23/03/2015 10:34 GMT+7

​Để hạn chế oan sai

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Một báo cáo trình cho đoàn giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp gần đây ghi nhận 226 người chết tại các nơi tạm giữ, trại tạm giam trong ba năm qua.

Ông Nguyễn Văn Triều (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), bị giam 103 ngày rồi đình chỉ điều tra. Nhiều năm qua, ông Triều đã khiếu nại nhưng chưa được bồi thường

Theo đại diện một trong những cơ quan có trách nhiệm giải trình, những cái chết này có nguyên nhân chủ yếu là bệnh tật hoặc tự sát.

Trong khi đó, từ những vụ kết án oan đối với người vô tội được phát hiện cũng trong thời gian gần đây như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, vụ bảy thanh niên ở Sóc Trăng... những khuyết tật trong hệ thống tố tụng dần dần được chỉ ra.

Ngay từ thời cổ, người ta đã nhận ra những thách thức, rủi ro đối với xã hội từ việc trao cho người này, người kia quyền phán xét, trừng phạt nhân danh công lý. Suy cho cùng là con người, ai cũng có khuyết tật và có thể phạm sai lầm.

Tuy nhiên, cần ngăn chặn đến mức có thể sai sót của người nắm quyền xử phạt, bởi sai sót ấy có thể dẫn đến sự thay đổi số phận con người theo hướng xấu và nhiều hệ lụy xã hội tiêu cực khác.

Trong các nỗ lực nhằm đạt mục tiêu ấy, người ta phân chia quá trình xử lý một vụ nghi vấn phạm pháp thành các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong mỗi giai đoạn được trao quyền thích ứng với phần việc mình chịu trách nhiệm; người tham gia quá trình xử lý ở giai đoạn sau có quyền từ chối tiếp nhận kết quả công việc được thực hiện ở các giai đoạn trước nếu thấy kết quả chưa thỏa đáng; thẩm phán là người có quyền quyết định sau cùng trong chuỗi hoạt động ấy.

Nguyên tắc suy đoán vô tội được thiết lập như là một trong những biện pháp đẩy lùi nguy cơ quy kết oan ức đối với người bị tình nghi từ sự tùy tiện, tắc trách ở các vị trí của cơ quan có thẩm quyền.

Với nguyên tắc này, người bị tình nghi không phải lên tiếng giãi bày với bất kỳ ai, kể cả điều tra viên, công tố viên, thẩm phán về sự vô can của mình. Họ có quyền im lặng.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm tính minh bạch của quá trình tố tụng và đặc biệt là tính khách quan, vô tư của người tiến hành tố tụng. Kinh nghiệm của các nước cho thấy một trong những biện pháp hữu hiệu để đạt mục tiêu này là khẳng định, đề cao vai trò của luật sư trong tất cả giai đoạn tố tụng.

Luật sư phải được thừa nhận là người bảo vệ đối với người bị tình nghi phạm tội trước các nỗ lực cáo buộc chống lại người này và phải được tạo điều kiện thể hiện vai trò của mình ngay từ đầu, từ lúc thân chủ của mình chính thức bị đặt vào diện tình nghi và chịu sự áp dụng của các biện pháp tư pháp.

Ở các nước, người được thẩm vấn trong khuôn khổ hoạt động tố tụng có quyền yêu cầu mời luật sư hỗ trợ và cuộc thẩm vấn chỉ được tiến hành một khi có mặt luật sư bên cạnh thân chủ. Sự hiện diện của luật sư khiến không gian giao tiếp giữa nghi can và đại diện công lực trong quá trình tố tụng không còn bị khép kín.

Điều này được cho là có tác dụng tích cực trong việc ngăn chặn các biện pháp tác nghiệp trái luật, xâm hại thân thể, nhân phẩm của người trong cuộc và dẫn đến oan sai.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên