![]() |
Phủ Tây Hồ có nét kiến trúc đơn giản, gần gũi |
Phủ Tây Hồ những ngày đầu xuân không mang nét buồn hư ảo như trong thi phẩm nổi tiếng này mà tấp nập người dân Hà Nội và các đoàn khách từ rất nhiều các địa phương khác tới dâng lễ, tham quan.
Đi lễ chùa đầu xuân vốn là một tập quán tốt đẹp của người Việt Nam từ xa xưa. Ấy là tập quán để tưởng nhớ về những truyền thuyết huyền thoại đã nuôi dưỡng tinh thần dần tộc, từ đó tâm niệm phải sống “thiện” hơn ở hiện tại để hướng tới tương lai an lạc, tốt lành. |
Truyền thuyết kể lại rằng công chúa thứ hai của Ngọc Hoàng - nàng Quỳnh Hoa vì làm vô tình làm vỡ cái ly quý mà bị đày xuống hạ giới.
Công chúa Quỳnh Hoa đã ngao du qua nhiều nơi sơn thủy hữu tình của trần thế. Khi tới bán đảo phủ Tây Hồ hiện nay, vì phát hiện vùng này có địa thế “chúng long”, “quy hình”, lại thêm xúc cảm trước khung cảnh thơ mộng nên đã dừng chân, mở quán nước để thong dong thi hứng giữa thiên nhiên tươi đẹp.
![]() |
Tam Quan Phủ Tây Hồ |
Vùng đất phong thủy khoáng đạt, nên thơ này là nơi “duyên kỳ ngộ” của hai tâm hồn thi sĩ tài hoa là trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và công chúa Quỳnh Hoa. Khi trạng Bùng Phùng Khắc Khoan trở lại tìm Quỳnh Hoa thì nàng tiên nữ giáng trần không còn ở đó nữa. Nàng đã cùng “áo mây xe gió” trở về thiên đình, quán nước Tiên chúa ngày nào giờ như tan lẫn vào sương khói Tây Hồ mênh mang.
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã lập đền thờ người con gái mà đất trời linh thiêng tạo cơ hội cho ông được gặp gỡ.
Trong dân gian cũng tồn tại nhiều truyền thuyết khác về công chúa Quỳnh Hoa - hay còn được biết đến là chúa Liễu Hạnh công đức rạng ngời tỏa khắp thiên hạ. Khi bị đày xuống trần gian, bà đã diệt trừ yêu quái, tham quan giúp dân an cư lạc nghiệp. Chính vì thế, bà đã được triều Nguyễn phong là “Mẫu nghi thiên hạ”
![]() |
Góc sân phủ rợp bóng cây cổ thụ |
Phủ Tây Hồ có kiến trúc đơn giản tạo cho khách tham quan cảm giác gần gũi. Các cung bậc thờ tự được sắp xếp mang đầy ẩn ý tâm linh. Cũng như nhiều đền chùa khác, phủ Tây Hồ có cổng làm kiểu Tam Quan cùng những công trình chính như Phương Đình, Tiền Tế, Hậu Cung... Ngoài ra, ở sân còn có Lầu Cô, Lầu Cậu...
Phủ cũng lưu giữ nhiều di vật có giá trị văn hóa, lịch sử: hoành phi, câu đối, bức đại tự “Thiên tiên trắc giáng” (Tiên trời xuất hiện), bức hoành “Mẫu nghi thiên hạ” (Làm phép mẹ cho cả thiên hạ)...
Nhìn hướng ra hồ Tây mênh mông, khuôn viên phủ tao nhã và thâm nghiêm với hàng cau vút cao và hai cây cổ thụ tỏa bóng. Nếu đến thăm phủ Tây Hồ vào mùa hè, du khách sẽ được thưởng ngoạn những đầm sen nở hoa thanh khiết dọc theo các con đường gần nơi đây.
Từ cổng tam quan đi vào theo hướng phải là ngôi đền Kim Ngưu gắn liền với truyền thuyết về thần Trâu vàng hồ Tây. Đền Kim Ngưu, chùa Trấn Quốc... cùng Phủ Tây Hồ tạo thành quần thể di tích lịch sử - văn hóa cũng như du lịch nổi tiếng bên hồ Tây mà bất cứ du khách nào khi đến thăm Hà Nội đều muốn ghé qua.
Người ta tới đây không chỉ để cầu an, cầu tài lộc... mà còn để tìm chút không khí khoáng đạt, chút thong dong hòa mình vào thiên nhiên.
Đầu xuân, du khách thập phương nô nức đến phủ Tây Hồ dâng hương. Từ ngày giao thừa cho tới rằm tháng Giêng, Phủ Tây Hồ lúc nào cũng đông nghịt người tới lễ. Có nhiều người do không thể vào tận điện chính để dâng hương lên Mẫu Liễu Hạnh hiền từ, linh thiêng nên đành phải khấn lạy từ xa...
![]() |
Những cây quất báo hiệu mùa xuân sáng tươi một góc khuôn viên phủ Tây Hồ |
![]() |
Phủ Tây Hồ toạ lạc trên một bán đảo có thế “địa linh” nhìn ra hồ Tây |
![]() |
Từ Tam Quan rẽ phải ta sẽ thấy đền Kim Ngưu |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận