17/03/2015 08:48 GMT+7

​Đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 16-3, Chính phủ lại một lần nữa xin lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình (lẽ ra phải trình Quốc hội vào giữa năm 2015) sang cuối năm 2016

“Trong quá trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần tiếp tục đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, khảo sát thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế như khái niệm “biểu tình”, “quyền tự do biểu tình”, “nơi công cộng”, “tụ tập đông người”...; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; vấn đề áp dụng các biện pháp trấn áp tương xứng, có hiệu quả đối với hành vi lợi dụng biểu tình vi phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình biểu tình...” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu lý do tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tương tự, dự án Luật về hội được Chính phủ đề nghị để lại Quốc hội khóa sau xem xét với lý do đây là dự án luật có nội dung phức tạp, cần có thời gian nghiên cứu kỹ hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật vừa qua, ủy ban khẳng định Luật biểu tình, Luật về hội là các dự án luật cần sớm được ban hành. “Hai dự án luật này Quốc hội đã đề cập nhiều lần, là các dự án luật ưu tiên khi bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Nhà nước cũng nợ dân quá nhiều và quá lâu trong vấn đề này rồi” - ông Lý nói.

Tuy vậy, do dự án Luật biểu tình chưa được Chính phủ xem xét trong khi kỳ họp thứ 9 của Quốc hội đã đến gần (tháng 5-2015) nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải quyết định rút dự án này ra khỏi chương trình. Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉ nên cho lùi dự án Luật biểu tình đến kỳ họp thứ 11 (đầu năm 2016), còn dự án Luật về hội phải trình vào kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2015).

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho thấy một số ý kiến đề nghị quy định các bản kết luận giám sát, kiến nghị giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có giá trị buộc phải thi hành.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng quy định như vậy khó khả thi. Theo ông Thi, luật cần quy định rõ trong trường hợp các cơ quan chịu sự giám sát không thực hiện kết luận giám sát, hoặc có quan điểm khác với cơ quan giám sát thì phản hồi thế nào, ai sẽ phân xử?

“Tôi nghĩ chỉ khi ra Quốc hội giám sát tối cao và Quốc hội kết luận thì kết luận, nghị quyết về cuộc giám sát đó đương nhiên buộc phải thi hành, chứ trao quyền cho các đoàn giám sát quá lớn thì chưa chắc đã hay” - ông nói.

Luật mới thông qua lại đòi sửa

Ngoài ra, Chính phủ còn có một đề nghị bất ngờ, khiến một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bức xúc, đó là đề nghị sửa đổi Luật sĩ quan quân đội nhân dân và Luật công an nhân dân. Bất ngờ, bởi cả hai luật này vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2014), chưa có hiệu lực thi hành.

“Tôi tưởng các đồng chí nhầm, nhưng hóa ra không phải. Quốc hội vừa mới thông qua và nay chỉ đề nghị sửa có một điều không cần thiết” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa bày tỏ.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục