29/01/2014 14:20 GMT+7

Để măng vững vàng thành tre

VŨ CÔNG LẬP
VŨ CÔNG LẬP

TTXuân - Chúng ta đều biết nền tảng của bóng đá là bóng đá trẻ, ngay trong lứa tuổi học đường. Nhưng quyết định lại là giai đoạn chuyển tiếp, khi một tài năng mới nhú trở thành một danh thủ đích thực. Bản chất của cả quá trình là giáo dục.

8eKG4LtE.jpg

Năm 2013 là một năm rất khó khăn của bóng đá Việt Nam, trên rất nhiều phương diện. Giữa những triền miên khốn khó đó nảy lên một điểm sáng, sáng chói lóa khiến tất cả chúng ta đều hạnh phúc một cách ngỡ ngàng: những trận đấu của đội U-19, đỉnh điểm là trận thắng Úc 5-1. Dư luận thế giới cũng bất ngờ, khi cầu thủ trẻ Việt Nam có thể chơi bóng một cách vững vàng ở trình độ ấy. Còn mỗi chúng ta đều vui sướng, đều tự hào không chỉ vì cầu thủ đá hay, đá giỏi mà còn vì các em đã chơi bóng rất có tư cách. Đó là điều quan trọng còn hơn nhiều những trận đá thắng.

Nói đến U-19 Việt Nam là nói đến Hoàng Anh Gia Lai. Chúng ta từng ca ngợi đội bóng này, một trụ cột của bóng đá Việt Nam từ ngày chuyển sang học cách làm và cách chơi chuyên nghiệp, với hai danh hiệu vô địch và không ít thăng trầm. Nói đến Hoàng Anh Gia Lai là nhớ đến ông Đoàn Nguyên Đức, người luôn trung thành với bóng đá, với Gia Lai, người mà trong những phút giây khó khăn nhất không bao giờ quên bóng đá trẻ. Lứa cầu thủ trẻ ở Hoàng Anh Gia Lai là trụ cột của U-19 Việt Nam, trụ cột về đá bóng, và trụ cột cả về một cách học, cách sống.

Trong tư cách người chèo lái, đóng góp của bầu Đức là quyết định. Quyết định về mặt đầu tư, nhưng quan trọng nhất là quyết định trong cách nghĩ, cách làm, quyết định về mặt chiến lược. Cội rễ của bóng đá trẻ là giáo dục. Mà trong giáo dục, nói cho cùng thì còn mấy yếu tố căn bản nhất: giáo trình, giáo viên và môi trường giáo dục. Giáo trình là giáo trình của JMG, Arsenal, giáo viên cũng chiêu mộ từ nước ngoài, nhưng đã Việt hóa.

Còn môi trường giáo dục ở đây là căn cứ địa bóng đá mang tên Hàm Rồng, được xây mới hoàn toàn. Các em sống ở đây, ngăn nắp và quy củ như trong một doanh trại quân đội, ngay từ kiểu gấp chăn và để dép thẳng hàng. Các em học ở đây, theo những giáo trình quy chuẩn và niềm say mê muốn thành người hiểu biết. Các em chơi bóng ở đây, lúc đầu chạy chân trần, đá bóng chân trần, để cảm thấy cái ấm áp và vững chắc của mặt đất, để cảm thấy sự thân thuộc trìu mến của lớp vỏ quả bóng da. Rồi các em lớn lên.

7ORvm840.jpg
Vũ Công Lập - Ảnh: Ảnh: T.T.D.
Đến thăm Hàm Rồng, có thể cảm thấy và hình dung tất cả những điều ấy. Nhưng sự ngạc nhiên vẫn lớn vô cùng, khi xem các em chơi bóng trong đội hình U-19 vừa qua. Có lẽ là bởi trong một trận bóng đá, các em thể hiện đồng thời cả tài năng, cả văn hóa và cả tư cách nữa. Những cái ấy cộng lại, nâng các em lên. Mà đấy không phải là một phép cộng cơ học, phải hiểu là phép tích hợp kèm theo những chuyển hóa có ý nghĩa về chất.

Chính cái ý nghĩa về chất ấy khiến chúng ta thêm hi vọng, và phần nào có thể tin tưởng. Bóng đá Việt Nam từ xưa đến nay chưa hề thiếu các tài năng, trong các lứa U khác nhau. Chẳng cần kể lể chi tiết cụ thể, nhưng chỉ nói thế tất cả chúng ta đã có cùng một hình dung. Nhưng từ một tài năng chớm nở như thế, để có một danh thủ đích thực lại là cả một chặng đường dài, mà thực tế vừa qua khiến chúng ta hiểu rằng khả năng thất bại trong thực tế là cao hơn rất nhiều so với thành công.

Để có danh thủ đích thực, chúng ta cần đồng thời ba yếu tố: sự chín muồi về chuyên môn, sự định hình về nhân cách và sự may mắn ở những yếu tố ngoại cảnh. Có những cầu thủ chơi kiểu trẻ em thì hay, nhưng đấu kiểu người lớn, chuyên nghiệp thì không xuất sắc. Có những cầu thủ dạn dĩ, chịu đựng được mọi thử thách, nhưng bản lĩnh dùng không đúng cách lại hư hỏng, lắm khi trở thành một thứ “đầu gấu”.

Lại có người thuận với cả hai yếu tố kia, nhưng rủi gặp một tai nạn kiểu chấn thương thì tất cả lại trôi sông đổ biển. Hội cả mấy yếu tố đó thật không dễ chút nào. Còn thực tế trong những năm qua ở Việt Nam hình như chứng tỏ rằng, trưởng thành về nhân cách là khó khăn hơn cả. Chúng ta mất đi bao nhiêu tài năng phần lớn là chúng ta đã thất bại ở ý nghĩa giáo dục.

Có một vấn đề lớn về môi trường giáo dục, về khuôn mẫu đào tạo. Nghe những phát biểu vừa qua của ông Đoàn Nguyên Đức, có thể tin rằng ông đã thấu hiểu và lường trước tất cả những nhân tố ấy. Biết trước, cũng tức là đã biết cách tránh, đã lường cách trị. Thế mới nói rằng ta có thể tin tưởng, tức là tin ở cách sống, cách nghĩ của người đứng đầu theo quan điểm giáo dục.

U-19 quá hay cũng nảy sinh một nguy cơ khác. Nhiều người bây giờ, vốn chẳng liên quan gì đến U-19, cũng chỉ chăm chăm nhảy vào U-19. Đến nỗi nhiều khi lãng quên hay thiếu tập trung với nhiều nhiệm vụ chiến lược khác của bóng đá nước nhà.

Thôi thì, cứ để U-19 cho những ai vốn quan tâm đến nó, thân thiết với nó, sống chết cùng nó lo liệu. Ồn ào quá, hăm hở quá, nhất là một khi hơi “động cơ” quá có khi lại hỏng việc. Bởi, giáo dục vốn không phải là nơi phô diễn hay khoe khoang. Giáo dục là cứ âm thầm mà làm, kiên nhẫn mà làm, làm có triết lý, có phương pháp, có đầu tư. Như U-19 Hoàng Anh Gia Lai đấy, cứ âm thầm nhiều năm rồi, cho đến khi chính thức xuất hiện là gây sửng sốt. Dẫu U-19 là một trọng tâm, vẫn phải đặt nó trong mối cân bằng tổng thể của hệ thống, trong mối tương quan hợp lý với các nhân tố khác.

Có như thế thì măng sẽ vững vàng biến thành tre. Như câu văn bất hủ ngày nào của Thép Mới: “Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre thanh cao, giản dị mà chí khí như người”. Đấy là quá trình biến một sản phẩm giáo dục thành lực lượng xã hội.

VŨ CÔNG LẬP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên