![]() |
Lòng tham con người mà, biết bao nhiêu là đủ, là vừa? Nhưng thôi, cứ coi như đó là một đức tin, một tín ngưỡng, một nét đẹp tâm linh của người Việt. Mà chẳng phải các cụ đã dạy: có thờ có thiêng, có kiêng có lành đó sao? Bởi thế thành phần đi chùa đầu năm có đủ từ người làm ăn buôn bán đến công nhân viên chức, quan to, sếp bé, người già, trẻ nhỏ, sinh viên, học sinh…
Nhưng có đi chùa đầu năm mới thấy hỡi ôi là… buồn! Buồn thật chớ không đùa. Hình như những chùa, đền lớn đầu năm cứ na ná một cảnh như nhau: Chật cứng người, xe... chen lấn, xô đẩy. phải vất vả lắm mới chen chân được vào những nơi lễ chính (thậm chí có thể không chen vào được). Rồi ăn xin ở dọc đường, nào là con xin ông bà bố thí, con xin cô bác rủ lòng thương. Mà nhìn những người này cũng hết sức tội tình: yếu đuối, què quặt, tật nguyền… (nhưng đọc trên báo mạng thấy nói ăn xin ở chùa Bái Đính kiếm mười triệu đồng một ngày mà thèm, mà muốn vứt quách cái mác công chức quèn của mình để lên chùa nhập hội cái bang). Lại nữa, hàng quán nhan nhản, người bán hàng rong đeo bám và chém giá cắt cổ mà vẫn phải cười tươi roi rói (đất khách quê người mà). Sểnh cái thì mất cắp như chơi: mất điện thoại, mất tiền, mất giấy tờ… trong dòng người đông đúc đi lễ ấy thì đố biết ai là thằng móc túi để trông chừng? Có người cúi đầu lễ lạy các ngài ở trên, lập tức đằng sau có ngay thằng giật dây chuyền! Còn chuyện lễ, thành tâm? Tất nhiên rồi, ai đặt lễ lên cũng hết sức cung kính, viết sớ cũng gắn đủ tên họ cả đại gia đình, trong lời thỉnh nguyện cũng đủ cả những mong muốn, ước ao của năm mới dù rằng thỉnh nguyện trong một mớ hổ lốn âm thanh to có, bé có, xì xào có, xuýt xoa có… và không dám chắc nó có tới được tai các thánh thần, mà giả dụ là có, thì thần thánh nào có thể giải quyết hết nổi những cầu thỉnh quá mức tham lam vô lý từ đám người hì hụi làm lễ, chen lấn bất kể tôn nghiêm.
Chưa kể khi lễ xong, nhầm lễ, mất lễ cũng là chuyện… thường ngày ở huyện.
Chuyện rút quẻ ở những nơi linh thiêng này cũng hết sức bi hài. Thẻ nọ đá thẻ kia, người rút quẻ xấu thì xin rút lại, rồi sì sụp khấn vái (Tất nhiên mỗi quẻ là phải chi tiền chứ ai cho rút không). Mỗi thẻ dài dằng dặc thơ, có câu chả hiểu nghĩa ra làm sao, nên lại có thêm dịch vụ luận giải quẻ. Mà có những câu giải ra nghe rất kì quặc, không biết người giải căn cứ vào đâu, đành tặc lưỡi: ở đất linh thiêng không được phép nghi ngờ. Dịch vụ này thường đi kèm với những người xem bói, xem tay. Chả biết đúng sai ra sao, nhưng nhiều người rất sẵn lòng rút hầu bao sà vào.
Sau một ngày chìm trong hổ lốn dịch vụ nơi chùa chiền như thế, những người đi lễ chùa, đền lớn đầu năm chưa biết có được lộc hay không nhưng trước tiên là phải mất khối tiền cho một đám dịch vụ ăn theo...
Tuổi Trẻ Cười số 471 ra ngày 01/03/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận