17/12/2018 10:34 GMT+7

Dấu ấn đầu tư vào Chu Lai: Nở hoa trên vùng đất khó

VIỆT HÙNG - LÊ TRUNG
VIỆT HÙNG - LÊ TRUNG

Mười lăm năm THACO gieo mầm khát vọng ở Chu Lai là chừng ấy thời gian vùng đất này có những thay đổi đến ngỡ ngàng.

Dấu ấn đầu tư vào Chu Lai: Nở hoa trên vùng đất khó - Ảnh 1.

Robot hàn tại nhà máy Thaco Mazda Ảnh: THACO

THACO đã làm nên dấu ấn của một doanh nghiệp kiên cường phát triển bằng cả tấm lòng yêu nước, khát vọng tìm một vị thế cho nền công nghiệp ôtô vốn còn non trẻ ở Việt Nam.

Đi thăm vùng đất KKT mở Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) rộng ngút ngàn nhưng đâu đâu cũng thấy bóng dáng hiện đại các cở sở sản xuất, trường học, phụ trợ,…của Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO).

Dũng cảm đến vùng đất nghèo

dscn7705

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT THACO (phát biểu tại lễ công bố điều chỉnh quy hoạch KKT mở Chu Lai). Ảnh: VIỆT HÙNG

THACO sẽ rót vào Chu Lai gần 20.000 tỉ đồng

Tại Chu Lai, THACO sẽ tiếp tục đầu tư các dự án lớn và có tính động lực. Đầu tư mở rộng khu phức hợp cơ khí ôtô thêm 126ha và đổi tên thành KCN cơ khí và ôtô Thaco - Chu Lai diện tích 335ha. Triển khai xây dựng Trung tâm R&D với diện tích 38,6ha có tổng vốn đầu tư 800 tỉ đồng. Đầu tư KCN chuyên nông lâm nghiệp, chủ lực là trái cây và đồ gỗ XK rộng 451ha, tổng vốn đầu tư khoảng 13.800 tỉ đồng. Đầu tư bến cảng nước sâu chiều dài 350m có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn, tổng vốn đầu tư 1.400 tỉ đồng.

Vùng đất Chu Lai, Núi Thành (Quảng Nam) vốn là một chiến địa với nhiều khó khăn. 15 năm trước là vùng đất cát trắng trải dài, là những rừng dương, vườn khoai, cây mì,…mà cuộc mưu sinh của người dân rất đỗi gian nan, nỗi khốn khó áo cơm vẫn đeo bám nhiều hộ gia đình nơi đây. Khi ấy, Trường Hải hoạt động trong ngành ôtô Việt Nam nhưng cơ ngơi vẫn còn khiêm tốn. Và người đứng đầu - kỹ sư Trần Bá Dương, nay là chủ tịch THACO Group vẫn đang loay hoay tìm một hướng đi, một vùng đất mới để dệt nên những trang mới cho nền công nghiệp ôtô. Cảm cái tình với người xứ Quảng và nhìn thấy được vùng đất khó nhưng đầy tiềm năng, lãnh đạo tỉnh có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cởi mở, trân trọng nhà đầu tư nhằm biến vùng đất nghèo hoang hóa trở nên hấp dẫn. Ông Trần Bá Dương quyết định chọn Chu Lai để bắt đầu một hành trình mới.

Sau nhiều nỗ lực của tỉnh Quảng Nam và THACO, năm 2002, công ty được cấp phép đầu tư vào KKT mở Chu Lai. Tháng 7-2003, nhà máy sản xuất ôtô đầu tiên được khởi công xây dựng với hệ thống nhà xưởng và các dây chuyền thuộc loại hiện đại nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Rất nhanh chóng, những con người THACO dũng cảm đi đầu trong đầu tư, miệt mài lao động nên chỉ một năm sau, những chiếc xe tải đầu tiên đã được xuất xưởng, đến với khách hàng trên cả nước.

Chứng kiến thời khắc chiếc xe tải lăn bánh trên vùng đất nghèo khó Chu Lai lúc ấy, nhiều nông dân Chu Lai chân lấm tay bùn không khỏi xúc động khi nhìn thấy những chiếc ôtô ra đời trên vùng cát hoang hóa quê mình. Những con người cứ ngỡ cả đời gắn với cát để mưu sinh nhọc nhằn không nghĩ rằng sau này, chính nhà máy ôtô lại giúp họ làm nên cuộc đổi đời. Từ những nông dân trở thành công nhân, làm quen với máy móc thay cho cày cuốc, làm chủ những dây chuyền sản xuất. "Ly nông bất ly hương" đã trở thành chuyện thật của hàng vạn lao động nơi đây.

Ông Trần Bá Dương nhiều lần tâm sự: "Trường Hải đến với Chu Lai, đặt những viên gạch đầu tiên lên cát trắng xây dựng nhà máy sản xuất ôtô là một "mối duyên đặc biệt". Hành trình hiện thực hóa giấc mơ biến vùng đất cằn cỗi thành khu cơ khí ôtô lớn là cả một hành trình đầy thách thức".

Tăng tốc và sản xuất ôtô đa dụng

ong huynh khanh toan

Ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: LÊ TRUNG

Trong số 111 dự án hoạt động ở KKT mở Chu Lai với tổng vốn thực hiện 68 nghìn tỉ đồng, thì dự án đầu tư có quy mô lớn và hoạt động hiệu quả nhất là Thaco. Thaco là đơn vị tiên phong đầu tư tại đây từ những ngày đầu thành lập và nay đã hình thành nên khu phức hợp cơ khí ôtô đa dụng trên diện tích gần 400ha, gồm 30 công ty, nhà máy sản xuất lắp ráp ôtô, công nghiệp hỗ trợ, cảng biển, giao nhận, vận chuyển, trường nghề và các đơn vị hỗ trợ,...giải quyết nhiều lao động, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách tỉnh và Trung ương.

Từ một nhà máy diện tích 38ha, "đại bản doanh" tại Chu Lai ngày càng mở rộng và phát triển với tốc độ nhanh chóng. Năm 2005 khi nhà máy xe tải, xe bus đi vào hoạt động, thì năm 2007 THACO bước sang cột mốc mới khi quyết tâm đầu tư nhà máy lắp ráp xe con du lịch KIA. THACO trở thành công ty đầu tiên tại Việt Nam lắp ráp đầy đủ các chủng loại xe tải, bus và du lịch.

Ba năm sau, năm 2010 giới đầu tư công nghiệp ôtô trong nước chứng kiến bước tăng tốc phát triển rất nhanh của THACO. Tại KKT mở Chu Lai, THACO đầu tư hàng vạn tỉ đồng xây dựng nhiều dự án lớn, như nhà máy xe bus chuyên biệt sản xuất dòng xe khách THACO; đầu tư nhà máy lắp ráp xe du lịch Mazda được chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Mazda (Nhật Bản), sản xuất, lắp ráp và độc quyền phân phối sản phẩm xe con Mazda tại thị trường Việt Nam. Kế đến là hợp tác sản xuất sản phẩm xe con thương hiệu Peugeot đến từ châu Âu,...Khu công nghiệp phức hợp THACO ngày càng mở rộng, mỗi năm lại thêm những nhà máy mới mọc lên.

Quá trình mở rộng sản xuất lắp ráp ôtô, từ yêu cầu của thực tiễn phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam và muốn đứng vững trên đôi chân của mình, THACO đã mạnh dạn tiến thêm một bước mới là tiên phong đầu tư hàng loạt nhà máy linh kiện phụ tùng và cơ khí để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, vốn là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp ôtô thời đó cũng như hiện tại. Nội địa hóa với lộ trình và những bước đi bài bản đã và đang giúp THACO nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường trong ngoài nước, tạo động lực kéo theo sự phát triển các ngành công nghiệp khác. Giờ đây, nói đến Chu Lai là nói đến vùng đất công nghiệp, nơi những nhà máy sản xuất ôtô hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Á với thương hiệu ôtô Trường Hải. Nơi đây không những là niềm tự hào của người dân Quảng Nam, đó còn là một biểu tượng công nghiệp của tỉnh và của ngành ô tô Việt Nam.

Kiên định con đường đầu tư sản xuất

Dấu ấn đầu tư vào Chu Lai: Nở hoa trên vùng đất khó - Ảnh 6.

Dây chuyền kiểm định chất lượng sản phẩm tại nhà máy Thaco Mazda Ảnh: THACO

Thị trường ôtô Việt những năm gần đây hội nhập mạnh mẽ, đã đặt các doanh nghiệp sản xuất ôtô những thách thức to lớn. Thuế suất nhập khẩu ôtô về 0%, nhiều doanh nghiệp ôtô chuyển sang kinh doanh xe nhập khẩu thì THACO vẫn kiên định con đường đầu tư phát triển sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. "Đây là tâm huyết và cũng là cam kết của THACO với Chính phủ nhằm góp phần phát triển sản xuất ôtô có quy mô, từng bước cạnh tranh được trong khu vực và quốc tế", chủ tịch Trần Bá Dương nhấn mạnh định hướng phát triển của doanh nghiệp.

Đón đầu xu thế thay đổi công nghệ và hội nhập trên tinh thần cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ năm 2015, THACO đã chủ động bước vào chu kỳ đầu tư lớn. THACO điều chỉnh quy hoạch, mở rộng và nâng cấp khu công nghiệp cơ khí và ôtô theo hướng thông minh, đầu tư mới và nâng cấp toàn bộ các nhà máy sản suất lắp ráp ôtô, linh kiện phụ tùng và tổ hợp cơ khí theo hướng tự động hóa và ứng dụng số hóa trong quản trị điều hành. Trong đó, có những nhà máy được xem là hiện đại nhất Đông Nam Á. Nhà máy bus công suất 20.000 xe/năm được trang bị hệ thống dây chuyền sản xuất, máy móc hiện đại và công nghệ tiên tiến, là nhà máy xe khách có quy mô lớn nhất khu vực. Đặc biệt, THACO đã làm chủ hoàn toàn thiết kế và sản xuất nên dòng sản phẩm xe khách mang thương hiệu Việt, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà bước đầu đã xuất khẩu sang một số nước như Thái Lan, Philippines.

Ấn tượng nhất là nhà máy THACO MAZDA với công suất 100.000 xe/năm, hoạt động tháng 3-2018 với tổng vốn đầu tư 12 ngàn tỉ đồng với định vị là nhà máy sản xuất xe du lịch Mazda hiện đại nhất Đông Nam Á, được chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Mazda (Nhật Bản). Dây chuyền, thiết bị tự động hóa, quy trình sản xuất chuẩn, công nghệ mới nhất và được quản trị số hóa, kết nối trực tiếp với hệ thống kiểm định toàn cầu của Tập đoàn Mazda. Hiện xe do THACO Mazda sản xuất có chất lượng tương đương với nhà máy Mazda tại Hiroshima theo đánh giá của Mazda Nhật Bản.

Từ chỗ chỉ lắp ráp ôtô, THACO đã xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu và phát triển sản phẩm đến sản xuất linh kiện, lắp ráp, phân phối đầy đủ các dòng xe tải, bus, du lịch và chuyên dụng, tạo ra giá trị gia tăng thực sự cho nền công nghiệp ôtô của đất nước.

Xây cảng, đào tạo con người

Không chỉ phát triển sản xuất ôtô, trong quá trình đầu tư THACO đã đóng góp quan trọng vào việc giải quyết hai bài toán khó cho KKT mở Chu Lai và tỉnh Quảng Nam, đó là nguồn nhân lực và logistics.

Năm 2012, cảng Chu Lai với công suất 3 triệu tấn/năm đưa vào hoạt động. THACO đã thành lập các công ty vận tải biển và đường bộ, xây dựng và cung ứng chuỗi dịch vụ logistics trọn gói, vừa đáp ứng nhu cầu vận chuyển linh kiện, hàng hóa của THACO, vừa phục vụ các nhà đầu tư tại KKT mở Chu Lai.

Năm 2016, cảng Chu Lai tiếp tục được mở rộng và tiếp nhận cùng lúc 3 tàu tải trọng 20 ngàn tấn. Mở rộng giao thương, THACO đã mở các tuyến hàng hải quốc tế đến các cảng biển lớn ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Việc mở tuyến hàng hải quốc tế tạo ra bước đột phá để gia tăng hàng hóa xuất nhập khẩu từ các doanh nghiệp trong KKT mở Chu Lai và vùng lân cận, đưa cảng Chu Lai trở thành cảng xuất khẩu trực tiếp của Quảng Nam.

Cùng mở rộng đầu tư, THACO đã giải quyết bài toán nguồn nhân lực bằng việc đầu tư xây dựng trường cao đẳng nghề. Đây là trường đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực sản xuất trong cả nước thành lập với nhiều ưu việt từ chương trình đào tạo đến chế độ chính sách. Nội dung đào tạo cùng thiết bị luôn bám sát thực tế sản xuất. Học viên được miễn 100% học phí cùng các hỗ trợ khác trong suốt thời gian học và 100% tốt nghiệp ra trường đều được bố trí làm việc tại các nhà máy THACO. Đã có hàng ngàn học viên được đào tạo trở thành những người lao động giỏi với tác phong công nghiệp, vững vàng làm chủ đời mình và góp phần xây dựng quê hương.

Dấu ấn đầu tư vào Chu Lai: Nở hoa trên vùng đất khó - Ảnh 7.

Sau 2018, THACO thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành

Với kinh nghiệm quản trị công nghiệp trong sản xuất kinh doanh ôtô theo chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu phát triển sản phẩm; sản xuất; phân phối, bán lẻ, cùng với 5 trụ cột cốt lõi là: Triết lý - Giá trị; Chiến lược - Khác biệt; Quản trị - Đặc thù; Nhân sự - Phù hợp; Môi trường làm việc - Văn hóa và thuận tiện. Với tinh thần cách mạng công nghiệp 4.0, THACO đã đề ra chiến lược phát triển sau 2018 là trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó lấy cơ khí và ôtô là chủ lực, và phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh khác như: Nông nghiệp; Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông; Đô thị và khu công nghiệp; Logistics và thương mại - dịch vụ.

VIỆT HÙNG - LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên