24/01/2018 14:34 GMT+7

Đề minh họa THPT quốc gia khó hơn đề năm 2017?

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Nhiều giáo viên ở TP.HCM nhận xét đề thi minh họa năm nay khó hơn so với đề thi chính thức THPT quốc gia 2017 và có tính phân loại cao.

Đề minh họa THPT quốc gia khó hơn đề năm 2017? - Ảnh 1.

Một tiết ôn tập Toán chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia ở Trường THPT Phú Nhuận - Ảnh: H.HG.

Bộ GD-ĐT vừa công bố đề thi tham khảo THPT quốc gia 2018. Các thầy cô có nhận định khác nhau về đề thi này.

Phấn khởi với đề văn minh họa

Đó là nhận xét chung của nhiều giáo viên môn văn ở TP.HCM sau khi đọc đề thi minh họa môn văn kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM cho biết: "So với đề thi chính thức môn văn THPT quốc gia 2017 thì đề thi minh họa năm nay hay hơn và hấp dẫn hơn. 

Đọc đề xong tôi cảm thấy rất vui và phấn khởi. Ngay nội dung câu đọc - hiểu cũng thiết thực hơn so với năm trước khi yêu cầu học sinh viết về việc tự trải nghiệm của bản thân. 

Tôi cho rằng đề thi đưa ra nội dung này trong bối cảnh hiện tại là rất cần thiết vì nhiều học sinh bây giờ chỉ biết học và học như robot".

Theo thầy Đỗ Đức Anh, các câu hỏi phần đọc - hiểu cũng ra theo dạng mở, đề cao sự cảm nhận riêng biệt của thí sinh, kiểm tra kỹ năng đọc - hiểu của thí sinh chứ không quá sa đà vào việc kiểm tra kiến thức ngữ pháp; đoạn văn trong phần này cũng tạo cho người đọc cảm xúc nhẹ nhàng, câu chữ cũng dễ hiểu chứ không gây tranh cãi như đề thi năm trước…Tất cả những điều đó cho thấy câu hỏi phần đọc - hiểu là rất ổn và hay.

Tiếp theo đó, câu hỏi phần nghị luận xã hội cũng được xem là "trong tầm tay" đối với thí sinh. Điều cần nói nhất và thay đổi nhiều nhất so với đề thi năm 2017 chính là câu hỏi về nghị luận văn học. 

Đề thi yêu cầu thí sinh viết cảm nhận về hình ảnh người lái đò sông Đà vượt thác trong tác phẩm "Người lái đò sông Đà" - chương trình lớp 12, rồi liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm "Chữ người tử tù" - chương trình lớp 11 để nhận xét quan niệm của nhà văn Nguyễn Tuân về vẻ đẹp con người".

Thầy Đức Anh nhận định: "Câu hỏi phần nghị luận xã hội năm nay phân loại rất rõ rệt, tạo 'đất' cho những thí sinh khá, giỏi thể hiện. Phần kiến thức thuộc chương trình lớp 11 cũng không quá nhiều mà ở mức chấp nhận được. 

Mặc dù đề thi minh họa khó hơn so với đề thi chính thức 2017 nhưng tạo niềm tin cho cả giáo viên và học sinh, đó là phải dạy - học đàng hoàng mới có thể làm tốt được".

Lo lắng với đề thi toán

Đa số các giáo viên ở TP.HCM đều nhận xét đề thi minh họa môn toán năm nay khó hơn đề thi năm 2017.

Theo thầy Nguyễn Tác Tuấn Ngọc, tổ trưởng tổ toán Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM, đề minh họa môn toán có khoảng 20% số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 11. Tuy nhiên, các câu hỏi này lại thuộc dạng bao quát kiến thức nên học sinh phải nắm được ít nhất 80% chương trình lớp 11 mới làm được trọn vẹn.

Thầy Ngọc nói: "Những câu hỏi thuộc phần vận dụng cao năm nay khó hơn năm trước rất nhiều. Trong đó có một số câu có liên quan đến chương trình lớp 11. 

Nhìn chung, đọc đề thi minh họa này, không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng sẽ lo lắng vì chương trình ôn thi môn toán sẽ rất nặng nề. Nếu đề thi chính thức cho ra phần kiến thức lớp 12, chỉ yêu cầu thí sinh vận dụng công thức của lớp 11 để giải toán thì sẽ nhẹ nhàng hơn cho thí sinh".

Cũng theo thầy Ngọc, đề thi minh họa năm nay phân loại thí sinh rất rõ ràng: các mức độ điểm thuộc dạng giỏi, khá, trung bình, yếu được thể hiện rất rõ nên rất phù hợp với mục tiêu tuyển sinh vào đại học.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên