14/04/2010 06:45 GMT+7

Đâu là nội thành, đâu là ngoại thị?

PHÚC HUY - NGỌC HẬU
PHÚC HUY - NGỌC HẬU

TT - Từ ngày 20-5-2010, người vi phạm giao thông ở Hà Nội và TP.HCM sẽ bị phạt cao hơn từ 40%-200% so với mức bình thường. Đồng thời, hành vi vi phạm ở nội thành sẽ bị phạt cao gấp nhiều lần so với ngoại thành.

EF27cqqJ.jpgPhóng to
Xe tải, xe ba gác di chuyển vi phạm Luật giao thông trên quốc lộ 1A từ xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh qua địa phận P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM (ngã rẽ trước mặt xe). Đường lớn thuộc ngoại thành, còn đường nhỏ lại là nội thị - Ảnh: T.T.D.

Đó là nội dung nghị định 34 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Điều người dân quan tâm lúc này là việc xác định khu vực nội thành, ngoại thành căn cứ vào đâu?

Quận là nội thành, huyện là ngoại thành?

Theo giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM Trần Chí Dũng, từ trước tới nay “các quận được xem là khu vực nội thành, còn các huyện là ngoại thành”. Tuy nhiên, phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho rằng: “Khái niệm khu vực nội thành, ngoại thành rất khó xác định cụ thể. Ở Hà Nội, thị xã Sơn Tây không phải là nội thành nhưng là một thị xã có giao thông đông đúc, nên cũng cần thực hiện quy định để đảm bảo giao thông trong nội thị”.

Mức chênh lệch cao nhất gấp 5-6 lần

Nghị định 34 cho phép thí điểm áp dụng mức xử phạt khác nhau đối với người vi phạm ở nội thành và ngoại thành tại những đô thị loại đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể, khi dừng xe, mở cửa xe không đảm bảo an toàn và gây ra tai nạn ở ngoại thành thì bị phạt tiền từ 800.000-1,2 triệu đồng, nhưng nếu vi phạm trong nội thành sẽ có mức phạt tiền từ 1,4 triệu - 2 triệu đồng. Người đi xe gắn máy, xe đạp điện không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, đi ngược chiều nếu vi phạm ở ngoại thành bị phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng, ở nội thành bị phạt từ 300.000-500.000 đồng... Mức phạt chênh lệch cao nhất có thể gấp 5-6 lần.

Các nội dung trên thí điểm thực hiện trong vòng 36 tháng (kể từ ngày nghị định có hiệu lực). UBND TP Hà Nội và TP.HCM quy định cụ thể phạm vi khu vực nội thành, ngoại thành để thực hiện thí điểm.

Một lãnh đạo UBND quận 12, TP.HCM nêu băn khoăn: nếu chia theo tiêu chí quận, huyện để phạt thì chưa ổn. Có những tuyến đường như quốc lộ 22 (đoạn từ cầu vượt An Sương đến ngã tư Bà Điểm) phía bên này thuộc quận 12 nhưng phía bên kia thuộc huyện Hóc Môn và hai bên cách nhau bởi tim đường. Như vậy khi thực hiện quy định mới, chẳng lẽ CSGT chia theo tim đường để phạt?

Phó chủ tịch UBND quận 8, TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đề nghị: với những tuyến đường cao tốc, đường vành đai dù ở ngoại thành nhưng nên áp dụng mức xử phạt như nội thành để răn đe, hạn chế tai nạn giao thông.

Theo lãnh đạo một huyện, các quận của TP.HCM hiện nay mức độ phát triển cũng chưa đồng đều. Các quận nội thành cũ đã phát triển lâu, còn các quận mới như 2, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức nhiều nơi còn mang đặc trưng ngoại thành, dân cư thưa thớt, đường sá đơn giản, “trường hợp này khó có thể vận dụng địa giới hành chính để xử phạt vi phạm giao thông người dân ở quận cao hơn huyện được” - ông nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tường, phó ban chuyên trách Ban an toàn giao thông TP.HCM, cho rằng nên phân theo mức độ đô thị hóa của từng quận, huyện. Như khu vực xã Bình Hưng (giáp quận 8) dù là địa phận của huyện Bình Chánh nhưng mức độ đô thị hóa rất cao, chỉ cách khu trung tâm TP vài kilômet nên có thể xem là khu vực nội thành trong xử phạt vi phạm giao thông.

Còn ông Thạch Như Sỹ, chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội, cho rằng “chỗ nào nội thành đã cắm biển báo phân biệt rồi”. Cùng quan điểm, vụ phó Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Văn Đức nhận định quận thuộc nội thành, huyện là ngoại thành.

Còn cách phân chia nào khác?

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác có cách phân biệt nội, ngoại thành để áp dụng mức phạt khác nhau.

“Cùng một tuyến đường nhưng một bên là quận nội thành, bên còn lại là huyện ngoại thành thì khi xử phạt CSGT sẽ mất nhiều thời gian để giải thích cho người dân vì mức xử phạt chênh nhau rất cao” - một CSGT thuộc Công an TP.HCM nói.

Theo CSGT này, nên xác định ranh giới nội thành và ngoại thành theo mật độ phương tiện lưu thông. Khu vực nội thành thì mức độ lưu thông trên tuyến đường đông, giao thông phức tạp và khu vực mức độ giao thông ít hơn là ngoại thành. Như vậy có thể cùng một tuyến đường nhưng có đoạn là nội thành và có đoạn là ngoại thành. Về câu hỏi liệu người vi phạm mắc lỗi ở ngoại thành nhưng bị chặn phạt ở nội thành thì mức xử phạt ra sao, CSGT này cho biết: vi phạm nơi nào, phạt theo nơi đó.

Còn tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM Thái Văn Chung cho rằng mục đích của việc thí điểm trên nhằm giải quyết vấn đề trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP. Chính vì vậy các cơ quan ban ngành TP nên nghiên cứu khu vực nào hay kẹt xe, phương tiện lưu thông đông thì xác định là khu nội thành, còn vùng ngoại thành là những nơi phương tiện giao thông ít.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 13-4, một phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện UBND TP chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, sở sẽ có cuộc họp với các sở ngành liên quan, quận huyện bàn xung quanh vấn đề này để thống nhất hướng đề xuất UBND TP. Việc phân ranh như thế nào sẽ phải bàn kỹ với Công an TP vì đây là đơn vị thực thi nghị định.

Do hai TP tự quyết

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thuấn, vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT, đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định 34), cho biết nghị định nêu rõ các TP phải công bố phạm vi các tuyến đường thuộc khu vực nội thành hay ngoại thị. Quy định cụ thể thế nào là do UBND hai TP thực hiện với sự tham mưu của các sở GTVT.

* Như vậy, hai TP có thể căn cứ trên cơ sở nào để quy định khu vực nội thành, ngoại thị, thưa ông?

- Quy định đó dựa trên cơ sở của nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 7-5-2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị. Dựa trên tiêu chí đó mà UBND TP quyết định phạm vi nội thành, ngoại thị. Hiện nay ranh giới các quận, huyện của TP đã được xác định rõ ràng, thể hiện trên bản đồ, nên theo tôi, việc quy định cũng không gặp nhiều khó khăn.

Việc quy định khu vực nội thành, ngoại thị đã có tiền lệ thực hiện từ trước. Ví dụ, hiện nay trên các tuyến quốc lộ đã cắm biển báo “khu vực đông dân cư” để xác định đoạn đường bộ nằm trong khu vực nội thành, nội thị để yêu cầu xe phải đi đúng tốc độ theo quy định. Các TP có thể cắm biển quy định phân biệt khu vực trên các tuyến đường.

* Bộ GTVT có quy định thời hạn cuối cùng để hai TP công bố khu vực nội thành, ngoại thị không?

- Đó là việc của hai TP phải làm và công bố với người dân. Về thời hạn công bố, hai TP cần tiến hành tự công bố trước ngày nghị định 34 có hiệu lực thi hành là ngày 20-5 để triển khai áp dụng xử phạt.

Trong nghị định cũng đã nêu rõ việc quy định khu vực nội thành để áp dụng mức phạt cao hơn là trách nhiệm của hai TP.

PHÚC HUY - NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên