Để học sinh chọn thi sử thật sự yêu sử

H.HƯƠNG ghi
H.HƯƠNG ghi

TTO - ​Từ bài “Đăng ký dự thi THPT quốc gia: Môn sử được chọn thi nhiều nhất”, Tuổi Trẻ ngày 17-4

Học sinh lớp 12A10 Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11, TP.HCM) trong giờ học ôn môn sử Ảnh: Như Hùng
Học sinh lớp 12A10 Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11, TP.HCM) trong giờ học ôn môn sử Ảnh: Như Hùng

Tạ Giai Quân (học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM):

Chương trình môn sử rất nặng

Em đăng ký tổ hợp khoa học xã hội với mục tiêu dự tuyển vào ĐH, nhưng nếu không yêu môn sử thì sẽ rất khó khăn trong quá trình học và ôn thi.

Thực sự, chương trình môn sử rất nặng, có quá nhiều bài và khối lượng kiến thức các bài có quá nhiều điều mà học sinh phải nhớ để làm hành trang đi thi. Việc em thích môn sử phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên.

Chính thầy Tỉnh (giáo viên dạy sử) đã truyền cảm hứng cho em để em cảm thấy yêu thích và tự tin hơn khi học sử.

Thầy Nguyễn Hữu Đạt (tổ trưởng tổ sử Trường THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Giáo viên phải tự cứu mình

Dư luận cũng như giới chuyên môn đã đánh giá là chương trình môn sử dài quá, nặng quá, nhiều sự kiện quá. Thế nên, để học sinh đỡ ngán môn học được cho là dài lê thê này thì giáo viên phải tự cứu mình. Tự cứu để học sinh cảm thấy hứng thú hơn với tiết dạy của mình.

Tôi dạy sử nhưng không áp đặt học sinh của mình phải hiểu như ý mình muốn. Thời đại bùng nổ thông tin, học sinh của tôi lên mạng, đọc nhiều thông tin trái chiều, các em thắc mắc với tôi: “Tại sao em đọc trên mạng lại thấy nói khác”.

Tôi tiếp nhận những thông tin ấy một cách thiện chí và tận tình giải thích cho các em bằng những chứng cứ thuyết phục. Để học sinh yêu sử thì trước hết ông thầy dạy sử phải làm cho học sinh yêu mến mình trước đã.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du (Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM):

Đổi mới phương pháp kiểm tra môn sử

Học sinh ngán sử vì ngán những số liệu, những sự kiện liên tiếp nhau. Tiết dạy của tôi thường bắt đầu từ thực tế cuộc sống, sau đó mới dẫn giải đến nội dung bài học. Tôi muốn biến tiết dạy của mình thành những tiết kể chuyện để tạo sự thoải mái cho học sinh. Tôi muốn thay đổi để môn sử nhẹ nhàng hơn và thú vị hơn.

Tôi không cho học sinh làm bài kiểm tra 1 tiết, mà cho các em làm đề tài. Ví dụ: tổng kết chương Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc, tôi cho học sinh trình bày lại bằng sơ đồ tư duy, tùy học sinh chọn - có thể là sơ đồ chữ, có thể là sơ đồ hình ảnh.

Ngay cả bài kiểm tra cuối học kỳ - vốn phải làm theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT thì những câu hỏi của tôi cũng khác. Ví dụ: trong bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng có câu “30 năm đấu tranh giành độc lập non sông”, đó là từ năm nào đến năm nào? Tại sao tác giả bài hát lại dùng khoảng thời gian “30 năm”?...

Cô Lê Thu (giáo viên dạy lịch sử Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội):

Mong đề thi sử sẽ cải tiến

Tâm lý “không thi, không học” đã tồn tại nhiều năm nay. Có những môn học mang nặng tâm lý “môn phụ”, khiến không chỉ học sinh không chịu học, mà nhiều giáo viên cũng không đầu tư tìm tòi đổi mới cách dạy học.

Bởi vậy, việc có nhiều học sinh đăng ký thi bài khoa học xã hội và môn lịch sử năm nay cũng là một thách thức lớn cho giáo viên. Trong khoảng thời gian ngắn chúng tôi phải hỗ trợ, hướng dẫn học sinh ôn tập, làm quen với cách thức thi lịch sử theo kiểu trắc nghiệm.

Mục đích mà nhiều giáo viên và các nhà trường đang đặt ra là ôn luyện ra sao, để thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội đảm bảo đủ điểm xét tốt nghiệp.

Trong khi đó, đề thi trắc nghiệm trên phổ kiến thức rộng, nhiều câu hỏi nhỏ, chi tiết sẽ gây khó khăn cho học sinh nếu các em phải học chính xác như trong sách giáo khoa.

Tôi hi vọng đề thi của Bộ GD-ĐT sẽ cải tiến, điều chỉnh nội dung câu hỏi, để làm sao phát huy được năng lực học sinh hơn là buộc các em thuộc lòng máy móc.

V.Hà ghi

H.HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên