31/03/2012 08:24 GMT+7

Đề nghị đa dạng hóa sở hữu đất đai

DƯƠNG NGỌC HÀ
DƯƠNG NGỌC HÀ

TT - Đa số ý kiến của các đại biểu đồng tình với quan điểm Nhà nước nên đa dạng hóa sở hữu đất đai tại buổi tọa đàm “Đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” diễn ra ngày 30-3 ở TP.HCM.

Cpt5o4P0.jpgPhóng to
Vợ chồng lão nông Nguyễn Văn Thành ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, Long An sở hữu gần 100ha đất canh tác, nhưng phải mượn tên người khác để đứng tên trong sổ đỏ - Ảnh: Mễ Thuận

Buổi tọa đàm do Văn phòng Trung ương Đảng và Trường đại học Mở TP.HCM tổ chức.

Ba hình thức sở hữu đất đai

PGS.TS Vũ Trọng Khải, hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II, đề xuất ba hình thức sở hữu đất đai cho chính sách mới. Đó là sở hữu nhà nước, sở hữu của tổ chức và sở hữu tư nhân đối với đất đai. Nhà nước quản lý chặt chẽ đất rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vườn quốc gia... để bảo đảm môi trường sống; quản lý đất “bờ xôi ruộng mật” đang trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực.

Còn đối với các loại đất nông nghiệp khác, người dân có quyền chuyển đổi mục đích sử dụng theo nhu cầu, phù hợp pháp luật. Đối với các loại đất khác thuộc sở hữu tư nhân, người dân có thể tự mình làm trang trại hộ gia đình (sở hữu tư nhân) hoặc góp đất lại làm trang trại hợp danh, trang trại cổ phần... để cùng sản xuất (sở hữu của tổ chức).

TS.LS Nguyễn Đăng Liêm, hiệu trưởng Trường đại học Gia Định, khẳng định cho đa dạng hóa sở hữu đất đai là phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Nhà nước sẽ không mất gì vì còn sở hữu phần đất công cộng, đất rừng và khi cần thiết, Nhà nước trưng mua, trưng thu đất của người dân. PGS Đào Công Tiến, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM, khẳng định cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp 1992 để đa dạng hóa sở hữu về đất đai. “Đất đai không còn là sản phẩm của tự nhiên để phải thuộc sở hữu toàn dân. Đất đai là sản phẩm của lao động, nếu không cho người tạo ra sản phẩm sở hữu nó tức là quay lưng lại với người lao động” - ông Tiến lập luận.

Ông Nguyễn Phượng Vỹ, nguyên vụ trưởng Vụ Chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn, đề xuất năm hình thức sở hữu về đất đai: sở hữu nhà nước, sở hữu cộng đồng (của dân tộc thiểu số), sở hữu hương hỏa, sở hữu tư nhân và sở hữu tập thể. Điều này phù hợp thực tiễn bởi đa số người dân có đất đều do bỏ tiền ra mua lại hoặc do thừa kế của cha mẹ, ông bà. Việc xác định sở hữu về đất đai còn tạo tâm lý cho người dân giữ gìn, cải tạo đất, yên tâm đầu tư chứ không khai thác cạn kiệt.

Quyền của UBND xã quá to

Các đại biểu nhận định: “Chính sách pháp luật đất đai hiện nay không phù hợp là nguyên nhân của mọi rắc rối, khiếu kiện, tranh chấp xảy ra thời gian qua. Nhà nước chỉ là đại diện của chủ sở hữu đất đai nhưng lại có quá nhiều quyền”. TS Phạm Văn Võ, chủ nhiệm bộ môn luật đất đai - môi trường Trường ĐH Luật TP.HCM, chỉ ra khiếm khuyết của cơ chế trong vụ tranh chấp đất đai ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng): UBND huyện ra quyết định giao đất, thu hồi đất rồi cũng chính nơi này giải quyết khiếu nại về việc thu hồi đất của người dân, sau đó ra quyết định cưỡng chế và thực hiện quyết định cưỡng chế.

Với cơ chế như vậy, nếu cán bộ không trong sáng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của người sử dụng đất. “UBND cấp xã hiện nay có quyền hành rất to trong việc công nhận và giao đất cho người dân. Chỉ cần một tờ xác nhận của UBND xã là Nhà nước có thể giao đất, công nhận hay không công nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Trong một số trường hợp, việc UBND phường, xã xác nhận thời điểm sử dụng đất sẽ quyết định số tiền sử dụng đất phải đóng ít hay nhiều” - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM Nguyễn Văn Hồng đồng tình và đưa thêm dẫn chứng.

TS Vũ Trọng Khải chỉ ra rằng cơ chế Nhà nước thu hồi đất của người dân và đền bù là không thỏa đáng, mà phải thương lượng mua lại đất của người dân. Để xóa được đặc quyền này của Nhà nước phải cho người dân quyền sở hữu đất đai.

Các đại biểu nhận định: quyền của Nhà nước trong việc quy hoạch, thu hồi, giải phóng mặt bằng cũng rất lớn. Có ý kiến tại tọa đàm cho rằng không nên xem quy hoạch là quyền lực của Nhà nước mà phải xem đó là trách nhiệm. Và khi Nhà nước quy hoạch, thu hồi đất của người dân phải có một giai đoạn để chuẩn bị tâm lý cho dân. Việc quy hoạch, giải tỏa một khu vực nào đó tức là làm thay đổi cả môi trường sống, môi trường kinh tế, văn hóa của cả vùng nhưng Nhà nước chỉ đem đến cho người dân bằng một quyết định hành chính mang tính mệnh lệnh. Việc này làm người dân thiệt thòi.

Bỏ khung giá đất, hạn điền và thời hạn giao đất

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu thống nhất cao việc bỏ khung giá đất do Nhà nước ban hành. Họ đề nghị các địa phương xây dựng bảng giá đất tiệm cận với giá thị trường, bằng 70-80% giá thị trường hoặc giá trung bình của thị trường. Bảng giá này được áp dụng để tính các loại nghĩa vụ tài chính và sử dụng để bồi thường cho người dân khi thu hồi đất.

Các đại biểu đồng ý các chính sách đất đai mới phải bỏ hạn điền để tạo điều kiện cho kinh tế nông nghiệp phát triển. Họ đề nghị bỏ luôn quy định về thời hạn giao đất để người dân yên tâm đầu tư trên đất lâu dài, khi chết có thể để thừa kế cho con cái. Chính sách mới phải bỏ luôn quy định chỉ giao đất cho người trực tiếp sản xuất. Vì người sản xuất lớn phải vắt óc suy tính cách khai thác đất có hiệu quả nhất, họ có quyền thuê mướn người khác làm việc, cày cuốc theo kế hoạch, ý đồ của họ chứ không buộc họ phải cầm cuốc be bờ.

DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên