20/08/2009 00:01 GMT+7

ĐBSCL: cát ầm ầm xuất ngoại

PHƯƠNG NGUYÊN
PHƯƠNG NGUYÊN

TT - Chưa bao giờ cát của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại “chảy” ra nước ngoài với khối lượng lớn như những tháng gần đây. Chỉ riêng sáu tháng đầu năm nay, lượng cát rời khỏi sông Tiền và sông Hậu bằng cả chục năm trước cộng lại.

m61cZHRF.jpgPhóng to
Hằng ngày có cả chục chiếc lash trọng tải lớn chở cát từ ĐBSCL xuất đi nước ngoài - Ảnh: Phương Nguyên

Theo Cục Hải quan Cần Thơ, số liệu cát từ ĐBSCL xuất ra nước ngoài trong sáu tháng đầu năm nay thông qua hải quan Cần Thơ tăng khủng khiếp. Cụ thể, cả năm 2008 chỉ khoảng 1,1 triệu tấn, nhưng sáu tháng đầu năm nay lên đến gần 7 triệu tấn, tăng gần 7 lần so với cả năm 2008.

Một cán bộ hải quan cho biết số cát xuất trong sáu tháng đầu năm nay bằng số lượng cát xuất trong cả chục năm trước cộng lại. Cán bộ này nói với đà xuất cát như hiện nay, năm 2009 lượng cát “chảy” khỏi ĐBSCL có thể lên đến trên 10 triệu tấn.

Trước tháng 5-2008, khi phía Campuchia còn cho xuất cát thì cát của vùng ĐBSCL không thể cạnh tranh vì chất lượng kém hơn, vì thế cát “chảy” ra nước ngoài, nhất là Singapore cũng ít hơn. Từ khi Chính phủ Campuchia quyết định đóng mỏ cát, trong khi nhu cầu từ Singapore và một số nước trong khu vực còn rất lớn nên các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu cát của VN tranh thủ khai thác tài nguyên vốn dĩ không tái sinh này đưa qua Singapore.

Campuchia đóng mỏ cát

CbE8rJW8.jpgPhóng to
Bãi tập kết cát chờ ngày xuất ngoại - Ảnh: P.N.

Ông Nguyễn Thế Hùng, phó phòng kế hoạch Xí nghiệp khai thác cát (Công ty Phát triển kinh doanh nhà Cần Thơ), cho biết trước khi Campuchia đóng cửa mỏ thì tình hình cát nền khu vực ĐBSCL không biến động nhiều, giá cát chỉ 15.000-17.000 đồng/m3, nhưng hiện nay giá sang tại ghe đã tăng vọt lên 25.000-30.000 đồng/m3.

Trước khi phía Campuchia đóng cửa mỏ, giá cát của họ xuất qua Singapore là 90.000 đồng/m3, còn hiện nay cát của VN mặc dù xuất qua Singapore chỉ ở mức 40.000 đồng/m3 nhưng cũng đủ hấp lực thu hút mạnh mẽ các nhà xuất khẩu cát vì vẫn lời rất nhiều so với giá cát hiện chỉ khoảng 17.000 đồng/m3 mua bán tại mỏ khai thác.

Trước nhu cầu cát còn lớn từ Singapore và lợi nhuận cao, nên thời gian gần đây tình hình khai thác cát trên sông Tiền và sông Hậu diễn ra khá rầm rộ và phức tạp, khai thác cả ngày lẫn đêm khiến chính quyền các địa phương phải đau đầu. Ông Vũ Đức Hưng, cán bộ Phòng CSGT đường thủy Công an TP Cần Thơ, cho biết từ khi Campuchia đóng cửa mỏ, mỗi ngày có đến cả trăm xáng cạp hoạt động, hàng trăm sà lan đi lại dập dìu, các lash trên 10.000 tấn đậu dày đặc ở các cảng như Trà Nóc, Cái Cui chờ ăn hàng. Mỗi ngày có 10 chiếc lash như vậy ra khỏi địa phận VN chở theo hàng trăm ngàn mét khối cát.

Ký lùi ngày

Từ tháng 10-2008, Thủ tướng đã có chỉ thị số 29 về việc tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông. Khoản 5 của chỉ thị này nói trước mắt tạm dừng việc xuất khẩu cát, sỏi xây dựng bao gồm cát, sỏi lòng sông và cát biển, còn đối với các hợp đồng xuất khẩu cát, sỏi xây dựng đã được ký kết trước ngày 30-11-2008 thì vẫn được thực hiện cho đến khi kết thúc hợp đồng. Dựa vào điều khoản này mà các doanh nghiệp có giấy phép cứ xuất cát qua Singapore.

Ông Nguyễn Minh Thông, phó cục trưởng Cục Hải quan Cần Thơ, nói: khoản 5 nói các hợp đồng đã ký trước 30-11-2008 thì tiếp tục cho xuất nhưng không nói thời hạn kết thúc, trong khi đó mỗi hợp đồng đã ký có khối lượng lên đến cả chục triệu mét khối cát.

“Trước lợi nhuận khổng lồ như hiện nay và nhu cầu cát ở Singapore rất lớn nên các đơn vị xuất khẩu cát đã ký hợp đồng kinh tế với phía đối tác lùi ngày lại trước 30-11-2008 để tiếp tục xuất, trong khi hải quan Cần Thơ lại không có chức năng giám sát các hợp đồng này” - ông Thông nói.

Kiến nghị xem xét lại việc xuất khẩu cát

Theo ông Nguyễn Minh Thông, cát là nguồn tài nguyên không tái sinh, vì thế Nhà nước nên có nghiên cứu, khảo sát lâu dài dưới góc độ tài nguyên - môi trường để từ đó tính toán nhu cầu trong nước ra sao, xuất như thế nào thì hợp lý. Xuất vô hạn định và không có điểm dừng như hiện nay là không ổn ở nhiều góc độ và gây ra nhiều hệ quả xấu. Ông Thông nói đã kiến nghị Thủ tướng xem lại khoản 5 của chỉ thị số 29.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cùng quan điểm với ông Thông khi cho biết UBND TP đã kiến nghị trung ương xem xét lại việc xuất khẩu cát.

PHƯƠNG NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên