Theo ông Phụng, về nguyên tắc có thể căn cứ trên tỉ lệ giữa tổng số tiền mà Vedan bồi thường so với tổng mức thiệt hại của người dân đã thống kê để tính số tiền thực tế mỗi hộ được nhận. Tuy nhiên, do có phát sinh khiếu nại từ phía người dân cho rằng số liệu kê khai ban đầu còn có chênh lệch nên buộc cơ quan chức năng phải thẩm định lại.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, sau một thời gian dài thương lượng, tháng 8-2010, Công ty Vedan đã chấp nhận bồi thường cho người dân bị thiệt hại ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM tổng số tiền hơn 219 tỉ đồng.
Từ giữa tháng 8, Vedan đã chuyển trả đợt 1 bằng 50% số tiền bồi thường cho người dân TP.HCM (hơn 22,8 tỉ đồng) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (26,8 tỉ đồng). Riêng tỉnh Đồng Nai, sau khi đạt được thỏa thuận, ngày 15-9 Vedan cũng đã chuyển trả đợt 1 cho người dân tỉnh này 60 tỉ đồng (tương đương 50%).
Phần còn lại 50% trong tổng số hơn 219 tỉ đồng Vedan cam kết chuyển trả cho người dân ba địa phương chậm nhất là ngày 14-1-2011.
Về số tiền Vedan đã chuyển trả đợt 1, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết theo cam kết tài khoản nhận là tài khoản của Hội Nông dân huyện Cần Giờ tại Kho bạc nhà nước huyện. Số tiền này vẫn nằm tại kho bạc và không phát sinh lãi, chỉ chờ để chi trả đầy đủ cho người dân.
Trong khi đó, sau khi Vedan chuyển 60 tỉ đồng cho nông dân vào tài khoản của Hội Nông dân huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai, tỉnh vẫn liên tục họp bàn phương án chi trả ra sao để tránh tình trạng khiếu kiện và chưa đề cập việc sử dụng phần lãi suất phát sinh.
Ông Giang Chí An - phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, trưởng ban chỉ đạo chi trả tiền bồi thường - cho biết đến nay ban chỉ đạo vẫn đang bàn cách áp giá, chi trả tiền cho dân ra sao nên chưa bàn tiền lãi suất. “Đó là tiền của dân nên quan điểm của chúng tôi phải trả hết cho dân”-ông An nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận