Phóng to |
Cải cách giáo dục - hãy bắt đầu bằng việc cải cách tiền lương cho giáo viên. Trong ảnh: giáo viên thể dục Trường THCS Độc Lập, Q.Phú Nhuận, TP.HCM trong một tiết dạy - Ảnh: H.HG. |
- Nhiều người tỏ ra bức xúc, phẫn nộ trước con số 70.000 tỉ đồng cho một đề án cải cách. Thật ra chúng ta có thể nhìn vấn đề theo một cách khác: số tiền lớn như thế dự kiến đổ vào giáo dục là một dấu hiệu cho thấy Nhà nước ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc tạo ra những thay đổi có tính cốt lõi cho giáo dục.
70.000 tỉ đồng có lãng phí hay không thì phải nhìn vào chỗ số tiền ấy chi cho những việc gì, dựa trên quan điểm và tầm nhìn như thế nào và đạt được kết quả ra sao. Nếu 70.000 tỉ đồng mà “thay máu” được hệ thống giáo dục, để con em chúng ta được học làm người, để không thầy cô nào phải bán điểm, không học trò nào có thể mua được bằng cấp, để nhà trường không bị thương mại hóa, để không ai phải “tị nạn giáo dục”... thì số tiền ấy không phải là lãng phí.
Tuy nhiên, trong bối cảnh những vấn đề sống còn của giáo dục như triết lý giáo dục, chính sách và chiến lược phát triển giáo dục còn chưa được giải quyết thì 70.000 tỉ đồng cho việc biên soạn sách giáo khoa và trang thiết bị là một việc khiến người ta phải kinh hãi.
Bộ Giáo dục - đào tạo tiếp thu các góp ý
Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Để có những căn cứ khoa học và thực tiễn, trước khi xây dựng đề án này Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học nhằm tổng kết đánh giá việc thực hiện chương trình sách giáo khoa của các giai đoạn trước và học hỏi kinh nghiệm quốc tế.
Trong quá trình xây dựng đề án, Viện Khoa học giáo dục VN đã gửi dự thảo cho một số tổ chức, cơ quan để xin ý kiến góp ý. Hiện nay, dự thảo đề án cũng đã được chỉnh sửa nhiều lần qua việc tiếp thu các ý kiến góp ý từ các tổ chức và cá nhân. Trong thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo Viện Khoa học giáo dục VN và ban soạn thảo đề án tiếp tục nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để nâng cao chất lượng dự thảo, hoàn thiện đề án, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
* Thưa bà, trong bối cảnh như hiện nay, có cần thiết thực hiện một cuộc cải cách giáo dục ở bậc phổ thông hay không? Và nên bắt đầu từ khâu nào đầu tiên?- Một đề án cải cách giáo dục là tuyệt đối cần thiết, như nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nhiều lần kêu gọi. Chuyện cần thiết nhất phải làm, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nêu ra từ lâu, là bảo đảm cho thầy cô giáo sống được bằng đồng lương mà không phải làm gì khác. Đáng tiếc, lời hứa đó đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
Chừng nào thầy cô giáo còn bị đối xử như hiện nay (về sự đãi ngộ) thì không có bất cứ cải cách nào có thể thành công, vì người thầy là linh hồn của một nền giáo dục. Tư cách người thầy quan trọng gấp ngàn lần so với trường sở khang trang, thiết bị hiện đại.
Khi người thầy được bảo đảm đủ sống thì chuyện cấp bách tiếp theo là cải cách hệ thống thi cử, cải cách chương trình và phương pháp giảng dạy.
* Theo bà, dự thảo đề án của Bộ GD-ĐT đã thuyết phục chưa?
- Dù có hàng ngàn trang quy định chặt chẽ cách xây dựng một đề án thì người ta vẫn có thể có hàng vạn cách đối phó. Qua nhiều cấp xét duyệt không phải là cách duy nhất bảo đảm tính đúng đắn của một đề án cải cách giáo dục.
Tôi nghĩ giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, nó ảnh hưởng đến tất cả mọi gia đình, mọi người, bất kể ở lứa tuổi nào, thành phần xã hội và học vấn ra sao. Vì vậy, hãy minh bạch nội dung đề án ấy trước 80 triệu cặp mắt. Không ai không mong muốn đổi mới giáo dục. Câu hỏi chỉ là “đổi mới như thế nào” mà thôi.
* Để không lặp lại “vết xe đổ” của những lần cải cách giáo dục trước đây, lần cải cách sắp tới cần khắc phục những điều gì?
- Trong cải cách giáo dục, điều quan trọng nhất là mọi quyết định phải dựa trên chứng cứ khoa học. Không thể “thử và sai”, “vừa làm vừa học” trong giáo dục, vì cái giá phải trả rất đắt. Cái giá phải trả không chỉ là 70.000 tỉ đồng mà có thể còn nhiều hơn nữa. Cái giá phải trả là tương lai của một dân tộc. Cho nên phải cấp bách thực hiện việc nghiên cứu thực tiễn giáo dục và kinh nghiệm quốc tế một cách nghiêm túc, với những chuẩn mực khoa học chặt chẽ, để trả lời những câu hỏi cần phải giải quyết.
Phải thẳng thắn nhìn vào những khiếm khuyết của hệ thống giáo dục hiện tại, xác định đúng nguyên nhân để sửa từ gốc, nếu không tất cả chỉ là chắp vá, ta vá chỗ này thì hở ra chỗ khác. Ngay cả những vấn đề ở tầm thấp hơn cũng cần dựa trên chứng cứ khoa học để ra quyết định.
Chính sách giáo dục cần dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học, chứ không phải cần nghĩ ra các “đề tài nghiên cứu” đủ loại để minh họa cho chính sách.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận