13/12/2008 08:08 GMT+7

Đau xót nạn bạo hành trẻ em - Bài 1: Đòn roi và chửi mắng 19 1 2 1

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Những câu chuyện đau lòng về những em bé bị bạo hành. Những cách “dạy con” rất tàn bạo của một số ông cha, bà mẹ. Dư luận xã hội đã nhiều lần lên tiếng phẫn nộ trước nạn bạo hành trẻ em, thế nhưng đây đó vẫn còn những tiếng kêu than của những em nhỏ bị đòn roi...

Đánh đập, trói, nhốt, bỏ đói, chửi mắng, nhục mạ… Đó là những kiểu bạo hành trong gia đình mà một số trẻ đang phải chịu đựng. Đặc biệt, một số trẻ còn bị hành hạ dã man bởi dao, búa, nước sôi... Không chỉ đau đớn về thể xác, bạo hành còn gây tổn thương tinh thần của trẻ, ảnh hưởng đến nhân cách lâu dài…

rScWtGTy.jpgPhóng to

Nụ cười của bé My lần đầu tiên sau nhiều ngày bé được “bà mẹ” này cứu - Ảnh: Quốc Việt

Nghe hỏi chuyện trẻ bị hành hạ trong gia đình, mấy người lớn tuổi trong con hẻm nhỏ của đường Đoàn Văn Bơ (P.16, Q.4, TP.HCM) lắc đầu thở dài: “Nhiều lắm! Biết kể ai bây giờ. Hay là cứ ghé chỗ cái nhà giữa hẻm đó”.

Và chỉ mấy buổi tối ở con hẻm sâu hun hút này, tôi đã sững sờ trước kiểu “giáo dục” con của một bà mẹ trẻ.

Không đòn roi nhưng rỉ máu

“Mày học như thế hả con đ.chó... Mày đầu người hay đầu bò hả? Khổ công tao cho mày ăn để mày ngu thêm. Mày học như vậy mai mốt chỉ đi làm đ. Coi chừng có ngày tao lột đồ, cởi truồng đuổi mày ra đường để cho người ta thấy cái người ngu si của mày… Mày còn khóc hả, không chịu học hả, con đ. chó! Trời ơi là trời, sao tui không sinh ra nó què cụt để nó đi ăn xin, ăn lượm cho đỡ khổ tui không hả trời…”.

Nụ cười thiên thần

Gần một buổi sáng, tôi ngồi chơi với bé My và đã nhìn thấy nụ cười trên gương mặt trẻ thơ. Bé cầm con búp bê lên “thơm” vào má, vào tóc và nhoẻn miệng cười. Một nụ cười thật ngây thơ, trong sáng trên gương mặt vẫn còn hằn vết tím bầm vì đòn roi. Chị Như xúc động: “Bé mới biết cười mấy ngày nay thôi. Trước đó bé thấy ai cũng sợ, nhất là hễ thấy mặt bà Hương lại khóc thét lên!”.

Suốt hơn một giờ buổi tối, bà mẹ “giáo dục” đứa con gái đang học cấp I bằng những lời nhục mạ thậm tệ. Cô bé càng thút thít khóc, bà mẹ càng lớn tiếng chửi bới. Người bà ở cùng (chắc là ngoại hay nội của cháu) không can ngăn. Thỉnh thoảng bà lại chêm vô vài câu: “Tại mày đó, ai biểu không nghe lời mẹ mày” khiến bà mẹ trẻ như đổ thêm dầu vào lửa, chửi nặng nề hơn. Hẻm nhỏ chỉ lọt một chiếc xe máy. Nhà cửa chật hẹp, san sát nhau.

Những lời bà mẹ “tra tấn” con người dân cả đoạn hẻm phải cùng chịu đựng, nhưng chẳng ai quan tâm nữa. Hình như họ đã quen với kiểu “giáo dục” con của bà mẹ này. Hơn 21g, đứa bé vẫn thút thít, bà mẹ vẫn hành hạ con bằng những lời thậm tệ...

Xoảng. Phần cơm tối của cô bé đã bị quăng ra hẻm. Lát sau lại soạt, soạt. Mấy quyển tập, sách tiếp tục bay ra. Lúc này cô bé đã khóc thành tiếng lớn.

Bốp. Hình như một tiếng tát hay đấm. “Mày còn khóc nữa tao cho mày cởi truồng ra đường liền” - bà mẹ hét lên. Ngôi nhà tôn nhỏ xíu, rách bươm chợt im lặng, ngột ngạt. Lát sau, cô bé vừa gạt nước mắt, vừa lò dò ra cửa nhặt mấy quyển tập sách và tô cơm đã vỡ. Trông cô bé gầy gò, nét mặt sợ sệt, chịu đựng!

qyNcNBVS.jpgPhóng to
Trẻ bị bạo hành trong gia đình thường tự kỷ, cô đơn, ngại tiếp xúc - Ảnh: Quốc Việt

Bà hàng xóm cách đó mấy căn nhà lắc đầu: “Tuần nào cũng có vài ngày nó (chỉ người mẹ mắng con - PV) hành hạ con kiểu đó. Mà tui thấy con nhỏ này cũng thiệt là ngoan. Má nó chửi cỡ nào cũng chỉ khóc, không dám nói lại một tiếng”.

Ông hàng xóm chêm vô: “Nó mà dám nói lại má nó đánh bể đầu liền. Khổ thân con nhỏ…”. Những người hàng xóm hình như đều động lòng trước tình cảnh cô bé bị mẹ hành hạ, chửi bới, nhưng họ cũng chỉ dám nói xa xôi vậy. Bà mẹ trẻ này quá dữ dằn, tục tằn. Chẳng ai muốn mình trở thành nạn nhân của bà, ít nhất là những trận chửi.

Mấy tối sau, tôi tiếp tục vào con hẻm nhỏ và lại phải nghe những lời nặng nề của bà mẹ “dạy” con. Theo những người hàng xóm, ngoài tính cách, có lẽ bà mẹ này bị căng thẳng cuộc sống quá nên đổ xuống đầu con. Chồng chạy xe ôm. Vợ làm nghề tự do. Gia đình đong gạo ăn từng ngày. Gần đây ông chồng lại lăng nhăng gì đó, bị cô vợ đánh ghen um sùm. Rồi người con trong nhà tiếp tục là nạn nhân để bà mẹ trút giận. Và tình cảnh khổ sở của cô bé đã kéo dài hàng năm nay, từ lúc còn học mẫu giáo.

Kinh hoàng đòn roi

Ngày tôi ghé Gia Lai, bé Nguyễn Kiều Diễm My vẫn đang hâm hấp sốt. Người của bé chằng chịt các vết sẹo chưa kịp lành và mắt bé vẫn bầm đen, sưng húp. Bé đã được giải cứu. Người hành hạ bé đã bị bắt. Nhưng kể lại chuyện đứa bé hai tuổi bị hành hạ dã man, nhiều người dân địa phương vẫn không cầm được nước mắt. Những ngày khổ ải của đứa bé ngây thơ này bắt đầu từ giữa tháng 6-2008 khi cô gái trẻ Nguyễn Thị Thế Sự (sinh năm 1989) đem gửi đứa con thiếu cha cho bà Lê Thị Hương ở phường Yên Đổ, TP Pleiku (Gia Lai) chăm sóc.

Bạo hành có thể làm trẻ bị tâm thần

Theo Cục Bảo vệ - chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - thương binh & xã hội, trong năm 2007 có 1.826 vụ bạo hành trẻ em cùng với 2.291 trẻ bị xâm hại, tăng 13,9% so với năm 2006. Ngoài ra, các kết quả khảo sát cho thấy có 8-22% trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn là bạo lực gia đình và cách giáo dục con cái sai trái. Nhiều trẻ em VN hiện nay cũng được đánh giá là có thể trạng thấp còi so với các nước trong khu vực vì thiếu sự chăm sóc hợp lý và dinh dưỡng cần thiết.

Theo những người hàng xóm, bà Hương ban ngày đi làm thuê, thường xuyên đóng cửa nhốt và bỏ đói đứa bé mới sinh tháng 10-2006. Chiều tối về nhà, bà Hương cũng hay đóng cửa và hành hạ bé trong nhà. Hầu như ngày nào họ cũng nghe tiếng bé khóc thét đau đớn trong nhà. Tuy nhiên ai có hỏi thì bà Hương đều trả lời “nó bị té”. Vài lần tình cờ người ta cũng thấy các vết thương sưng húp trên mặt bé và các vết hằn như bị roi đánh, kể cả các vết đứt chảy máu khắp người bé…

Những ngày gần cuối tháng

10-2008, khi cô giáo Đặng Thị Minh và cô Nguyễn Thị Như Như đi xin bé My về nuôi, khi phát hiện bé đang thoi thóp đói khát cùng với các vết thương nhiễm trùng khắp người và bị viêm phổi. Sự việc được hai người cấp báo lên công an và chính quyền địa phương, bé My mới được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Kể lại chuyện với tôi, cô Như vẫn rơi nước mắt: “Chiều đó tôi bế bé trên tay mà cứ sợ bé chết. Mắt bé bị đánh sưng húp mở không ra. Các vết thương chồng chất lên nhau. Cái mưng mủ, cái vẫn đang chảy máu. Bé thở thoi thóp, nhưng hình như đói quá nên đưa sữa vô miệng là uống hết ngay. Hôm sau bé tỉnh dần lại, cứ ôm khư khư hộp sữa như sợ lại bị bỏ đói...”.

Cùng thời điểm bé My bị hành hạ, bé Nguyễn Thị Quỳnh Phương ở quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng cũng bị đày đọa dã man bởi người cha kế. Một hàng xóm tránh nêu tên vì không muốn đụng chạm gã đàn ông dữ dằn này kể: “Ông ta đánh đứa bé như đánh kẻ thù. Lúc thì lấy ly ném thẳng vào người bé, khi lấy bát ăn cơm đánh vào đầu làm bé phải đi cấp cứu, khâu vết thương chằng chịt cả đầu”. Gã đàn ông đó sinh năm 1966, đã mấy lần vào tù ra trại vì tội trộm cắp. Nhà nghèo, càng khó khăn gã càng hung dữ đánh vợ, đánh con. Thậm chí gã có thể nhẫn tâm dùng roi điện đánh đứa bé mới hai tuổi này vì bất cứ lý do gì, kể cả bé đái dầm...

Những ngày đi tìm hiểu thực tế nạn bạo hành trẻ em trong gia đình, tôi còn tiếp cận bao nhiêu trường hợp trẻ thơ bất hạnh khác. Có những kiểu cha mẹ hành hạ trẻ em như tra tấn mà người bình thường khó có thể hình dung nổi. Em P.K.T., một đứa trẻ đánh giày ở khu phố cổ Hà Nội, rơi nước mắt tâm sự: “Quê em ở Nông Cống, Thanh Hóa. Mẹ giận cha hay nhậu nhẹt say sưa nên bỏ vào Nam lấy chồng khác. Cha bắt em ở lại, rồi dùng roi mây đánh em mỗi ngày, kể cả cột hai chân lên sàn nhà đánh vào lưng”.

T. gạt mái tóc chỉ cho tôi xem vết thẹo dài vắt ngang trán, và nói rằng đó là cú đánh tàn nhẫn cuối cùng của người cha buộc em phải trốn khỏi nhà. Trên lưng em, những vết thẹo chằng chịt như mặt thớt bị băm nát.

“Giáo dục” kiểu gì?

Trong con hẻm nhỏ hun hút và tối lờ mờ như hang rắn ở khu Mả Lạng, giữa trung tâm quận 1, tôi đã chứng kiến tận mắt cha mẹ “dạy dỗ” con cái bằng một kiểu kỳ lạ. Đứa bé mê chơi, hay dành tiền ăn sáng đi chơi game. Thế là cha đứa bé đổ cơm xuống đất, vừa chửi vừa bắt con mình vục miệng ăn như chó cho hết. Đứa bé vừa khóc vừa ăn, nước mắt nước mũi chảy đầy xuống đống cơm.

Còn cha mẹ đứa bé thì kể lể: “Phải dạy thằng lì lợm mê chơi này kiểu đó, cho nó biết quý trọng tiền bạc, mồ hôi của ba má nó”. Người cha nhất quyết cho rằng mình không hành hạ con, mà chỉ “giáo dục cho bé nên người”.

Kỳ sau: Những vết sẹo cuộc đời

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (19)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận