18/01/2007 05:27 GMT+7

Dầu cá biodiesel từng có ở Cà Mau

Đ.VỊNH
Đ.VỊNH

TT - Đến chiều qua, 17-1-2007, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau vẫn chưa có kết luận cụ thể về kết quả xét nghiệm thành phần “dầu dỏm” mà ngư dân Khánh Hội, U Minh phản ảnh.

Hàng chục tàu cá bị hỏng máy vì nhiên liệu dỏm? Biodiesel không “sạch” sẽ làm hỏng động cơ

vyigRMA2.jpgPhóng to
Loại dầu làm hỏng máy tàu có màu vàng nghệ và rất tanh - Ảnh: Như Ý

Tuy nhiên, người dân nhận định khả năng các đại lý bán lẻ ở Khánh Hội tự pha trộn dầu cá biodiesel vào dầu diesel là rất cao.

Ông Phan Tấn Thanh, phó giám đốc kiêm chánh thanh tra Sở Khoa học & công nghệ (KH&CN) Cà Mau, cho biết: “Từ khoảng tháng 7-2006, chúng tôi đã nhận được tin từ ngư dân thị trấn Sông Đốc, Trần Văn Thời, Cà Mau về chuyện dầu gây hỏng hóc máy móc tàu khai thác biển. Ở Bạc Liêu cũng vậy. Tôi cũng lấy ba mẫu dầu diesel ở các đại lý xăng dầu thị trấn Sông Đốc để làm xét nghiệm, nhưng kết quả không phát hiện có gì bất thường”.

Ông Thanh đã báo cáo bằng điện thoại với Thanh tra Bộ KH&CN. Ngày 25-12-2006, Thanh tra Bộ KH&CN gửi công văn đến Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng yêu cầu can thiệp kịp thời để tránh những rủi ro cho ngư dân.

Chi cục Quản lý thị trường Cà Mau cũng cho biết thời điểm tháng 6-2006, tại cửa biển Sông Đốc, Đội quản lý thị trường số 2, do ông Huỳnh Văn Khoa làm đội trưởng, đã phát hiện có người đến quảng bá dầu biodiesel làm từ mỡ cá tra, ba sa với các đại lý bán xăng dầu nơi đây.

Đội tiến hành kiểm tra thì phát hiện nhóm người này có giấy phép của Sở Kế hoạch - đầu tư Cà Mau, và giấy chứng nhận của Trung tâm Kiểm nghiệm đo lường chất lượng III. Đội trưởng Huỳnh Văn Khoa cho biết: “Người ta trình đủ giấy tờ hợp pháp thì đương nhiên người ta được hoạt động bình thường, nên chúng tôi cũng không quan tâm thêm”. Ông Khoa không nhớ tên người đứng các giấy tờ đó và cũng không biết nguồn gốc dầu từ đâu.

Việc quảng bá thương hiệu dầu cá ba sa biodiesel lan đến hầu hết các cửa biển ở Cà Mau, Bạc Liêu. Tuy nhiên, người dân đã không dùng sau khi có một vài người thử chạy vì giá rẻ nhưng không ổn. Ông Trần Lê Trung, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Cà Mau, cho biết: “Theo báo cáo các đội ở huyện, mấy tháng nay không thấy người ta quảng bá loại dầu cá đó nữa”.

Một điều đáng nói là trong khi ông Phan Tấn Thanh bảo rằng chưa nhận được bất kỳ công văn nào của các bộ ngành trung ương về việc cho phép dầu biodiesel lưu hành trên thị trường, nhưng quản lý thị trường tỉnh qua kiểm tra thấy dầu này có đầy đủ giấy phép.

Phía Công ty Thương nghiệp Cà Mau, Công ty Thương nghiệp Bạc Liêu (chi nhánh Cà Mau) khẳng định “không liên quan”. Công ty Thương nghiệp Cà Mau tuyên bố sẵn sàng hợp tác cùng với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc.

Theo nhiều nguồn tin của Tuổi Trẻ, tình trạng tàu bị hỏng máy do nhiên liệu dỏm không chỉ có ở U Minh (Cà Mau) mà cũng đã xảy ra đối với nhiều tàu đánh cá tại Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu...

Qua tìm hiểu của chúng tôi, sau việc nghiên cứu sản xuất thành công dầu biodiesel của ông Hồ Xuân Thiên, Công ty Agifish (Tuổi Trẻ từng có bài giới thiệu), tại ĐBSCL có hàng chục đơn vị đua nhau sản xuất dầu chạy máy từ mỡ cá đưa ra thị trường tiêu thụ dù chưa hề đăng ký qui trình sản xuất, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng với cơ quan chức năng của các địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Xuân Thiên cho biết vừa qua đại diện một số viện, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học & công nghệ tỉnh An Giang đã tiến hành nghiệm thu qui trình sản xuất dầu sinh học biodiesel từ mỡ cá ba sa, cá tra trên mô hình thử nghiệm Pilot của Công ty Agifish An Giang. Mô hình tuy được đánh giá cao nhưng đến nay Agifish vẫn chưa tiến hành sản xuất dầu đưa ra thị trường vì đang trong giai đoạn xây dựng nhà máy.

Đ.VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên