16/06/2013 02:35 GMT+7

Để bộ xương mãi chắc khỏe

PGS.TS NGUYỄN HOÀI NAM thực hiện
PGS.TS NGUYỄN HOÀI NAM thực hiện

TT - LTS: GS Nguyễn Quang Long - giáo sư đầu ngành về bệnh lý xương khớp ở VN - trò chuyện cùng PGS.TS Nguyễn Hoài Nam về những kinh nghiệm của ông trong phòng chống bệnh loãng xương.

lI1lr0zs.jpgPhóng to
GS Nguyễn Quang Long (trái) trò chuyện cùng PGS.TS Nguyễn Hoài Nam - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Loãng xương là từ ngữ mà mọi người thường dùng để chỉ bệnh tật, yếu ớt của bộ xương. Vấn đề này đang là sự quan tâm của nhiều người, nhất là những phụ nữ tuổi trên 50. GS Long năm nay đã 86 tuổi nhưng còn rất khỏe mạnh, mỗi ngày ông vẫn đi bộ hai lần, mỗi lần khoảng một giờ.

Họ ít vận động quá

* Thưa GS, hiện có khá nhiều người mắc chứng bệnh loãng xương. Vậy theo GS, nguyên nhân từ đâu?

- Do ít vận động đấy thôi, nên nhớ rằng con người là một loại động vật cao cấp mà động vật thì khác với thực vật ở chỗ động vật hoạt động, còn thực vật đứng yên. Con hổ, báo hay sư tử nhờ có vận động mà cơ thể săn chắc, hệ thống xương phát triển bền vững.

Con người cũng vậy, ngay từ khi mới sinh ra đã vận động rất nhiều, trong đó động tác đi bộ là chủ yếu. Ngày nay, với sự tiến bộ và phát triển của các phương tiện giao thông vận tải, việc đi bộ không được coi trọng. Hơi xa một chút người ta đi xe gắn máy, từ nhà đến chợ khoảng 100m cũng chạy xe gắn máy, không ai chịu đi bộ cả, nhất là giới trẻ. Các loại trang thiết bị không dây nhiều quá, để tắt tivi cũng ngồi một chỗ, nghe điện thoại cũng vậy. Hệ thống cơ và xương ít được luyện tập và hậu quả là cơ teo và nhão, còn xương loãng và xốp.

* Ngay từ khi còn trẻ mọi người phải vận động như thế nào cho cơ, xương luôn khỏe mạnh?

- Kinh nghiệm của tôi khi còn trẻ là luôn vận động. Đi bộ thật nhiều, tận dụng mọi thời gian để đi bộ, ngay trong cơ quan cũng vậy. Động tác đi bộ hay đứng thẳng luôn giúp hệ thống xương, đặc biệt là xương sống luôn khỏe. Tránh những động tác khòm lưng. Tôi còn nhớ thời xưa khi đến thăm một hợp tác xã nông nghiệp, hầu hết xã viên đều nói với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là: “Thưa bác, có cách nào để lưng chúng tôi đỡ đau không?”. Chính vì đứng lâu đấy mà, phải vận động và vận động liên tục mới đỡ đau.

Việc đi bộ và tăng cường vận động cũng không phải cố gắng lắm đâu, sống năng động và yêu đời cũng giúp giảm bớt nguy cơ loãng xương.

* Có loại thuốc hay thực phẩm nào giúp chắc xương không?

- Nói thật ra, đến ngày nay vẫn chưa có loại thực phẩm nào có tác dụng tốt nhất cho sự chắc khỏe của bộ xương bằng sự vận động. Các loại thuốc có chứa calci chỉ sử dụng trong những trường hợp đặc biệt của thầy thuốc, nếu uống nhiều mà không uống nhiều nước hay sử dụng cho những người có bệnh ở thận và đường tiết niệu rất dễ tạo ra sỏi tiết niệu, lợi bất cập hại.

Còn việc sử dụng các loại thực phẩm giàu chất calci cũng phải chú ý nguy cơ tạo sỏi tiết niệu. Trong các loại sữa, theo tôi, rẻ tiền và tốt nhất vẫn là sữa đậu nành, tôi uống sữa đậu nành từ trẻ đến giờ vẫn uống đấy. Vừa rẻ tiền lại tiện dụng. Hồi ở bên Đức tôi có uống thêm bia vì có những công trình nghiên cứu nói bia làm chậm quá trình loãng xương.

* Tất nhiên rồi, thưa GS, nếu uống ít thì tốt còn uống nhiều như chúng ta hiện nay lại không tốt. Để kết thúc cuộc trò chuyện hôm nay, GS có lời khuyên nào cho mọi người?

- Có chứ, lão hóa, loãng xương là quá trình phát triển tự nhiên của con người, nhưng vận động và vận động nhiều sẽ làm chậm lại quá trình đó, mang lại cho bạn sự yên vui và sức khỏe. Hãy sống năng động và yêu đời hơn nữa.

PGS.TS NGUYỄN HOÀI NAM thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên