22/10/2003 06:09 GMT+7

Dấu ấn trẻ trên cây cầu lớn nhất miền Trung

VŨ THANH BÌNH
VŨ THANH BÌNH

TT - Cầu Câu Lâu, cây cầu lớn nhất miền Trung, vừa hợp long ngày 25-9-2003 với độ chênh chỉ 11mm, trong khi sai số cho phép có thể lên tới 40mm. Đây là thành công lớn của các kỹ sư VN khi lần đầu tiên áp dụng công nghệ mới về đúc hẫng cân bằng. Các nhà tư vấn Nhật Bản đã hoàn toàn bị thuyết phục. “Đứng mũi chịu sào” trong dự án này là chàng trai 29 tuổi - kỹ sư Đặng Hữu Vị - phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của dự án.

oH1fFqOG.jpgPhóng to
Cây cầu lớn nhất miền Trung bắc qua sông Thu Bồn - Ảnh: V.T.B.
TT - Cầu Câu Lâu, cây cầu lớn nhất miền Trung, vừa hợp long ngày 25-9-2003 với độ chênh chỉ 11mm, trong khi sai số cho phép có thể lên tới 40mm. Đây là thành công lớn của các kỹ sư VN khi lần đầu tiên áp dụng công nghệ mới về đúc hẫng cân bằng. Các nhà tư vấn Nhật Bản đã hoàn toàn bị thuyết phục. “Đứng mũi chịu sào” trong dự án này là chàng trai 29 tuổi - kỹ sư Đặng Hữu Vị - phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của dự án.

Công nghệ mới qua tay ai?

Bắc qua sông Thu Bồn nối liền hai huyện Duy Xuyên và Điện Bàn (Quảng Nam), cầu Câu Lâu dài tới 4.656m, rộng 14m, tải trọng 30 tấn, với độ tĩnh không cao nhất 17m dễ dàng cho thuyền bè qua lại.

Kỹ sư Đặng Hữu Vị cho biết cầu Câu Lâu có 1.056m cầu chính chỉ với năm nhịp đúc hẫng: khi trụ cầu tròn đúc xong thì bề mặt cầu sẽ được phóng dần ra hai bên với bêtông mà không có cáp dự ứng lực bên trong.

DJowo6nd.jpgPhóng to

Anh phó giám đốc kỹ thuật của dự án với gương mặt thư sinh...

Đó là một cây cầu lớn nhưng trông thanh thoát. Mỗi nhịp cầu với hình mái vòm sẽ tải lực xuống hai trụ cầu, tiết kiệm được bêtông mà lại vươn xa hơn. Nhưng cũng chính vì thế mà việc đúc trở nên phức tạp. Phải tính toán thế nào để hai đầu nhịp gặp nhau với độ chênh cho phép và phải bảo vệ biện pháp thi công của nhà thầu VN (Công ty Cơ khí xây dựng công trình 623) trước nhóm giám sát nước ngoài (thuộc Viện Thiết kế cầu Nhật Bản) thường muốn lái nhà thầu đi theo kinh nghiệm của mình.

Nhưng Đặng Hữu Vị cũng có kinh nghiệm riêng, anh đã tính toán rất kỹ độ vồng ngược của các nhịp đúc hẫng, độ co ngót của bêtông, phân tích kỹ từng giai đoạn để thuyết phục họ. Cuối cùng anh điều chỉnh khẩu độ chênh lệch nhịp bằng cách của mình: dùng xe treo kéo để nâng mặt cầu hiện hữu lên và quả quyết rằng độ chênh chỉ khoảng 1cm. Đây chính là con át chủ bài để chinh phục nhà tư vấn. Kết quả thật đúng như ý muốn: độ chênh 11mm. Hơn thế nữa, thời gian thi công hợp long đã rút ngắn được hơn một ngày. Chỉ cần hoàn thiện cho đến ngày khánh thành vào tháng 11-2003 tới.

Trưởng thành từ cầu Mỹ Thuận

Dân cầu đường ai đã từng “dính” vào cầu Mỹ Thuận sẽ còn trăn trở nhiều vì đây là cây cầu quá đẹp, trong khi VN chúng ta đã xây nhiều cây cầu lớn mà kiểu dáng bêtông còn thô ráp, chưa xứng danh với vị thế kiến trúc cảnh quan mà nó đáng phải có.

Trong khi đó, trên thế giới người ta thiên về kết cấu thép như cầu dây văng, kiểu dáng mặc sức uốn lượn tung hoành và thiết kế thi công cũng khó hơn nhiều. Nhưng không phải là không làm được, và Đặng Hữu Vị đang mơ ước đến lúc mình có thể bắt tay thi công những cây cầu thép dây văng như thế.

Giải thích lý do vì sao lại giao trọng trách kỹ thuật của một dự án lớn cho một anh chàng trẻ tuổi như vậy, ông Dương Văn Sang - giám đốc Công ty 623 - cho biết: “Vị là người rất thông minh. Tốt nghiệp ĐH Bách khoa xong anh xuống làm việc ngay ở cầu Mỹ Thuận, là đội phó phụ trách kỹ thuật anh đã cố gắng học hỏi rất nhiều từ cây cầu thế kỷ này cả về công nghệ lẫn việc quản lý dự án”.

Rời cầu Mỹ Thuận, Vị tham gia làm kỹ thuật cho vài cây cầu nhỏ như Bến Súc, Chợ Gạo... rồi đùng một cái “nhảy vọt” tới Câu Lâu. Ông Sang giải thích thêm: “Đây là dự án quốc tế (liên danh với phía Samhwan của Hàn Quốc) quản lý theo chất lượng ISO 9001, mà Vị cũng chính là người phụ trách quản lý chất lượng công trình của công ty. Anh biết tiếng Anh, có thể kiểm soát, chỉnh sửa thiết kế để triển khai thi công, hoạch định tiến độ dự án, cập nhật công việc thi công hằng ngày”.

Hồi cầu Mỹ Thuận vừa xong, người ta nói rằng có một lớp kỹ sư trẻ đã trưởng thành từ cây cầu này. Thực tế không nhiều người có được bước đi vững chắc như Vị. Một công trình vào lúc cao điểm huy động tới 500 công nhân và kỹ sư, vậy mà dưới bàn tay anh, mọi qui trình kỹ thuật diễn ra trôi chảy.

Tất nhiên để có được kinh nghiệm Vị phải mày mò học hỏi, anh lên cầu Bình Phước, ra cầu Cẩm Lệ (Đà Nẵng) là những cây cầu nhỏ bước đầu áp dụng công nghệ đúc hẫng để tìm hiểu về kỹ thuật, học từ cách thiết kế ván khuôn đến trộn bêtông..., để lúc được giao cầu Câu Lâu là dám nhận ngay không hề bỡ ngỡ.

Dân cầu đường tiếng là ăn to nói lớn nhưng Vị lại hiền lành, điềm đạm. Một gương mặt thư sinh nhưng mái tóc đã rất nhiều sợi bạc. “Bạc từ năm lớp 9”- Vị cười; còn ông Phạm Sĩ Trâm - phó ban chỉ đạo dự án - nói đùa: “Tóc bạc là do “kích thích nhiều, phát triển nhanh, thu hoạch sớm” chớ có gì đâu!”. Nhưng Vị nổi tiếng quyết đoán. Còn nhớ ngày đầu tiên khoan cọc nhồi, phải khoan liên tục ba ngày, độ sâu 65m. Khoan xong thì đã 10g đêm. Bên giám sát ngại không cho đổ, bảo để sáng mai vì sợ trục trặc... Nhưng Vị cứ thuyết phục: “Phải đổ ngay nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cọc nhồi”. Rồi “hăm dọa”: “Sợ để lâu sẽ không tốt cho lỗ khoan”. Rốt cuộc giám sát cũng đồng ý. Bêtông được đổ liên tục tới 4g sáng hôm sau. Kiểm tra chất lượng đảm bảo. 8 giờ sáng, Vị cùng mọi người về ngủ một giấc như chưa bao giờ ngon đến thế.

VŨ THANH BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên