Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên đã thốt lên: “Tôi tức giận vì hành vi lừa đảo của Vedan” tại cuộc họp báo sáng 17-9 về vụ việc Vedan “giết” sông Thị Vải.
Ông mô tả việc xả nước thải độc hại chưa qua xử lý của Vedan ra sông Thị Vải là hành vi gian lận, hành động lừa đảo bằng những hình thức tinh vi để qua mặt các cơ quan chức năng và vi phạm nghiêm trọng luật pháp của VN.
Hàng chục lần thanh kiểm tra đều tốt (!)
"Tôi tức giận vì hành vi lừa đảo của Vedan!" Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên |
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết năm nào cũng có đoàn kiểm tra, thanh tra về môi trường vào làm việc với Vedan. Nguyên tắc mỗi lần thanh kiểm tra như vậy phải báo trước một tuần. Vì thế Vedan đã cho toàn bộ nước thải chạy qua hệ thống xử lý chất thải. Do vậy “lần nào kiểm tra cũng tốt nhưng thực tế đã bị Vedan lừa”. Trong 15 năm qua đã có hàng chục đoàn thanh kiểm tra nhưng Vedan chỉ bị nhắc nhở, chỉ có hai lần xử phạt hành chính với mức phạt cao nhất 30 triệu đồng.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết bản thân ông đã năm lần đi thị sát ô nhiễm sông Thị Vải. Ông bức xúc: “Một con sông chỉ dài khoảng 76km nhưng có tới 40km bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Khi đó tôi đã có dự báo là đến năm 2050 sông Thị Vải sẽ trở thành con sông “chết”, nhưng thực tế ô nhiễm hiện nay cho thấy mức độ ô nhiễm tiến triển nhanh hơn. Tới hôm nay đã có tới 15km sông thật sự “chết” vì không thể có một sinh vật nào sống nổi ở những đoạn này”.
Khoảng sáu tháng trước, Bộ TN-MT có thông tin về hệ thống thải ngầm của Công ty Vedan nhưng không có điều kiện và chức năng để làm rõ nên đã bàn với Cục Cảnh sát môi trường để lực lượng này vào cuộc điều tra làm rõ.
Vedan đang “ăn” vào giá môi trường
Phóng to |
Trụ xả nước bẩn ra sông của Vedan - Ảnh: Cù zAp |
Quá trình trinh sát để khám phá những hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Vedan không đơn giản. Đại tá Lương Minh Thảo, cục phó C36, cho biết các trinh sát của cục đã phải bí mật hóa trang, mật phục một thời gian dài, có bằng chứng về hệ thống xử lý nước thải xả thẳng ra sông Thị Vải bằng hệ thống ống dẫn ngầm cắm sâu xuống sông Thị Vải mới có thể phá án. Ngày 8-9, Cục Cảnh sát môi trường và đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra trực tiếp Công ty Vedan, phát hiện một đường ống phi 100 được bố trí rất tinh vi xả thẳng ra hệ thống nước mưa. Ngày 10-9, đoàn kiểm tra yêu cầu vận hành toàn bộ hệ thống xử lý nước thải đã phát hiện nước thải chưa qua xử lý được bơm trực tiếp từ bồn, theo hệ thống đường ống bằng inox này xả trực tiếp ra sông.
Ngoài việc phát hiện hai hệ thống xả nước thải như trên, cơ quan chức năng còn kiểm tra thực tế 21 hồ sinh học (hồ chứa nước thải sau đó thải ra sông Thị Vải) phát hiện đều là những ao tù, không có bấc chống thấm, không được chống thấm, do đó nước ngấm vào đất. Đoàn kiểm tra đã lấy trên 20 mẫu nước để kiểm định.
C36 nhận định số lượng nước thải chưa qua xử lý Công ty Vedan xả ra môi trường cực kỳ lớn, tới 4.000-5.000m3/ngày và là thủ phạm chính gây ra ô nhiễm môi trường sông Thị Vải trong thời gian dài hàng chục năm nhưng không được phát hiện xử lý.
Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, lợi nhuận của Vedan hiện đang ăn vào giá môi trường của VN. Hiện nay, Bộ TN-MT đã chỉ đạo một tập thể các nhà khoa học để đánh giá thiệt hại về kinh tế do Vedan gây ra đối với môi trường VN để yêu cầu bồi thường.
Xử Vedan để làm gương
Phóng to |
Các nhà báo vây hỏi đại tá Lương Minh Thảo về vụ Vedan tại cuộc họp báo - Ảnh: Cù záp |
Đối với Công ty Vedan, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết bộ đề nghị xử lý xử phạt hành chính với tình tiết tăng nặng theo qui định; tước quyền sử dụng giấy phép xả thải vào nguồn nước của Vedan. Trước mắt sẽ xem xét, đề nghị chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động để chờ điều tra, xử lý. Sẽ yêu cầu Vedan khắc phục ô nhiễm môi trường và buộc Vedan phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại về kinh tế và môi trường. Nếu có đủ cơ sở pháp lý để xử lý hình sự, bộ sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan chức năng điều tra và truy tố đối với Vedan.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định tới ngày 19-9, bộ sẽ ký biên bản cuối cùng, rất có thể mức độ trầm trọng là khởi tố, thậm chí đóng cửa nhà máy và yêu cầu làm lại toàn bộ khu xử lý. Đến khi hoàn chỉnh, đúng tiêu chuẩn mới cho nhà máy vận hành. “Nếu không làm được sẵn sàng di chuyển nhà máy và nếu cần thiết không cần ngành này hoạt động ở VN” - ông cứng rắn.
Thêm 5 DN khác tiếp tay “giết” sông Thị Vải Trong đợt kiểm tra vừa qua, Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra trên 10 doanh nghiệp dọc lưu vực sông Thị Vải. Trước mắt, lực lượng cảnh sát môi trường đã có các bằng chứng, tài liệu về hành vi gây ô nhiễm của năm đơn vị khác dọc sông Thị Vải gồm Công ty dệt Nam Phương, Công ty dệt nhuộm SI, Doanh nghiệp giấy Mỹ Xuân (thuộc Khu công nghiệp Mỹ Xuân A), Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (Long Thành, Đồng Nai) và Doanh nghiệp thủy sản Tiến Đạt. Các doanh nghiệp này đều vi phạm tương tự như Công ty Vedan, đều đấu nối hệ thống xả nước thải ra sông Thị Vải không qua xử lý. |
Chất thải của Vedan rất độc
Trong nước thải của Công ty Vedan VN có chứa một loại chất vô cùng độc hại đó là cyanure (Tuổi Trẻ 16-9).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức - khoa dược, Đại học Y dược TP.HCM - cho biết cyanure là một chất rất độc hại đối với sức khỏe con người. Trong đời sống người dân, ngộ độc khoai mì (thường là loại mì cao sản) chính là ngộ độc cyanure.
Ông Đức cho biết thêm người lớn chỉ cần bị nhiễm cyanure ở liều lượng 20 miligram là bắt đầu gây ngộ độc với các triệu chứng nhức đầu, choáng váng… Còn nếu bị nhiễm ở liều lượng 40 miligram có thể gây chết đối với người lớn với các triệu chứng co giật dữ dội, hôn mê, trụy tim mạch… Trong ngành sản xuất bột ngọt hay tinh bột, cyanure có thể phát sinh từ quá trình chế biến các sản phẩm dùng nguyên liệu khoai mì hoặc trong quá trình sản xuất có sử dụng các chất ở dạng muối cyanure.
Theo ông Đức, khi cyanure vào cơ thể con người sẽ phá hủy một số enzym (hay còn gọi là men), đặc biệt là những enzym cần thiết cho quá trình hô hấp. Cyanure thâm nhập cơ thể có thể qua đường thở hít hoặc hấp thụ qua đường tiêu hóa…
Trong khi đó, trong nước thải (kể cả đã qua các khâu xử lý) của Công ty Vedan VN còn chứa một lượng chất cyanure mà các nhà chuyên môn nghe qua cũng thốt lên “quá cao so với tiêu chuẩn cho phép”. Khi lấy mẫu nước thải ở chế độ đột xuất tại nhiều vị trí ở Công ty Vedan VN (do đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên - môi trường thực hiện năm 2006), sau khi phân tích đã phát hiện còn cyanure trong đó với các hàm lượng khác nhau. Có mẫu nước thải hàm lượng cyanure đến hơn 3 mg/lít (giới hạn cho phép phải nhỏ hơn 0,1 mg/lít). Nhưng đáng lưu ý đây là mẫu nước thải đã qua khâu xử lý của Công ty Vedan VN. Khủng khiếp hơn có mẫu nước thải sau xử lý của công ty này phát hiện hàm lượng cyanure đến 560 mg/lít (gấp cả ngàn lần giới hạn cho phép).
Điều đáng lưu ý hơn cả, các mẫu nước thải được thu thập tại cống xả của Công ty Vedan VN sau khi phân tích đã phát hiện cyanure vượt tiêu chuẩn xả thải từ một vài lần cho đến hơn 70 lần…
Với những cứ liệu về ô nhiễm chất độc hại cyanure như trên, sông Thị Vải đã tiếp nhận loại chất độc hại này bao nhiêu từ nhiều năm qua? Mức độ hủy hoại môi trường có lẽ không quá khó để có thể hình dung.
Kết luận của Bộ Tài nguyên - môi trường cho thấy trên sông Thị Vải, khu vực bị ô nhiễm nặng nhất kéo dài 10km từ xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) đến xã Mỹ Xuân (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) có nồng độ oxy hòa tan trong nước nhỏ hơn 0,5 mg/lít. “Với hàm lượng oxy thấp như vậy, các sinh vật dưới nước không thể sinh trưởng và phát triển được” - Bộ Tài nguyên - môi trường kết luận, đồng thời nhận định môi trường ở sông Thị Vải không còn khả năng tự làm sạch.
Tin bài liên quan:
Hoa hậu nhặt rác và dòng nước thải từ VedanBắt quả tang Vedan xả nước thải ra sông Thị VảiSông Thị Vải không còn... thởVedan đã phản bội người tiêu dùng!Vụ Vedan “giết” sông Thị Vải: “Thành công” suốt 14 nămNgười tiêu dùng có cách của họVụ Vedan “giết” sông Thị Vải: Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương điều traPhạt như... phủi bụi“Rất buồn vì Vedan đã qua mặt nhà quản lý”!
* Hyundai Vinashin thải 706 tấn rác thải nguy hại
Sẽ xem xét trách nhiệm cá nhânVì sao Hyundai Vinashin vi phạm có hệ thống? Không thể chấp nhận hi sinh môi trường Hậu quả khôn lường Hyundai Vinashin thải 706 tấn rác thải nguy hại Hyundai Vinashin bị bắt quả tang chôn trộm 60 tấn chất thải nguy hạiCoi rẻ sinh mệnh cộng đồng!Không thể xử như bố mẹ dạy con trẻPhạt Hyundai Vinashin... 10 triệu đồng!Xử lý nghiêm Hyundai Vinashin
* Các con sông bị "đầu độc"
Dời khu công nghiệp Biên Hòa 1 để “cứu” sông Đồng Nai"Chê” sông ô nhiễm, tàu Nhật không chịu cập cảng Tàu “chê” cảng: ai đứng ra giúp đỡ doanh nghiệp?Sông Thị Vải ô nhiễm: Tàu Singapore "chê”, công nhân đổ bệnhChính phủ yêu cầu khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Thị VảiCác con sông tiếp tục bị "đầu độc" Tất cả đều đổ về các con sông lớnCác con sông tiếp tục bị "đầu độc": Xử lý sai phạm: quá đau đầu!Đừng bỏ quên môi trường sốngBài học ô nhiễm kênh Ba Bò: Làm kinh tế nhưng quên môi trường
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận