18/12/2021 10:05 GMT+7

Để mất hơn 777ha rừng, lãnh đạo sở nhận 'kiểm điểm rút kinh nghiệm'

M.VINH
M.VINH

TTO - Để mất hơn 777ha rừng, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng nhận hình thức 'kiểm điểm rút kinh nghiệm'.

Để mất hơn 777ha rừng, lãnh đạo sở nhận kiểm điểm rút kinh nghiệm - Ảnh 1.

Bắt giữ nhóm người phá rừng thông tại Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) - Ảnh: M.V.

Ngày 18-12, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo sở qua các thời kỳ liên quan đến kết luận thanh tra ngày 13-4-2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng. 

Tại kết luận này, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng chỉ ra 777,22 ha rừng đã bị phá khi thực hiện 19 dự án đầu tư trên địa bàn trong giai đoạn từ năm 1992 đến nay. Để xảy ra việc này có trách nhiệm của lãnh đạo ngành nông nghiệp qua các thời kỳ. 

Trong số diện tích rừng bị mất nói trên, tại huyện Đức Trọng, từ khi các doanh nghiệp được thuê đất thuê rừng đến ngày 30-6-2019, có 17 dự án để xảy ra phá 677,56ha rừng, trong đó có 457,11ha/16 dự án chưa xử lý. 

Tại huyện Lâm Hà, hai dự án của Công ty TNHH thương mại dịch vụ kinh doanh địa ốc Việt R.E.M.A.X (Công ty Việt Remax) và Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai để xảy ra phá 99,96ha rừng.

Để mất hơn 777ha rừng, lãnh đạo sở nhận kiểm điểm rút kinh nghiệm - Ảnh 2.

Rừng thông ở huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) bị đốn hạ - Ảnh: M.VINH

Tại kiểm điểm của mình, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng xác định trách nhiệm chính thuộc các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng quy định rõ trong quyết định cho thuê rừng và hợp đồng thuê rừng. 

Trong những dự án để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp quy mô lớn, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi đất một số dự án, trong đó có dự án của Công ty Việt Remax, dự án của Công ty TNHH đầu tư Hàn Việt, giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà và Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý.

Nguyên nhân dẫn đến rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm được xác định là do các doanh nghiệp đã buông lỏng quản lý, không đủ nguồn lực để thực hiện dự án và bố trí lực lượng bảo vệ rừng. Chính quyền địa phương chưa giám sát và kiểm tra chặt chẽ tài nguyên rừng trên địa bàn. 

Nhiều hộ dân đã lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo của các doanh nghiệp, cơ quan chức năng để phá rừng, lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp và chờ bồi thường.

Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng của huyện Đức Trọng rà soát diện tích rừng, đồng thời cung cấp số liệu cho Sở Tài chính tỉnh tính toán bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng của 16 doanh nghiệp để xác định giá trị thiệt hại tài nguyên rừng và yêu cầu các doanh nghiệp bồi thường theo quy định. 

Hiện đã xác định được giá trị khối lượng lâm sản bị thiệt hại của 15/16 doanh nghiệp. Tuy nhiên, mới có 5/15 doanh nghiệp chấp hành nộp tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng trên 15 tỉ đồng.

Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, đa phần doanh nghiệp để mất rừng rơi vào tình trạng không thể triển khai bất kỳ hoạt động nào, dẫn đến tâm lý bỏ mặc dự án, thậm chí có doanh nghiệp đã phá sản.

Qua cuộc kiểm điểm trách nhiệm để mất rừng, 5 người là giám đốc, phó giám đốc, nguyên giám đốc, nguyên phó giám đốc sở đều nhận hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Lâm Đồng: Toàn bộ lãnh đạo một hạt kiểm lâm bị điều chuyển để điều tra phá rừng Lâm Đồng: Toàn bộ lãnh đạo một hạt kiểm lâm bị điều chuyển để điều tra phá rừng

TTO - Toàn bộ lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) bị điều chuyển để làm rõ các sai phạm trong việc để xảy ra hàng loạt vụ phá rừng.

M.VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên