15/11/2006 11:07 GMT+7

Dạy Toán và Khoa học bằng tiếng Anh

Theo Thanh Niên
Theo Thanh Niên

Năm học 2006-2007, Sở GD-ĐT TP.HCM là đơn vị đầu tiên trong cả nước tiến hành dạy thí điểm chương trình dạy Toán và Khoa học bằng tiếng Anh cho học sinh lớp 2.

mpmcAjKC.jpgPhóng to
Học sinh Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1) hứng thú trong giờ học môn Toán bằng tiếng Anh - Ảnh: Bích Thanh (Thanh Niên)

Sau gần 10 năm thực hiện, hiện nay TP.HCM đã có 113 trường tiểu học giảng dạy chương trình tăng cường ngoại ngữ. Thạc sĩ LÊ NGỌC ĐIỆP, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học đã trao đổi với chúng tôi về chương trình thí điểm này. Ông Điệp cho biết:

- Qua nghiên cứu, 2 môn học Toán và Khoa học là những công cụ giúp trẻ phát triển tư duy. Thay vì dạy 8 tiết tăng cường tiếng Anh theo chương trình Let's go với 4 chủ điểm giao tiếp bạn bè, trường học... thì bây giờ chương trình tăng cường tiếng Anh lớp 2 sẽ có thêm chủ điểm Toán và Khoa học.

Mục đích là giúp học sinh dần tích lũy được những thuật ngữ đơn giản của môn học, làm quen và đọc được tài liệu. Bên cạnh đó, những thuật ngữ đó sẽ kết nối thành những bài toán nhỏ, đơn giản là phép tính và những sự vật, hiện tượng trong chương trình lớp 2...

* Khi thực hiện, giáo viên và học sinh sẽ được sử dụng giáo trình biên soạn như thế nào?

- Tài liệu của chương trình bao gồm 2 cuốn: SGK, sách bài tập ở mỗi môn học dành cho học sinh và tài liệu hướng dẫn giảng dạy dành cho giáo viên. Đây là chương trình được biên soạn và chỉnh sửa từ giáo trình của Anh do bà Fiona Farley, nhà tư vấn giáo dục Úc và các chuyên viên của Sở phối hợp thực hiện. Bản in tại Việt Nam được NXB Harcourt Education, Công ty Fahasa và Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm về nội dung.

12FiwF4s.jpgPhóng to
Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp - Ảnh: Hoàng Hương (Tuổi Trẻ)
* Để học tốt được chương trình thì phương pháp giảng dạy nào sẽ được coi là hiệu quả và đánh giá theo chuẩn nào?

- Chương trình học thông qua hoạt động nhóm, sử dụng những hình ảnh ở chuyên đề cụ thể có ý nghĩa thực tiễn, gần gũi để học sinh hiểu được từ ngữ, phát biểu ý kiến, hướng các em phát huy tính sáng tạo, tư duy trong học tập.

Do là thí điểm nên chúng tôi không đánh giá mức độ thành công của chương trình qua điểm số mà đánh giá với những mức độ hài lòng, phù hợp và hứng thú trong giờ học của cô và trò.

* Và chương trình đang được vận hành trôi chảy ở các trường tiểu học có lớp tăng cường tiếng Anh?

- Chương trình không áp đặt mà thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Trường tiểu học nào nhận thấy đơn vị mình đáp ứng được yêu cầu về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất thì đăng ký với Sở. Hiện nay đã có 42 trường nằm rải rác ở các quận, huyện thực hiện. Cái khó khăn hiện nay mà các trường thực hiện đang gặp phải là đồ dùng dạy học chưa được đáp ứng kịp thời.

Chúng tôi đang phối hợp cùng Fahasa, Công ty Sách và thiết bị sao cho phục vụ tối đa cho việc học tập và giảng dạy. Trước mắt, các trường thực hiện chương trình này sử dụng ngày học chuyên môn tăng cường tiếng Anh của giáo viên vào việc làm đồ dùng dạy học cho học sinh.

* Thưa ông, câu hỏi cuối cùng này được khá nhiều bạn đọc quan tâm khi cho rằng chương trình giáo dục tiểu học vẫn có xu hướng quá tải, vậy khi triển khai chương trình này có góp phần tạo thêm áp lực học tập cho học sinh?

- Như đã nói ở trên, chỉ với mục đích làm quen với thuật ngữ nên chương trình không đi vào mục đích chuyên sâu. Ngoài ra với những phương pháp giảng dạy phù hợp, bên cạnh việc tiếp thu kiến thức sẽ tạo cho học sinh sự hứng khởi mà không làm không khí giờ học nặng nề. Dù là thí điểm nhưng chúng tôi tin rằng sẽ thu hút được học sinh và được triển khai đại trà trong thời gian tới.

BÍCH THANH

Theo Thanh Niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên