24/11/2011 08:06 GMT+7

Đấu thầu với... một nhà thầu

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TT - Đấu thầu bạc tỉ nhưng chỉ có... một nhà thầu tham gia, doanh nghiệp có điểm tổng hợp cao trong tiêu chí tham gia thầu nhưng bị loại khỏi danh sách trúng thầu... Những chuyện này xảy ra nhiều năm tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ.

3YteddZi.jpgPhóng to

Theo hồ sơ phóng viên Tuổi Trẻ có được, tại gói thầu hóa chất xét nghiệm năm 2009 có 862 sản phẩm, tổng giá trị trúng thầu gần 50 tỉ đồng.

Giá trúng thầu bằng giá mời thầu

Trong số trên chỉ có hơn 20 sản phẩm có hai doanh nghiệp tham gia, hầu hết sản phẩm còn lại chỉ có một doanh nghiệp tham gia đấu thầu và nghiễm nhiên... trúng thầu. Ở những lô thầu này, phần lớn giá trúng thầu y chang với giá mời thầu.

Đơn cử, ngày 21-7-2009, ông Đặng Quang Tâm - giám đốc bệnh viện kiêm chủ tịch hội đồng thầu - ký hợp đồng trị giá gần 16 tỉ đồng gồm 378 loại hóa chất với Công ty TNHH thương mại dịch vụ kỹ thuật Lục Tỉnh, trong đó nhiều sản phẩm có giá trúng thầu và giá mời thầu giống nhau như: sản phẩm mã số XN0510 giá trúng thầu và giá mời thầu đều là 1.310.904 đồng/hộp, sản phẩm XN0989 giá 2.467.117 đồng/cái, sản phẩm XN0991 giá 2.993.585 đồng/cái.

Cùng ngày, ông Tâm ký hợp đồng với bà Ngô Thụy Cát Tiên, đại diện Công ty cổ phần dược phẩm Vimedimex gồm 287 loại hóa chất, trị giá hơn 16 tỉ đồng, nhiều sản phẩm có giá cao cũng khớp với giá mời thầu như: sản phẩm XN0375 giá 24.360.000 đồng/hộp, sản phẩm XN0385 giá 33.600.000 đồng/hộp...

Điều khiến các doanh nghiệp tham gia đấu thầu bức xúc nhất là việc hội đồng thầu đánh rớt các đơn vị có điểm tổng hợp cao (có xét yếu tố kỹ thuật và tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu thầu), các doanh nghiệp có điểm tổng hợp thấp hơn lại trúng thầu.

Cụ thể, trong gói thầu vật tư y tế tiêu hao năm 2009, sản phẩm mã số VT134 của Công ty TNHH dược phẩm Lam Sơn trúng thầu, có giá cao nhất trong sáu doanh nghiệp tham gia đấu thầu và điểm tổng hợp thấp hơn hai doanh nghiệp khác, sản phẩm VT195 của Công ty TNHH xuất nhập khẩu thương mại Hoàng Lộc M.E trúng thầu có giá cao hơn hai doanh nghiệp và điểm tổng hợp thấp hơn hai doanh nghiệp khác, sản phẩm VT072 của Công ty TNHH thương mại dịch vụ kỹ thuật Nguyễn Lâm có giá cao hơn một doanh nghiệp và điểm tổng hợp thấp hơn bốn doanh nghiệp cùng tham gia đấu thầu.

Thậm chí, một số sản phẩm còn được ký với giá cao hơn giá mời thầu như Công ty Dược phẩm trung ương 2 chi nhánh Cần Thơ trúng thầu với ba sản phẩm hóa chất xét nghiệm, trong đó có sản phẩm mã số XN0015 giá mời thầu 450.000 đồng/lít nhưng giá trúng thầu là... 480.831 đồng/lít.

Theo tiêu chí chọn thầu của bệnh viện này, nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất sẽ được kiến nghị trúng thầu. Trường hợp nhiều nhà thầu có điểm tổng hợp chênh lệch không quá 2 điểm, hội đồng xét thầu sẽ chọn nhà thầu nào có chế độ hậu mãi tốt nhất.

“Tôi không lý giải được”

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Minh Vũ - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, người phát ngôn của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - cho rằng bệnh viện làm đúng luật, có đăng mời thầu trên báo Đấu Thầu ba số liên tiếp, thời gian mở và đóng thầu đúng quy định.

Trả lời câu hỏi vì sao có nhiều lô thầu chỉ có một nhà thầu tham gia, ông Vũ nói: “Tôi không lý giải được, việc tham gia là quyền của doanh nghiệp”. Giải thích về tình trạng giá mời thầu và giá trúng thầu y chang nhau, ông Vũ nói trong quá trình xây dựng giá, các thành viên hội đồng thầu đều đến lấy giá ở các doanh nghiệp, sau đó mới làm bảng giá mời thầu trình Bộ Y tế phê duyệt. “Trùng giá là có khả năng xảy ra, không có gì khuất tất” - ông Vũ khẳng định.

Giải thích về việc doanh nghiệp có điểm tổng hợp cao bị đánh rớt, ông Vũ cho biết các công ty trúng thầu có điểm tổng hợp thấp hơn các công ty còn lại không quá 2 điểm, do đó hội đồng thầu có quyền chọn công ty nào trúng thầu, vì trong hồ sơ mời thầu cho phép hội đồng thầu làm như thế. Riêng sản phẩm trúng thầu có giá cao hơn giá chào thầu, ông Vũ nói đó là một vài mặt hàng cá biệt, không mang tính phổ biến, đó là sản phẩm mà các bác sĩ đã quen dùng.

Cho bệnh viện mượn máy, trúng thầu sản phẩm kèm theo

Tháng 11-2007, ông Đặng Quang Tâm đứng tên ký hợp đồng mượn máy phát máu với đại diện Công ty Bio-rad Singapore. Nhà phân phối các loại máy này là Công ty cổ phần thiết bị Vimec. Một trong những điều khoản trong hợp đồng này là phía bệnh viện phải sử dụng hóa chất trên máy trong vòng năm năm với giá tương đương giá thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm của phía Công ty Bio-rad Singapore được sử dụng cho máy, bệnh viện không được mua sản phẩm khác.

Theo tài liệu, có 15 loại hóa chất sử dụng theo các máy trên. Như vậy, từ khi máy đi vào hoạt động giữa năm 2008 đến nay, việc mượn máy và sử dụng các sản phẩm theo máy đã tước bỏ cơ hội của nhiều doanh nghiệp khác trong việc cung ứng máy xét nghiệm và các sản phẩm kèm theo.

Theo lý giải của ông Nguyễn Minh Vũ, năm 2007 bệnh viện mới được thành lập, không có kinh phí, ban giám đốc bệnh viện phải mượn máy, đây là thẩm quyền được quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Ông Vũ còn nói hằng năm bệnh viện vẫn phải đấu thầu sản phẩm dùng cho các máy trên, nhưng khi được hỏi đơn vị nào trúng thầu thì ông Vũ cho biết... đơn vị ký hợp đồng cho mượn máy.

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên