q.Đống Đa, cả khu vực rộng lớn thuộc hướng Thành Công đang thiếu hụt tới 4.000m3 nước trên tổng số nhu cầu 12.000m3/ngày đêm.

Nhiều cụm dân cư tại một số khu vực như Triều Khúc, Phùng Khoang, Cầu Diễn, cuối Hoàng Mai... phải chịu cảnh lặn lội xin nước, mua nước với giá cao, thậm chí phải di tản đi ở nhờ nơi khác vì thiếu nước. Đây là những khu vực ở nội thành nhưng xa trạm cấp nước, đường ống cũ hỏng nhiều chỗ khiến nước phập phù, áp lực nước yếu...

Theo Tổng công ty Nước sạch Hà Nội, đơn vị đã khoan bổ sung bảy giếng tại một số nhà máy nước; tiếp nhận trạm cấp nước Nguyên Khê, nước từ Khu công nghiệp Quang Minh, nguồn nước mặt sông Đà... nhưng hiện nay nhiều khu vực nội thành vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng thiếu nước. Dự kiến trong mùa hè năm nay, việc cấp nước sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên