22/08/2004 07:01 GMT+7

"Đầu tư vào VN còn quá ít so với tiềm năng..."

CẨM HÀ thực hiện
CẨM HÀ thực hiện

TT - Bài thuyết trình chủ đề “Vì sao VN?” của ông Lai Chun Loong - chuyên gia tư vấn Tập đoàn Temasek Holdings (Singapore) - đã mang tới bức tranh sáng sủa về đầu tư tại VN tại hội nghị “Đầu tư vào VN: tổng quan, chiến lược và triển vọng” (tại Hà Nội ngày 17-8).

5087QTHD.jpgPhóng to
TT - Bài thuyết trình chủ đề “Vì sao VN?” của ông Lai Chun Loong - chuyên gia tư vấn Tập đoàn Temasek Holdings (Singapore) - đã mang tới bức tranh sáng sủa về đầu tư tại VN tại hội nghị “Đầu tư vào VN: tổng quan, chiến lược và triển vọng” (tại Hà Nội ngày 17-8).

Gần 10 năm qua, chủ tịch Khu công nghiệp VN - Singapore Lai Chun Loong là người “tiếp thị” không mệt mỏi để mời nhà đầu tư nước ngoài đến VN. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ với TTCN, ông Lai đã thẳng thắn đề cập tới cả những vấn đề chiến lược “không phải màu hồng” mà theo ông, nếu không nhanh chóng khắc phục, các nhà đầu tư sẽ không lựa chọn VN.

* Xin được bắt đầu bằng lĩnh vực nguồn nhân lực vốn luôn được coi là một trong những ưu thế cạnh tranh của VN. Nhiều nhà đầu tư tại hội nghị đã lên tiếng nguồn nhân lực của VN thậm chí còn có thể coi là một trong những điểm yếu?

- Nếu nói về lực lượng lao động theo số lượng và chi phí nhân công cho các lao động phổ thông thì rõ ràng VN có thể cạnh tranh. 60% dân số VN dưới 30 tuổi và 94% dân số biết đọc biết viết là tỉ lệ cao nhất khu vực. Khi tới thăm một số công ty ở thung lũng Silicon (Mỹ), tôi hỏi các giám đốc người Mỹ đánh giá thế nào về các kỹ sư VN đang làm việc ở đó, họ đều nói các nhân viên VN làm việc tốt, cần cù, siêng năng. Với lương công nhân trung bình ở Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương lần lượt là 116, 134 và 55 USD, giá nhân công ở VN cũng vẫn rất rẻ so với các nước khác.

Thế nhưng VN lại rất thiếu các lao động chất lượng cao, ví dụ các vị trí kỹ sư, quản lý, điều hành có tầm hiểu biết quốc tế... Giá nhân công chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng chi phí kinh doanh của một doanh nghiệp (khoảng 3%), vậy nên không nhà đầu tư nào lại quyết định đến một quốc gia đầu tư chỉ vì ở đó giá nhân công thấp hơn nơi khác.

Hơn nữa, bây giờ xu thế của các nước là không thu hút đầu tư vào các ngành cần nhiều lao động như sản xuất, chế biến mà chú trọng vào các ngành công nghệ cao nên nhân công dồi dào không thể coi là điểm cạnh tranh tuyệt đối. Khi đi thăm một công ty FDI lớn hàng đầu ở Trung Quốc sản xuất dây bán dẫn, tôi thật sự bị sốc khi thấy họ chỉ sử dụng 20 nhân viên còn lại là công nghệ tự động hóa hết. Các nhà đầu tư đều cho rằng dễ dàng tìm các kỹ sư, nhân công chất lượng cao tại Trung Quốc và các nước khác hơn là ở VN.

VN đang ở giai đoạn đầu của phát triển. Kinh nghiệm của tôi cho thấy nhân công VN rất dễ đào tạo. Vì vậy phải tích cực có những chiến lược đào tạo, ví dụ về ngoại ngữ, về kỹ năng... nhằm tạo ra một thị trường lao động chất lượng cao hơn.

* Bên cạnh vấn đề chất lượng nhân công, ông thấy nổi lên những trở ngại nào khác có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư tại VN của doanh nghiệp?

- Càng ngày giá thuê đất đai, văn phòng ở VN không hề rẻ hơn so với nước khác. Giá viễn thông rất cao, đặc biệt là so với Trung Quốc. Ví dụ tôi có thể gọi từ Singapore sang Trung Quốc với giá bằng cước một cuộc gọi nội địa trong Singapore nhưng gọi sang VN mất khoảng 0,85 đôla Singapore (SD)/phút.

VN trong tầm ngắm của các công ty xuyên quốc gia(Nguồn: Báo cáo đầu tư thế giới 2002 của UNCTAD)

Các nước và lãnh thổ đang phát triển ở châu Á % các công ty bày tỏ sự quan tâm

Trung Quốc

27%

Indonesia

10%

Thái Lan

10%

Malaysia

9%

Ấn Độ

9%

Hàn Quốc

7%

Đài Loan

7%

VN

5%

Hong Kong

4%

Phillipine

4%

Singapore

4%

Các nước châu Á khác

4%

Chi phí đi lại cũng đắt đỏ. Tôi vừa nói chuyện với doanh nhân Singapore và được biết giá vé máy bay hai chiều từ Singapore tới TP.HCM mất khoảng 500 SD, trong khi bay từ Singapore về Thái Lan với khoảng cách gấp đôi mà giá chỉ là 250 SD. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở VN còn rất yếu kém, đặc biệt là cảng biển, hàng không. Mà như tôi vừa đề cập ở trên, chi phí vận chuyển, duy trì văn phòng luôn là chi phí lớn trong điều hành doanh nghiệp.

* Thưa ông, các nhà đầu tư hàng đầu vào VN hiện đang là các nước và lãnh thổ châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore... Có ý kiến cho rằng do các nước này có “văn hóa” tương tự với VN nên ít khó chịu hơn với những vấn đề như “thiếu minh bạch, mất thời gian, quan liêu...” vốn bị coi là những điểm cần khắc phục của môi trường đầu tư tại VN, trong khi các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ thì rất dị ứng với những điểm này?

- Ý kiến này cũng khá đúng nhưng không giải thích được toàn bộ câu chuyện. Các nhà đầu tư châu Âu thường thận trọng, thực tế. Khi họ đến đầu tư ở nước khác thì thường là những khoản đầu tư lớn, do vậy thời gian cân nhắc, thực hiện cũng lâu hơn. Còn với các nhà đầu tư Mỹ, VN vẫn là điểm đến hoàn toàn mới đối với họ. Hiệp định thương mại Việt - Mỹ mới chỉ đi vào thực hiện được hơn hai năm rưỡi. Như vậy đó chỉ là vấn đề thời gian.

* Tổng giám đốc Gannon (Công ty Hóa chất tẩy rửa của Mỹ) Walter Blocker cho rằng đến nay có “ba màn trong vở kịch đầu tư của VN”. Màn thứ nhất là từ 1994-1997, các nhà đầu tư háo hức và đổ xô đến VN nhưng VN chưa thật sự sẵn sàng đón tiếp họ. Màn thứ hai từ 1997-2001, các nhà đầu tư rời khỏi VN do thiếu những biện pháp cải cách mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng khu vực. Màn thứ ba, từ 2001 đến nay các nhà đầu tư tin tưởng trở lại bởi những cam kết mạnh mẽ từ phía lãnh đạo và tiến bộ rõ rệt trong môi trường đầu tư. Ông có tiên liệu trước một kịch bản nào sắp diễn ra cho tình hình đầu tư tại VN không?

- Ồ, nếu như không quản lý tốt thì bất cứ sự thụt lùi nào cũng có thể xảy ra. Những nỗ lực nhằm thu hút đầu tư vào VN đều tiến triển khá tốt cho đến cuối năm ngoái. Nhưng rồi luật thuế sửa đổi (nâng mức thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài từ 25% lên 28%/năm và loại bỏ các ưu đãi đối với nhà đầu tư hoạt động trong khu công nghiệp) đã làm cho tình hình dường như xấu đi. Rất nhiều khoản đầu tư giải ngân nửa đầu năm nay là từ sự mở rộng các dự án. Các dự án mới rất ít. Rất may là Chính phủ đã lưu ý kịp thời vấn đề này, đang điều chỉnh theo hướng tiếp tục tạo ưu đãi cho các nhà đầu tư trong khu công nghiệp.

Vài điển hình đầu tư thành công tại VN (đơn vị: triệu USD)

1996

1999

2000

2002

Fujitsu Viet Nam (doanh thu xuất khẩu)

47

475

630

Unilever(doanh số bán hàng)

16

130

170

250

Tôi không nghĩ VN sẽ rơi vào màn kịch thứ hai một lần nữa. Trong các chuyến đi nước ngoài tiếp thị cho Khu công nghiệp VN - Singapore và cho môi trường đầu tư tại VN, tôi thấy nhiều công ty, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia, bày tỏ sự quan tâm nghiêm túc tới thị trường VN.

* Trong các chuyến đi tiếp thị cho VN như vậy, ông thấy nổi lên vấn đề gì trong chiến lược thu hút đầu tư FDI của VN?

- Khi đến Hàn Quốc, Nhật, Mỹ tôi thấy nhiều doanh nghiệp hầu như không nắm được những gì đang diễn ra ở VN. Tôi nhớ năm 2000, tôi ở Mỹ lúc cựu tổng thống Bill Clinton chuẩn bị thăm VN. Một doanh nghiệp thắc mắc với tôi vì sao tổng thống của họ lại tới VN, tôi nói: bởi vì VN có những điểm có thể mang lại lợi ích cho Mỹ, cho doanh nghiệp Mỹ.

Vấn đề của VN là thiếu một nỗ lực to lớn nhằm tiếp thị, quảng bá cho đất nước. VN phải gửi nhiều phái đoàn ra nước ngoài hơn. Phải yêu cầu các đại sứ của mình làm tốt hơn công tác này.

Tôi nghĩ các nhà hoạch định chính sách của VN rất cần chú trọng tới khâu tiếp thị toàn bộ VN như là một điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư, đặc biệt là làm sao thiết lập được quan hệ với các công ty lớn ở nước ngoài. Cần nhớ rằng trên thế giới chỉ có một Công ty Sony, một Công ty Philips mà thôi. Khi họ đã đầu tư vào Trung Quốc, Thái Lan rồi phải làm sao để VN lọt vào tầm ngắm tiếp theo của họ. Công việc này vừa cần thời gian, lại cần những bước đi khôn khéo, bài bản.Lượng FDI chảy vào VN mỗi năm 2,4 - 2,5 tỉ USD còn quá ít so với tiềm năng của VN. VN có thể thu hút được FDI tốt hơn nhiều.

* VN có thể học tập kinh nghiệm gì của Singapore?

- Thật ra, quá trình phát triển của VN và Singapore không hoàn toàn giống nhau. Singapore đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng (đường sá, nhà cửa...) trước khi mở cửa nền kinh tế, kêu gọi đầu tư. Để công nghiệp hóa, Singapore ngay từ đầu đã chú trọng đào tạo kỹ sư các ngành công nghiệp, công nghệ hơn là các ngành khác như văn hóa, nghệ thuật. Đặc biệt Singapore có một mạng lưới các văn phòng làm công tác tiếp thị rất tốt trên toàn cầu.

Thế nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng những gì Singapore đạt được ngày nay đều phải trải qua quãng thời gian dài với những nỗ lực mệt mỏi không ngừng.

CẨM HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên