18/02/2005 00:30 GMT+7

ĐBSCL: muỗi và muỗi, khiếp quá!

NG.VĂN - TẤN THÁI - NG.CHƯƠNG
NG.VĂN - TẤN THÁI - NG.CHƯƠNG

TT - Dù thời tiết đang bước vào mùa khô hạn nhưng những ngày gần đây trên địa bàn các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long... muỗi bùng phát dữ dội. Ở nhiều nơi muỗi nhiều vô kể, mọi sinh hoạt của trẻ em như: ăn cơm, học bài... của không ít gia đình đều diễn ra trong... mùng vì bị muỗi tấn công!

qgxx45iJ.jpgPhóng to
Quá nhiều muỗi nên gia đình chị Thi (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) phải giăng mùng ăn cơm để tránh bị muỗi chích - Ảnh: Nguyễn Văn
TT - Dù thời tiết đang bước vào mùa khô hạn nhưng những ngày gần đây trên địa bàn các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long... muỗi bùng phát dữ dội. Ở nhiều nơi muỗi nhiều vô kể, mọi sinh hoạt của trẻ em như: ăn cơm, học bài... của không ít gia đình đều diễn ra trong... mùng vì bị muỗi tấn công!

Muỗi nhiều như trấu!

Ở ấp Phước Thọ Hậu của xã Phước Long (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) trong những ngày này đi đến đâu cũng nghe bà con than bị muỗi chích.

Trong căn nhà tường rộng rất thoáng mát, đèn điện bật sáng liên tục, nhưng anh Bảy Ngô vừa cầm đũa ăn cơm vừa đập muỗi chan chát dù chiếc quạt gió bên cạnh vẫn không ngừng quay. Đứa con trai ngồi bên cạnh không chịu được phải bưng chén cơm chạy ra ngoài hàng ba ngồi tránh muỗi.

Theo anh Ngô, chưa bao giờ gặp phải tình trạng muỗi nhiều như thế này mặc dù nhà nào trong xóm cũng dùng nhiều phương pháp xua muỗi như: đốt nhang trừ muỗi, un khói bằng vỏ dừa khô, xịt thuốc, dùng vợt điện... nhưng vẫn bị muỗi tấn công. Để minh chứng điều này, anh tắt chiếc quạt gió và cởi trần. Chiếc áo vừa rời khỏi người, có trên mười con muỗi nhanh chóng đáp vào lưng thẳng kim hút máu.

Cùng xóm với anh Ngô, từ trước Tết Nguyên đán đến nay gia đình chị Ngô Thị Tư phải sống chung với muỗi. Chị cho biết: “Đêm 29 tết cả nhà phải ngồi trong mùng gói bánh tét vì un khói cay cả mắt nhưng vẫn bị muỗi cắn. Đêm nào ngủ cánh tay vô ý để sát mé mùng là sáng ra xuất hiện vô số chấm đỏ trên tay”.

Cũng theo chị Tư, nhiều hôm chồng chị phải bật nhạc lên mới ngủ được vì tiếng muỗi bay vo ve ngoài mùng nghe rất khó chịu như phá phải tổ ong ruồi. Hàng chục vết u nần do muỗi chích nằm san sát trên đôi chân của đứa con trai đang học lớp 6, sợ bị bệnh sốt xuất huyết nên ngày nào chị cũng mắc mùng cho con vào ăn cơm và học bài.

Không ít lần phải đem bô vào mùng cho con ... đi vệ sinh. Chị cho biết: “Sợ nhất là lúc cháu đi vệ sinh vào sáng sớm, ra ngồi... cầu tõm chưa đầy ba phút mà muỗi đã cắn sưng cả mông”.

Là vùng nước ngọt, những ngày này rất nhiều ao đìa của bà con ở xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) bị nắng nóng vắt cạn. Những đìa còn sót lại một ít nước bùn là nơi muỗi tụ dày dày lớp lớp. Vừa thoa dầu gió vào vết muỗi chích cho đứa con gái út, chị Nguyễn Thị Kim Thi (ấp Trương Hiền) vừa cầm vợt bắt muỗi quơ liên tục. “Ngày nào ăn cơm cũng phải vậy. Cố ăn thật nhanh để ngồi canh muỗi cho con” - chị than.

Không chỉ xuất hiện nhiều ở nông thôn mà ở thị xã Sóc Trăng muỗi cũng nhiều như ong vỡ tổ vào lúc chiều tối. Theo ghi nhận của chúng tôi, ở khu vực phường 3, thị xã Sóc Trăng muỗi nhiều vô kể. Mỗi khi trời nhá nhem tối ngồi uống cà phê gần cổng tỉnh đội, chỉ cần đưa tay lên khỏi đầu đập mạnh vào nhau là muỗi chết hàng chục con, hoặc kéo quần dài lên cao một chút là muỗi đậu đen như dính phải... mè.

Theo nhiều người dân ở thành phố Cà Mau, trong vòng hai ba tuần trở lại đây muỗi bỗng dưng xuất hiện ào ào. Anh Trần Thanh Han ở khóm 5, phường 8 than: “Cứ bắt đầu tối thì muỗi bay thành từng bầy và tới tấp tấn công người. Xem truyền hình dù đã bật quạt máy hết cỡ nhưng vẫn bị muỗi cắn đỏ tay chân. Vợt điện bắt muỗi dù để yên một chỗ không cần quơ qua quơ lại mà nó vẫn nổ lắp bắp như bắp rang, khét lẹt”.

Anh Han cho biết thêm ngay những người ở những nơi “nổi tiếng” là có muỗi nhiều như U Minh, Năm Căn... nhưng khi lên thành phố bị muỗi cắn đành phải “bỏ của chạy lấy người”!

Em Nguyễn Thanh Vẹn - học sinh lớp 12C3 Trường bán công Cà Mau - cho biết: “Sáng vào lớp học muỗi bay nghe vèo vèo. Ở trên thầy giảng bài, ở dưới cả lớp đập muỗi nghe chát chát”.

Tại Vĩnh Long, theo ghi nhận của nhiều người dân, từ trước Tết Nguyên đán đến nay muỗi xuất hiện nhiều hơn bình thường. Chị Thu Thủy ở chợ Long Hồ cho biết: “Hằng ngày trước khi ra khỏi nhà tôi đều xịt muỗi. Mỗi sáng tôi cũng phải diệt muỗi bằng vợt điện trước khi con tôi thức dậy, nếu không vừa ra khỏi mùng có thể bị muỗi chích liền”.

Các chủ tiệm điện gia dụng ở chợ Vĩnh Long cũng cho biết tuy không vào mùa mưa nhưng khách hỏi mua vợt điện diệt muỗi khá nhiều. Giá không rẻ, 35.000-45.000 đồng/cây mà lại dễ bị hư hỏng. Còn vùng nông thôn, nhiều người như chú Hai Non ở Vũng Liêm thì thắc mắc: “Chưa tới mùa mưa mà sao lóng rày muỗi dữ quá!”.

Vậy mà không nguy hiểm (?)

Tuy muỗi xuất hiện với mật độ dày đặc nhưng theo đánh giá của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sóc Trăng, mật độ muỗi gây bệnh cho người không cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Còn theo bác sĩ Đặng Khánh Linh - phó khoa dịch tễ Trung tâm Y tế dự phòng - số bệnh nhân bị nhiễm sốt xuất huyết trong tháng giêng không nhiều, toàn tỉnh có 67 ca, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo bác sĩ Linh, muỗi mà bà con cho là “nhiều như trấu” chỉ là muỗi cỏ, không có khả năng lây truyền bệnh cho con người.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân - trưởng khoa dịch tễ Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long - cho biết qua một cuộc điều tra nhỏ cho thấy mật độ muỗi tăng hơn. Tuy nhiên, không có nhiều loại muỗi gây bệnh sốt rét, chỉ có hai loại muỗi là muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết và muỗi thường (hay còn gọi là muỗi cỏ). Theo bác sĩ Tân, nguyên nhân muỗi xuất hiện nhiều có thể do trứng muỗi đẻ vào cuối mùa mưa trước và tồn lưu trong đất, nay gặp thời tiết thuận lợi nên nở rộ.

Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Minh Tùng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bạc Liêu, muỗi nhiều là do trên địa bàn tỉnh này càng ngày có quá nhiều kênh mương ao tù nước đọng đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng.

Tuy nhiên, qua điều tra của bộ phận côn trùng thì số muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết ở Bạc Liêu không đáng kể, chỉ chiếm tỉ lệ 0,2 con/nhà. Song từ nay đến đầu mùa mưa là thời điểm phát triển với số lượng tăng dần của các loại muỗi, và ở nông thôn do tập quán thường xuyên chứa nước mưa trong nhà nên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vẫn thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân luôn cho trẻ ngủ mùng để tránh bị muỗi vằn chích gây bệnh sốt xuất huyết...

NG.VĂN - TẤN THÁI - NG.CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên