01/06/2011 04:11 GMT+7

Đế chế FIFA - Kỳ cuối: Khát vọng minh bạch

VŨ CÔNG LẬP
VŨ CÔNG LẬP

TT - Hơn ai hết, FIFA hiểu rõ những bức bối trong nội bộ tổ chức của mình. Chủ tịch Sepp Blatter có lần tuyên bố: ”FIFA có ba kẻ thù: tham nhũng, doping và phân biệt chủng tộc”.

TT - Hơn ai hết, FIFA hiểu rõ những bức bối trong nội bộ tổ chức của mình. Chủ tịch Sepp Blatter có lần tuyên bố: ”FIFA có ba kẻ thù: tham nhũng, doping và phân biệt chủng tộc”.

Nghi ngại về ủy ban đạo đức

FIFA có một bảng tiêu chí riêng về đạo đức. Ủy ban đạo đức theo dõi, kiểm soát việc duy trì, thực hiện những tiêu chí này. Ủy ban có quyền điều tra và quyết định xử phạt, phạt tiền, rồi khai trừ và ra lệnh cấm. Ủy ban có tất cả 14 thành viên, do ban thường vụ FIFA (ExCo) chỉ định. Các ủy viên đến từ Mỹ và Guinea Xích Đạo, từ Pháp và Guam... Họ là luật sư, cựu chủ tịch liên đoàn bóng đá, cựu cầu thủ và có cả một bình luận viên bóng đá.

Để quyết định từ các cuộc họp của hội đồng có giá trị, chỉ cần ba ủy viên có mặt trong phiên họp đó là đủ. Thường thì ai có mặt là do chủ tịch hội đồng trực tiếp triệu tập.

Chủ tịch hội đồng hiện nay là luật sư quốc tịch Thụy Sĩ Claudio Sulser, từng là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Ông là người tin cậy của chủ tịch Blatter. Và người ta nghi ngại tính thực chất của ủy ban này. Bởi vì chỉ có ông Blatter, hoặc trực tiếp hoặc thông qua các nhân viên của mình, mới là người quyết định một vụ việc nào đó có được đưa ra trước ủy ban kỷ luật hay không, và liệu một quá trình điều tra có được bắt đầu hay không. Đấy chẳng qua chỉ là một kiểu tự xử, do đó khó có hiệu quả. Sức mạnh tư pháp đã bị hạn chế, thậm chí loại trừ, ngay từ cách làm việc và nhân sự của ủy ban đạo đức.

Độc tài

Người ta thấy sự độc tài của chức chủ tịch FIFA trong nhiều trường hợp bị xem là cội nguồn của vấn đề. Quyết định chi 20 triệu USD cho Interpol là quyết định mà ông Blatter tự đưa ra một mình, không bàn luận, không thông qua ai. Việc bổ nhiệm những vị trí then chốt trong FIFA cũng mang đậm dấu ấn phi dân chủ.

Thân cận và được chủ tịch FIFA tin tưởng, hầu như đó là tiêu chí quan chức hàng đầu và duy nhất. Một chức chủ tịch LĐBĐ quốc gia thì bị soi rất kỹ, nhưng nhiều vị trí then chốt trong FIFA lại được bổ nhiệm hay bãi miễn trong những mối nghi ngờ. Rõ ràng trong bộ máy cao cấp FIFA thiếu hẳn một sự giám sát, kiểm tra đủ ý nghĩa và sức mạnh.

Dưới chủ tịch chỉ là ExCo gồm 24 người, mà năng lực và bản lĩnh của nhiều thành viên đáng bị nghi ngờ, liệu có đủ khả năng điều hành một đế chế khổng lồ đến thế? Platini và Bin Hammam, những chiến hữu thân cận nhất của Blatter, đã phải than phiền công khai về những phương thức lãnh đạo phi dân chủ.

Chúng ta còn nhớ vụ MasterCard cũng khá ầm ĩ và tốn kém trong lịch sử FIFA. Vốn nhiều năm MasterCard là đơn vị tài trợ chính của FIFA. Khoảng năm 2006 hợp đồng hết hạn, và theo quy tắc thì MasterCard có ưu thế được bàn bạc trước tiên để gia hạn trong hợp đồng mới.

Thế nhưng bất chấp tất cả, FIFA ký ngay hợp đồng với Visa, đối thủ cạnh tranh của MasterCard. Một tòa án New York kết luận MasterCard đã bị loại khỏi cuộc đua bằng những phương pháp vi phạm pháp luật. Rồi sau này để chấm dứt vụ kiện tụng, FIFA đã phải bồi thường cho MasterCard 90 triệu USD. Giám đốc tiếp thị FIFA lúc bấy giờ là Jerome Valcke, người Pháp, bị mất chức, vì ông là người dẫn đầu phái đoàn thương thảo FIFA.

Nhưng chỉ ít tháng sau ông được bổ nhiệm vào cương vị mới còn quan trọng hơn nhiều: tổng thư ký FIFA. Valcke cũng là một người tin cậy của ông Blatter.

Trong ủy ban đạo đức có một thành viên là luật sư người Đức: Guenter Hirsch. Ông là một trong những luật sư hàng đầu về uy tín và danh vọng vì từng nhiều năm là chủ tịch Tòa án Liên bang CHLB Đức. Từ năm 2005, ông được mời tham gia ủy ban kỷ luật FIFA, từ năm 2006 ông là thành viên ủy ban đạo đức. G. Hirsch đã có một bản phân tích 125 trang về vụ MasterCard và sau đó từng hi vọng ủy ban đạo đức sẽ có điều kiện hoạt động tích cực hơn. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Hirsch không tham gia các phiên họp của ủy ban này nữa, rồi sau đó làm đơn từ chức. Trong đơn, Hirsch phân tích: ủy ban đạo đức không có đủ “cấu trúc cơ bản” để thực hiện các nhiệm vụ của mình.

Tham nhũng cứ như kẻ thù đồng hành cùng bóng đá. Không chỉ ở FIFA mà còn trong nhiều tổ chức bóng đá khác nữa. Người ta tin lời A. Schwoebel, chủ tịch tổ chức Transparency International (Minh bạch quốc tế) của Thụy Sĩ: trong tất cả các liên đoàn và các CLB, tình hình cũng chẳng tốt hơn là bao. M. Braasch, chuyên gia chống tham nhũng của Đại học Giessen, cho rằng các quan chức thể thao hầu như chẳng phải sợ điều gì về mặt luật pháp khi nhận hối lộ (trừ khi bị người trong cuộc tố giác, nghĩa là công cụ luật pháp không còn tác dụng).

Vì tính tự trị khá đặc biệt của thể thao, mà nhiều điều luật thông thường trong xã hội và trong kinh doanh không ứng dụng được ở lĩnh vực khá đặc biệt này.

Kỳ vọng minh bạch

Đổi mới ở tổ chức này là việc cực khó khi chức chủ tịch có vẻ như là chức vụ vĩnh viễn và việc tìm chủ tịch mới được tiến hành như truyền ngôi vua. FIFA rất ý thức trong việc giữ gìn tính tự trị của mình khi liên tục đưa ra và thực thi những lời dọa nạt, những biện pháp kỷ luật nếu một quốc gia nào đó bị coi là “can thiệp” vào bóng đá.

Ông Blatter đã “dọa” cả Tổng thống Sarkozy, nhưng dù sao những vấn đề cơ bản của bóng đá Pháp vẫn phải được giải quyết ở cấp chính phủ, trên diễn đàn quốc hội. Bóng đá vốn là một lực lượng của xã hội, nhưng trong nhiều hoạt động cụ thể lại như muốn tách khỏi khuôn khổ của xã hội đó, nhất là khi quyền lợi bị đe dọa.

Theo yêu cầu của Chính phủ Thụy Sĩ, chủ tịch Tổ chức Minh bạch quốc tế A. Schwoebel đưa ra hẳn một chương trình có tên “Minh bạch trong thể thao có tổ chức”. Trong đó có nội dung mang tên “phép thử nhanh”. Theo đó, các quan chức được tham gia thử nghiệm phải trả lời một loạt câu hỏi đã soạn sẵn theo hệ thống, ai có ba hay nhiều lần hơn trả lời với từ “không”, hay sáu lần trả lời “đôi khi” thì xuất hiện nguy cơ cao dính líu đến tham nhũng.

Về biện pháp, có những nguyên tắc được đề cao như “nguyên tắc bốn con mắt” nói về những giao dịch tin cậy, hay việc mỗi liên đoàn, câu lạc bộ cần mở ra những văn phòng giao dịch cho phép tố cáo ẩn danh khi có nghi ngờ.

Liên đoàn Bóng đá Đức (DFL) cũng đã bổ nhiệm một chức thanh tra cao cấp hoạt động độc lập và sẽ tác nghiệp khi có những “nghi ngờ có cơ sở về làm sai lệch kết quả trận đấu một cách có kế hoạch hay thảo luận trước, hay những sự vụ có vẻ vượt ra ngoài quy luật thông thường”. Đó chỉ là một bước trong chương trình “Minh bạch và thống nhất trong bóng đá” của DFL, cùng thực hiện với Tổ chức Minh bạch quốc tế. Đấy cũng là bước tiếp theo của vụ án Hoyzer 2005 và Bochum 2009. Đức muốn ngăn chặn hữu hiệu các vụ mua bán cá độ bóng đá và hối lộ quan chức.

Một nghị sĩ quốc hội được ủy quyền, ông R. Grindel, đã bắt đầu tìm những điều khoản trong bộ luật của Hiệp hội Bóng đá Đức (DFB) và DFL có thể dẫn đến sự lạm dụng sinh ra tội phạm.

Chống tham nhũng trong bóng đá đang triển khai theo những chiến lược mới.

VŨ CÔNG LẬP

Kỳ 1:

__________

Đón đọc số tới:

Sống giữa biển Đông

Người Việt đã từng sinh sống, đoàn kết và nương tựa nhau để vượt qua những thử thách khắc nghiệt của đại dương mênh mông như thế nào? Câu chuyện của những ngư dân lão luyện từng đối diện với sóng dữ, cướp biển và cả những mối đe dọa từ bên ngoài...

VŨ CÔNG LẬP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên