Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nói:
Phóng to |
Việc thực hiện đấu thầu vàng miếng được NHNN kỳ vọng sẽ kéo giảm giá vàng - Ảnh: T.Đạm |
- Để tạo cơ sở pháp lý cho việc can thiệp bình ổn thị trường vàng, NHNN đã chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng và hoàn chỉnh dự thảo quyết định của Thủ tướng về mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước. NHNN cũng đã hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động can thiệp thị trường vàng của NHNN.
Hiện NHNN đang chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực. Ngày 1-3, NHNN đã thử nghiệm đấu thầu bán vàng miếng trong nội bộ các vụ, cục và dự kiến thử nghiệm đấu thầu với các ngân hàng và doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng trong tuần này... Việc thử nghiệm đấu thầu nhằm đảm bảo cơ chế mua bán vàng miếng của NHNN với các NH, doanh nghiệp có thể vận hành thông suốt khi chính thức triển khai.
Theo dự kiến, trong thời gian đầu NHNN sẽ bán vàng miếng nhằm tăng cung cho thị trường, góp phần thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Hoạt động mua bán vàng của NHNN với các doanh nghiệp và NH đảm bảo tuân thủ Luật NHNN, các quy định pháp luật về quản lý dự trữ ngoại hối và các quy định liên quan.
Tạm xuất tái nhập vàng không tốn kém ngoại tệ NHNN vừa có văn bản giải thích thêm về chủ trương bình ổn thị trường vàng, trong đó có việc tạm xuất tái nhập vàng. Theo NHNN, bản chất phương án này là cho phép các tổ chức tín dụng đổi vàng miếng thuộc các thương hiệu khác thành vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế, khối lượng xuất khẩu bằng khối lượng nhập khẩu. Phương án này nhằm đẩy nhanh tiến độ kiểm định, chuyển đổi vàng miếng, khắc phục điểm nghẽn về kiểm định của Công ty SJC. Số lượng vàng tạm xuất, tái nhập này là vàng miếng không phải thương hiệu SJC của các tổ chức tín dụng đang giữ của người dân. NHNN đã kiểm tra tồn quỹ số vàng này hai lần trước khi trình Thủ tướng cho phép. Do vậy phương án đổi vàng miếng từ các thương hiệu khác sang vàng nguyên liệu không làm phát sinh nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu vàng vì vậy không gây ra biến động về tỉ giá. Toàn bộ số vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế nhập khẩu về được sản xuất thành vàng miếng SJC để đáp ứng nhu cầu chi trả vàng cho người dân. Các NH không được phép thu thêm phí của người dân khi chi trả số vàng này. |
* Cơ chế đấu thầu vàng miếng sẽ được thực hiện thế nào? Nguồn vàng miếng để can thiệp thị trường từ đâu, thưa ông?
- Vàng được đem ra đấu thầu là vàng miếng SJC, lấy từ nguồn dự trữ ngoại hối của Nhà nước. Tùy từng phiên, NHNN có thể đấu thầu về giá, về khối lượng... Khác với ngoại tệ, NHNN chỉ mua bán với tổ chức tín dụng, việc đấu thầu vàng được thực hiện giữa NHNN với các NH và doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng có thiết lập quan hệ mua bán với NHNN.
Về chuẩn bị vàng miếng để can thiệp thị trường, vừa qua NHNN đã ký với Công ty SJC hợp đồng gia công vàng miếng SJC từ nguồn vàng nguyên liệu của NHNN để chuẩn bị sẵn nguồn vàng miếng cho hoạt động can thiệp thị trường.
* Theo nguyên tắc đấu thầu, người bỏ giá cao sẽ trúng thầu, như vậy liệu giá vàng SJC trên thị trường có giảm như mong muốn của NHNN?
- Trường hợp tổ chức tín dụng, doanh nghiệp vẫn trả giá cao thì NHNN sẽ tiếp tục đấu thầu đến khi giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới. Có thể trong một ngày NHNN sẽ đấu thầu làm nhiều phiên và đấu thầu trong nhiều ngày liên tục. Khi thị trường về vùng giá mà NHNN cho rằng phù hợp với giá thị trường, NHNN sẽ ngừng can thiệp để cho thị trường tự mua bán.
* Việc giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới có thể hiểu như thế nào, thưa ông?
- NHNN thực hiện việc mua bán vàng miếng nhằm mục tiêu đảm bảo đưa giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới theo đúng tinh thần nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Cần chú ý rằng NHNN chỉ đưa ra mục tiêu giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới chứ không đưa mục tiêu liên thông với giá vàng thế giới. Việc bám sát giá vàng thế giới có thể hiểu như thế nào, ở mức bao nhiêu thì NHNN đang xem xét. Tuy nhiên mức chênh lệch này sẽ đủ để khuyến khích người dân bán vàng ra và hạn chế tâm lý đầu tư quá mức vào vàng.
* Với số lượng NH, doanh nghiệp tham gia hạn chế như vậy, nhiều ý kiến lo ngại sẽ có tình trạng dàn xếp giữa các đơn vị, NHNN sẽ giám sát việc này như thế nào?
- Sẽ không có tình trạng này vì NHNN đã quy định tỉ lệ vàng, còn gọi là trạng thái vàng của tổ chức tín dụng, họ không thể mua vượt trạng thái đó được. Cũng không có tổ chức tín dụng nào dại dột ôm một khối lượng vàng lớn như vậy trong khi giá cả thị trường biến động. NHNN cũng theo dõi trạng thái ngoại tệ và vàng của NH hằng ngày, do vậy NH có muốn cũng không thể mua nhiều vàng vì vi phạm quy định về trạng thái vàng.
Ngoài ra còn tùy thuộc thanh khoản của các NH vì họ không thể dồn thanh khoản vào việc mua một khối lượng vàng lớn trong một phiên. Chưa kể diễn biến giá vàng còn tùy thuộc vào điều tiết của NHNN và NHNN sẵn sàng đưa vàng ra bán để đảm bảo nguồn cung thì không dại gì các tổ chức tín dụng ôm một khối lượng lớn vàng.
Hơn nữa NH không thể đấu một phiên mà nhiều phiên và liên tục nhiều ngày. Thị trường còn nhu cầu NHNN còn bán, khi cung cầu tự điều tiết được mới thôi.
* Nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định thời gian nhận vàng lên đến hai ngày sẽ làm chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra tăng lên, giá vàng trong nước khó bám sát giá vàng thế giới?
- Ý kiến này của các NH và doanh nghiệp tôi cho là xác đáng. Nhưng vàng là dự trữ ngoại hối nhà nước nên NHNN phải có những quy định để đảm bảo an toàn. Việc quy định thời gian giao vàng trong hai ngày chỉ là dự phòng, còn thực tế NHNN sẽ tính toán cụ thể để thống nhất với các đơn vị tham gia nhằm bớt rủi ro cho các tổ chức.
Nhiều doanh nghiệp cũng có ý kiến về quy định hủy cọc, kiểm định... NHNN ghi nhận góp ý của doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo. Tuy nhiên, việc NHNN mua bán vàng miếng để bình ổn thị trường thì phải đảm bảo tài sản cho Nhà nước và đạt được mục tiêu bình ổn thị trường chứ không phải kinh doanh thu lợi nhuận nên phải có các quy định chặt chẽ, tuân thủ nguyên tắc dự trữ ngoại hối.
Quy trình đưa vàng ra thị trường sau khi NHNN thực hiện cơ chế đấu thầu
Phóng to |
* Ông Nguyễn Thành Long (chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng): Nên tăng điểm mua bán vàng ở vùng nông thôn Vừa qua NHNN đã cấp phép cho hàng loạt điểm bán vàng, tuy nhiên hầu hết các điểm này tập trung ở các thành phố lớn, còn ở vùng nông thôn dù có nhu cầu nhưng người dân không biết mua bán vàng ở đâu. Theo tôi, một khi đã công nhận quyền sở hữu vàng của người dân, NHNN cũng nên tạo điều kiện cho họ được mua bán vàng hợp pháp tại những điểm được NHNN cấp phép. Về đấu thầu vàng miếng, tôi cho rằng NHNN nên cải tiến thời gian giao nhận. Thời hạn nhận vàng tối đa tới hai ngày làm việc sau khi kết thúc đấu thầu là quá dài, dẫn đến rủi ro rất lớn khi thị trường biến động mạnh. Do NHNN xác định đấu thầu là để kéo giảm giá vàng nên vấn đề thời gian giao nhận rất quan trọng. Nếu quá dài sẽ cản trở đà giảm của giá vàng trong nước vì các NH và doanh nghiệp sẽ phải trừ một khoảng cách an toàn nên giá vàng trong nước khó bám sát giá vàng thế giới. * Ông Trần Thanh Hải (tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh vàng VN - VGB): Giám sát để đưa nguồn vàng ra thị trường Điều tôi băn khoăn là nếu đấu thầu theo giá thì tất nhiên ai bỏ giá cao sẽ thắng thầu. Trong trường hợp này, nếu thắng thầu là một đơn vị chỉ có tiềm lực vừa phải, khối lượng mua hạn chế thì liệu mục đích can thiệp thị trường, kéo giá vàng trong nước giảm có thực hiện được? Rồi các câu chuyện hậu đấu thầu, chẳng hạn nếu đơn vị thắng thầu ghim hàng không bán ra thì ai giám sát? NHNN có cơ chế kiểm soát thế nào để nguồn vàng này được đưa ra thị trường? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận