05/03/2012 07:29 GMT+7

Đâu rồi thần tượng thể thao VN?

TRẦN VĂN NGHĨA (nguyên tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM)
TRẦN VĂN NGHĨA (nguyên tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM)

TT - Cuối tuần vừa rồi, tôi có dịp trò chuyện với các em học sinh Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Các em rất mê thể thao và hiện sinh hoạt ở một số CLB bóng rổ và bóng đá tại TP.HCM.

TT - Cuối tuần vừa rồi, tôi có dịp trò chuyện với các em học sinh Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Các em rất mê thể thao và hiện sinh hoạt ở một số CLB bóng rổ và bóng đá tại TP.HCM.

Tôi hỏi một em học sinh vì sao chơi bóng rổ và thần tượng bóng rổ của em là ai, em đáp: không có thần tượng bóng rổ ở VN, thần tượng của em là hai ngôi sao đang chơi ở Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA): Kobe Bryan (khoác áo đội Los Angeles Lakers) và Jeremy Lin (CLB New York Knicks). Đặt câu hỏi tương tự với một học sinh mê bóng đá, em trả lời: “Thần tượng bóng đá của em là Cristiano Ronaldo”. Em cũng không có thần tượng bóng đá ở VN.

Nghe hai em trả lời tôi mới giật mình, đúng là thể thao VN ngày càng khan hiếm thần tượng trong lòng giới trẻ, nếu không muốn nói là gần như không còn.

Bóng đá - môn thể thao “vua” - gần như không có cái tên cầu thủ nào đọng lại sâu sắc để khán giả phải nhớ, dù hằng tuần những Công Vinh, Văn Quyết, Tài Em hay Minh Phương vẫn ra sân đều đặn. Các môn thể thao khác cũng vậy, những cái tên để khán giả khắc cốt ghi tâm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có lẽ thể thao đỉnh cao VN thời điểm hiện tại chỉ còn đúng hai cái tên được khán giả quan tâm nhất, đó là Lê Quang Liêm (cờ vua) và Nguyễn Tiến Minh (cầu lông).

Thời còn là học sinh phổ thông, thần tượng của chúng tôi là trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang. Nhiều lúc xem ông thi đấu vẫn chưa “đã”, chúng tôi còn đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng mồ hôi nhễ nhại đến sân Tao Đàn để coi Tam Lang và đồng đội tập dượt giữa trưa nắng gay gắt.

Sau khi Tam Lang giã từ sự nghiệp, chúng tôi càng thêm nhớ vì ông đã dẫn dắt đội Cảng Sài Gòn phô diễn lối chơi phối hợp nhỏ, nhuyễn và đẹp mắt - một thời là thương hiệu của bóng đá Sài Gòn. Không những thế, ông còn gọt giũa những lớp mầm non năng khiếu bóng đá như Đặng Trần Chỉnh, Hà Vương Ngầu Nại, Nguyễn Hồng Phẩm, Võ Hoàng Bửu... trở thành những ngôi sao kế thừa quý giá cho làng bóng đá TP.HCM.

Thời chúng tôi, mọi người cũng rất mê gia đình VĐV bóng bàn Lê Văn Inh, sau này là Vương Chính Học, Trần Tuấn Anh... Những người bạn mê bóng bàn của tôi nói rằng họ mê và tôn vinh những tay vợt trên vì phong cách chơi. Chẳng hạn truyền thống của gia đình bóng bàn họ Lê nổi tiếng với lối chơi phòng thủ dai dẳng, kiên cường, còn Trần Tuấn Anh thì quá xuất sắc với lối đánh đôi công.

Có người nói thời bây giờ nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại như Internet, truyền hình... nên các em có nhiều cách tiếp cận thông tin, chọn lựa ngôi sao. Không phải đâu, vì thời chúng tôi tuy thông tin hiếm nhưng vẫn có những thần tượng thể thao quốc tế, bên cạnh thần tượng thể thao trong nước.

Theo tôi, vấn đề mấu chốt chính là thể thao VN đã “tắc tị” trong việc sản sinh ngôi sao xuất phát từ công tác đào tạo thiếu bài bản, hệ thống thi đấu các môn nghèo nàn. Cách làm của thể thao VN hiện tại là “nuôi gà chọi”, chứ không tạo ra những ngôi sao từng bước đi lên, từ đó có chỗ đứng trong lòng khán giả.

Mong thể thao VN ngày càng có thêm nhiều Tiến Minh và Quang Liêm để giới trẻ nhớ, thay vì là những cái tên của “hot boy” hay “hot girl”...

TRẦN VĂN NGHĨA (nguyên tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM)

TRẦN VĂN NGHĨA (nguyên tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên