09/12/2019 15:16 GMT+7

Dấu chân trên cát: Từ chuyện xưa ngẫm đến chuyện nay

THẢO MINH
THẢO MINH

TTO - Là tiểu thuyết về Ai Cập cổ đại, "Dấu chân trên cát" xoay quanh chuyện đời của Sinuhe - người Ai Cập bí ẩn, được coi là thầy của Plato, Aristotle, Socrates..., người có công tạo nên "thời buổi hoàng kim của các triết gia".

Dấu chân trên cát: Từ chuyện xưa ngẫm đến chuyện nay - Ảnh 1.

Dù là đứa trẻ được nhặt về nuôi từ sông Nile, Sinuhe lớn lên trong tình yêu thương của gia đình một y sĩ nghèo ở thành Thebes, Ai Cập. Sinuhe có trái tim trong sáng, tiếp nhận lý tưởng cao đẹp của người cha nuôi: Chữa bệnh cứu người, giúp đời chứ không màng đến danh lợi.

Sau khi tốt nghiệp tại trường Khoa học về Sự sống danh tiếng, Sinuhe về quê nhà, trở thành một y sĩ sống thanh bạch, hết lòng giúp bệnh nhân nghèo.

Bước ngoặt xảy đến khi Sinuhe tình cờ cứu sống Pharaoh Akhenaten - hoàng đế Ai Cập trong một chuyến săn sư tử. Từ đó, người y sĩ nghèo bước chân vào hoàng cung Ai Cập với những đấu đá, mưu mô, chứng kiến cuộc cải cách gian nan của Pharaoh Akhenaten trong bối cảnh nhiều rối ren, chia rẽ của Ai Cập thời bấy giờ.

Nhiều sự kiện không ngờ ập đến, đẩy Sinuhe vào đau khổ, bất hạnh lẫn những hiểu biết mới, khai sáng Sinube về thế giới sau sự sống cũng như mối quan hệ giữa con người và vũ trụ. Từ đó, thân thế thực sự của Sinube cũng dần được hé lộ...

Đưa người đọc bước vào thế giới huyến bí, hấp dẫn và đầy mê hoặc của Ai Cập cổ đại, nhưng Dấu chân trên cát đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi lớn, có liên hệ mật thiết với cuộc sống hiện đại mà chúng ta đang sống.

Dấu chân trên cát: Từ chuyện xưa ngẫm đến chuyện nay - Ảnh 2.

Sinube bị quay cuồng bởi cái xấu và sự phản bội, bị đẩy xuống cái đáy của sự thất vọng và thù hận, là hiện thân của những giá trị trong sáng, tốt đẹp bị thách thức bởi thực tại đảo điên, xô bồ.

Như chính Sinuhe đã thốt lên: "Tôi nghĩ đến lý tưởng phụng sự người nghèo của cha mẹ tôi rồi tự hỏi người ta đã đạt được gì khi lý tưởng chẳng còn chút giá trị nào trong cái thế giới điên đảo, quay cuồng hiện nay!"

Đặc biệt, xung đột chính của truyện - giữa con đường cải cách "hướng thiện" của Pharaoh Akhenaten với tư tưởng chiến tranh, mạnh thắng yếu thua đã ăn sâu vào xã hội Ai Cập - đặt vấn đề về một thế giới đầy chia rẽ và chất vấn người đọc về các giá trị sống mà họ đang theo đuổi.

Như Pharaoh Akhenaten nói: "Xã hội Ai Cập hiện nay đặt căn bản trên sự ích kỷ, bạo động, tôn sùng sức mạnh chiến tranh, luật kẻ mạnh luôn luôn thắng và kẻ yếu chịu thiệt thòi". Liệu tình yêu thương, những mầm thiện có thể chuyển hoá những tư tưởng tham lam, sân hận vốn đã trở thành "điều bình thường" từ xưa đến nay?

Được phóng tác bởi Nguyên Phong - dịch giả có ngòi bút lôi cuốn, mê hoặc, người gắn liền với tác phẩm nổi tiếng Hành trình về phương Đông - Dấu chân trên cát sẽ khiến những ai cầm nó lên phải đọc liền một mạch không dứt.

"Cũng như những vết chân trên cát chỉ tồn tại một thoáng giây rồi phai mờ; huyền thoại về một người Ai Cập, qua Hy Lạp mở trường dạy học, đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc chỉ còn là một câu chuyện mơ hồ trong cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngày nay"...

Nhưng sự mơ hồ của thế giới cổ đại trong Dấu chân trên cát khiến chúng ta nhìn thực tại mà mình đang sống tỏ tường hơn rất nhiều.

Nét đẹp hát bội qua bộ sưu tập Hành trình về phương Đông Nét đẹp hát bội qua bộ sưu tập Hành trình về phương Đông

TTO - Hai nhà thiết kế trẻ Thế Huy và Hải Long vừa cho ra mắt bộ sưu tập Hành trình về phương Đông trong đêm thời trang tại Lăng Cô - Huế.

THẢO MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên