13/05/2018 07:00 GMT+7

Để giảm áp lực lên người dân, phải cắt giảm biên chế bộ máy

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Đinh Tuấn Minh, chuyên gia tài chính công, cho rằng bức tranh thu - chi ngân sách mấy năm nay rất căng thẳng. Chỉ có tinh giản bộ máy một cách quyết liệt thì mới giảm chi tiêu quá mức.

Để giảm áp lực lên người dân, phải cắt giảm biên chế bộ máy - Ảnh 1.

Tiến sĩ Đinh Tuấn Minh - Ảnh: LÊ THANH

Theo TS Đinh Tuấn Minh, thu không đủ chi, nên mấy năm nay chúng ta đã phải đi vay để chi thường xuyên, trả nợ và đầu tư phát triển. 

Như trong năm nay, trong số 384.000 tỉ đồng đi vay, Chính phủ phải dành hơn 146.000 tỉ đồng để trả nợ.

* Ông đánh giá thực trạng thu chi ngân sách VN hiện nay như thế nào?

- Trong vài năm trở lại đây, thu ít hơn chi. Do đó, Chính phủ phải đi vay. Nhưng điều đáng nói là tiền vay về không chỉ chi cho đầu tư mà thậm chí để chi thường xuyên hay nói cách khác là vay về để ăn.

Về chi thường xuyên, có đến 70% là chi cho lương, phụ cấp. Lương cho những người đang làm việc mà cho cả những người về hưu. 

Ngoài chi lương, phụ cấp cho con người, ngân sách còn phải chi cho tỉ thứ để vận hành bộ máy nữa như mua máy móc, thiết bị, bàn ghế, trụ sở, đi công tác, họp hành hội thảo…

Số tiền chi thường xuyên 4 tháng đầu năm là 301.500 tỉ trong tổng số chi 410.000 tỉ đồng. Như vậy chi thường xuyên chiếm đến 73,5% tổng số chi. 

Nếu so với tổng số thu 4 tháng hơn 446.000 tỉ đồng thì số tiền chi cho bộ máy bằng 66%. Điều này nói lên bộ máy nhà nước quá cồng kềnh.

* Như ông nói ở trên là để giảm chi là cắt giảm bộ máy, nhưng liệu có cắt được không khi suốt mấy năm nay, chúng ta nói cắt giảm mà chi thường xuyên vẫn tăng?

- Mấu chốt là cắt giảm bộ máy. Đây là cách hữu hiệu nhất để giảm chi tiêu công. Nhưng thực tế, đúng là việc cắt giảm số lượng công chức rất khó. 

Theo như báo cáo về tinh giản biên chế tại kỳ họp Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, có 87,6% số biên chế được tinh giản từ năm 2015 đến cuối năm ngoái là người nghỉ hưu trước tuổi.

Hay qua kiểm toán, năm 2017, Kiểm toán Nhà nước cho biết đã phát hiện bộ máy thừa đến hơn 57.000 biên chế. Với thực trạng bộ máy như vậy, thu thuế, phí và lệ phí không đủ chi cho bộ máy là chuyện không có gì quá ngạc nhiên cả!

Do đó, để giảm áp lực lên người dân thì phải cắt giảm bớt biên chế của bộ máy. Để cắt giảm được bộ máy thì phải có sức ép rất lớn về mặt chính trị. 

Và nếu bộ A, ngành B… không cắt được biên chế, người đứng đầu sẽ bị chế tài hay hình thức thôi nhiệm vụ như thế nào đó chứ không chúng ta sẽ cứ nói và việc tinh giản bộ máy cứ nhùng nhằng như lâu nay.

* Tình hình không cải thiện, nếu thu không đủ và cứ vay nợ thì nguy cơ gì sẽ xảy ra?

- Cứ ví như trong gia đình, nếu vay để mua xe đi làm rồi hằng tháng tiết kiệm để trả nợ thì cũng không quá lo ngại. 

Nhưng ngược lại, nếu nhà nào cứ vay để ăn mà không biết lấy gì trả, đến hạn phải vay nợ mới để trả nợ cũ thì chắc chắn rất nguy hiểm. 

Tình hình tài chính quốc gia cũng như vậy. Phải kiểm soát được chi tiêu và khả năng trả nợ. Như mấy năm qua, có một số nước như Argentina, Hi Lạp… đã vỡ nợ vì vay nợ quá lớn đến mức không có khả năng trả nợ. 

Còn chúng ta hiện nay, mấy năm trước cũng phải vay nợ mới trả nợ cũ. Như năm nay, trong quyết định phê duyệt kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ vừa được Thủ tướng phê duyệt, Chính phủ sẽ phải vay 384.000 tỉ đồng, trong đó để trả nợ gốc là 146.770 tỉ đồng. 

Do đó, nếu chúng ta giảm được vay nợ, giảm được chi tiêu thì sẽ hạn chế được rủi ro cho nền kinh tế.

* Nếu không cải thiện được chi tiêu thường xuyên quá mức như lâu nay thì người dân có bị ảnh hưởng?

- Nợ công và chi tiêu công quá lớn như hiện nay sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến túi tiền của người dân. Đó là để có nguồn trả nợ và chi tiêu thì Nhà nước phải tăng thuế. 

Rõ nhất gần đây, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một loạt luật thuế như tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% hay tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít… Tăng thuế, mọi người đều nhìn thấy túi tiền của mình vơi đi. 

Mặt khác, do ngân sách khó khăn, các khoản chi cho phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục sẽ bị ảnh hưởng… 

Hay nói cách khác, nếu cứ tăng thuế để có nguồn chi và trả nợ thì đời sống người dân, nhất là người nghèo sẽ càng khó khăn hơn.

Tôi xin nói thêm việc Bộ Tài chính luôn cho biết việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu do hội nhập làm hụt thu ngân sách. Do đó, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tăng thuế giá trị gia tăng… là để bù đắp ngân sách. Lý lẽ này không thuyết phục.

Thực tế, thuế xuất nhập khẩu cắt giảm sẽ giúp giá cả hàng hóa giảm. Qua đó, người dân tăng chi tiêu và nhà nước thu được thuế giá trị gia tăng. Mặt khác, khi giá nguyên liệu, hàng hóa giảm, doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, sẽ nộp thêm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài… cho nhà nước.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên